Cán bộ công đoàn phải trưởng thành từ cơ sở

Thứ hai - 29/06/2015 04:12 1.935 0
Những quan điểm về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, phát triển phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, đồng chí cho rằng, công đoàn phải thể hiện được đầy đủ tính độc lập về tổ chức và cán bộ công đoàn phải trưởng thành từ cơ sở hoặc từ phong trào Công đoàn.
Cán bộ  công đoàn phải trưởng thành từ cơ sở
Coi trọng phong trào thi đua:
Trên cương vị Chủ tịch Tổng CĐVN, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng BCH Tổng CĐVN xác định nhiệm vụ của CĐVN trong thời kỳ mới là: Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong CNVCLĐ; Giáo dục đoàn viên CĐ nâng cao nhận thức chính trị, tác phong công nghiệp, tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật; Tham gia quản lý sản xuất, phân phối lương thực, thực phẩm; Động viên CNVCLĐ, khắc phục khó khăn, hăng hái LĐSX, thực hành tiết kiệm; Chăm lo đời sống cho đoàn viên và CNVCLĐ; Củng cố tổ chức CĐ các cấp; Quy hoạch, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB CĐ các cấp.
Thực hiện chủ trương này, các cấp CĐ coi trọng việc giáo dục, phát huy quyền làm chủ tập thể; tổ chức phong trào cách mạng của CNVCLĐ, tiến hành đồng thời cách mạng về quan hệ SX, khoa học kỹ thuật và văn hóa, tư tưởng; sẵn sàng làm tròn nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc; ra sức chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích NLĐ. CĐ tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua (PTTĐ) như “Sáng kiến và tiết kiệm” trong CNVCLĐ; thi đua giành danh hiệu tổ, đội lao động XHCN; thi đua quốc tế XHCN, nhất là phong trào thi đua giữa chuyên gia Liên Xô và cán bộ, CNLĐ Việt Nam trên các công trình xây dựng trọng điểm ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả 
thiết thực.
Cũng trong thời gian này, đồng chí chỉ đạo các cấp CĐ tổ chức thực hiện NQ Hội nghị lần thứ ba BCH Tổng CĐ (khóa IV) về “Nhiệm vụ GCCN và tổ chức CĐ trong cải tạo và phát triển nông nghiệp”, phong trào liên kết thi đua trên địa bàn huyện, thu hút ngày càng đông đảo CNVCLĐ tham gia dưới nhiều hình thức, góp phần xác định rõ trách nhiệm của CNVCLĐ, của tổ chức CĐ trong nhiệm vụ phát triển SX nông nghiệp. Theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Tổng CĐVN và của BCH Tổng CĐVN lần thứ ba (khóa IV), các CĐ huyện đã được thành lập để đảm nhiệm việc tổ chức, chỉ đạo liên kết PTTĐ phục vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện. Một số CĐ huyện đã bước đầu phát huy tác dụng tốt.
Cùng với Ban Thư ký, đồng chí chỉ đạo xây dựng hệ thống CĐ các cấp, các ngành phù hợp với tổ chức SX, tổ chức quản lý. Sự phân công, phân nhiệm, xác định chức năng của các cấp, các ngành trong hệ thống CĐ đã bước đầu được chấn chỉnh, nâng cao chất lượng tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội của CĐ.
Công đoàn phải thể hiện được đầy đủ tính độc lập về tổ chức:
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, để CĐ làm tròn trọng trách của mình trong giai đoạn mới của cách mạng, bản thân CĐ phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đổi mới tổ chức và cán bộ.
Một là, trong điều kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đối tượng tổ chức và vận động của công đoàn phải được mở rộng. Hoạt động của công đoàn không chỉ giới hạn trong đội ngũ CB CNVC nhà nước, mà phải bao quát cả các khu vực xí nghiệp tư nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, các HTX SX công nghiệp, xây dựng, vận tải. Phải xoá bỏ những thành kiến hẹp hòi, phân biệt đối xử đối với những người lao động không nằm trong biên chế nhà nước. Công đoàn cần nghiên cứu các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động thích hợp với đặc điểm của các loại hình kinh tế này.
Hai là, Công đoàn phải thể hiện được đầy đủ tính độc lập về tổ chức. Đó là điều kiện để Công đoàn phát huy hơn nữa vai trò và hiệu lực công tác của mình trong hệ thống chuyên chính vô sản. Về bản chất, hoạt động của công đoàn không độc lập với các tổ chức khác trong hệ thống chuyên chính vô sản. Nhưng về mặt chức năng và phương thức hoạt động, Công đoàn không hoàn toàn giống các tổ chức khác. Làm rõ và thể hiện được đầy đủ trên thực tế các chức năng và phương thức hoạt động của công đoàn thì chắc chắn công đoàn sẽ bảo đảm được tính độc lập về tổ chức.
Công đoàn phải tích cực và chủ động thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích của người lao động, chức năng tham gia quản lý và kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Để làm được việc này, cán bộ công đoàn không chỉ cần có ý thức chính trị đúng đắn, có năng lực, phẩm chất và đạo đức trong sáng, tinh thần dũng cảm, lòng kiên trì và thái độ kiên quyết. Công đoàn phải có ý kiến độc lập của mình, không dựa dẫm vào cấp uỷ Đảng, không lệ thuộc vào cơ quan quản lý. Dĩ nhiên, Công đoàn không thể là tổ chức biệt phái theo kiểu “chủ nghĩa công đoàn” hoặc theo đuôi quần chúng lạc hậu.
Ba là, cùng với việc tinh giản bộ máy và biên chế, Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, tránh tình trạng cán bộ ít đi xuống cơ sở tìm hiểu, tiếp xúc và đối thoại với quần chúng, điều hành công việc chủ yếu bằng công văn, chỉ thị và hội họp quá nhiều. Các cấp công đoàn phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng: Lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên làm đối tượng vận động, thuyết phục và giáo dục, làm cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quyết định của CĐ mới tới được công nhân và biến thành sức mạnh vật chất to lớn để giải quyết thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Bốn là, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt cán bộ công đoàn. Ngày nay, người cán bộ công đoàn không thể dùng nhiệt tình để kêu gọi và động viên chung chung, mà phải được trang bị những kiến thức về chuyên môn, về quản lý kinh tế; hiểu biết về tâm lý học, xã hội học, luật pháp; nghiệp vụ về công tác vận động công nhân lao động. Cần mở ra nhiều hình thức đào tạo chính quy và không chính quy, tập trung và tại chức, dài hạn và ngắn hạn, không ngừng nâng cao nội dung và phương pháp đào tạo trên tinh thần đổi mới.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, cán bộ công đoàn không nhất thiết phải là đảng viên, nhưng điều bắt buộc là phải trưởng thành từ cơ sở hoặc từ phong trào công đoàn. Có như vậy, họ mới am hiểu công việc thực tế, thông cảm sâu sắc với đời sống của người lao động. Cần tăng cường cán bộ công đoàn bán chuyên trách, nhất là ở cơ sở. Điều này giúp giảm nhẹ biên chế và có lợi cho việc nắm sát tình hình thực tế. Đồng thời, có kế hoạch luân chuyển cán bộ từ cấp trên xuống công tác ở địa phương, ở cơ sở và ngược lại.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng xây dựng công đoàn vững mạnh không chỉ là nhiệm vụ của giai cấp công nhân và người lao động, mà còn là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn, hành động kiên quyết hơn đến các vấn đề tiền lương, phụ cấp, mức tăng giá, tình trạng giáo dục, y tế, chính sách đối với thợ lành nghề và những nhà chuyên môn giỏi, v.v... Các cấp uỷ Đảng phải nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình đối với CĐ; góp ý kiến về chủ trương và nội dung công tác cho công đoàn; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; giới thiệu với công đoàn những cán bộ lãnh đạo chủ chốt để họ lựa chọn bầu người xứng đáng thay mặt mình. Đồng chí nhấn mạnh các cấp uỷ Đảng cần quan tâm hơn nữa việc phát triển đảng viên trong CNLĐ, nhất là CNLĐ trực tiếp sản xuất. Số đảng viên mới kết nạp là CNLĐ chỉ chiếm 7-8% trong tổng số đảng viên kết nạp hằng năm là một tỉ lệ quá thấp, phải nhanh chóng thay đổi tình hình này.
Những quan điểm về GCCN và tổ chức CĐVN cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, phát triển phong trào CN và tổ chức CĐ của đồng chí Nguyễn Văn Linh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề đặt ra cho các cấp CĐ là cần vận dụng sáng tạo các quan điểm, nội dung, phương thức xây dựng GCCN và hoạt động CĐ mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tổng kết, cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; góp phần tích cực vào việc xây dựng GCCN và tổ chức CĐVN ngày càng vững mạnh.
Đặng Ngọc Tùng
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây