Phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm xây dựng quê hương Quảng Trị vững bước trên con đường đổi mới, phát triển

Thứ năm - 27/04/2017 03:17 3.171 0
Cách đây vừa tròn 45 năm, trong khí thế tiến công của chiến dịch Xuân – Hè 1972 rực lửa trên chiến trường Trị - Thiên Huế; dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Khu ủy Trị - Thiên Huế, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị cùng với các quân binh chủng chủ lực đã tiến hành chiến dịch tổng hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa ba thứ quân, tạo thành ba mũi giáp công, vây ép và tiêu diệt một loạt căn cứ của địch đập tan hệ thống phòng ngự được mệnh danh “lá chắn thép” của Mỹ - Ngụy trên tuyến phòng thủ “địa đầu” của chúng ở miền Nam, giải phóng Quảng Trị.
Đồng chí NGUYỄN VĂN HÙNG,  UVTƯ Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Đồng chí NGUYỄN VĂN HÙNG, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Thắng lợi của chiến dịch này, tiếp tục góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam, tạo nên thế và lực mới, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đã xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược miền Nam, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, làm bàn đạp tấn công miền Bắc Việt Nam. Với mưu đồ tạo “lá chắn thép” nhằm ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng và sự chi viện của miền Bắc XHCN cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã xây dựng trên địa bàn Quảng Trị một bộ máy ngụy quyền khét tiếng tàn bạo. Chúng xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc, sân bay, hải cảng quân sự và hệ thống hàng rào điện tử Mc.Namara hiện đại. Kẻ thù hung bạo đã triển khai mọi kiểu chiến tranh, mọi thủ đoạn bình định “tố cộng”, “diệt cộng” hết sức thâm độc và nham hiểm, biến Quảng Trị thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, khu tập trung. Đế quốc Mỹ đã sử dụng các loại phương tiện chiến tranh hiện đại, tiến hành các cuộc càn quét, chà đi, xát lại làm cho làng mạc tiêu điều. Nhiều tổ chức, mạng lưới cơ sở cách mạng bị phá vỡ, nhiều vùng quê trở thành “vành đai trắng” vì bom cày, đạn xới và chất độc hoá học...
Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng ý chí sức mạnh kiên cường, lòng quả cảm và bản lĩnh trung kiên, gan vàng, dạ sắt, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã sát cánh bên nhau tạo nên sức mạnh vô biên, chiến đấu và chiến thắng, góp phần đập tan các kiểu chiến tranh, chặn đứng mưu đồ “lấp sông Bến Hải”, tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Khát vọng độc lập, tự do, thống nhất non sông đã thổi bùng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân hai miền Nam-Bắc. Mặc cho cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ nhưng “Gươm nào chém được dòng Bến Hải; lửa nào thiêu được dải Trường Sơn”, người dân Quảng Trị không hề nao núng, vẫn một lòng thủy chung, son sắt với Đảng, với cách mạng. Sông Bến Hải đêm đêm vẫn tấp nập những chuyến đò chuyển quân từ “lũy thép” Vĩnh Linh vào chia lửa cùng miền Nam ruột thịt. Gần 7 vạn quân và dân Vĩnh Linh vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc đầu cầu XHCN, sừng sững hiên ngang giữa mưa bom, bão đạn của quân thù; Cồn Cỏ chiến đấu kiên cường, giữ vững tiền đồn giữa biển khơi. Trong mọi hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí, dũng cảm, đào địa đạo, lập “làng hầm”, vừa chiến đấu, vừa sản xuất, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam; thực hiện kế hoạch K8, K10 đưa hơn 5 vạn thiếu nhi, người già ra các tỉnh miền Bắc để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ và ác liệt. Phía Nam sông Bến Hải, quân và dân Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Hà, Hướng Hóa với nghĩa khí trung kiên, ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quần nhau với địch, quyết một tấc không đi, một ly không rời, bám dân, bám đất, giữ vững phong trào cách mạng. Xuân Mậu Thân năm 1968, cùng toàn miền Nam đồng loạt nổi dậy tiến công tập kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy, quân và dân Quảng Trị đã giáng quả đấm sấm sét tiêu diệt địch ở Làng Vây, tập trung vây ép địch ở Khe Sanh, thọc sâu, đánh mạnh vào thị xã, thị trấn và vùng lân cận, tiêu diệt một bộ phận cứ điểm quan trọng của địch, góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Đầu xuân 1971, phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực và quân, dân nước bạn Lào, quân dân Quảng Trị đã chiến đấu ngoan cường, đầy mưu trí, sáng tạo, góp phần đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719, làm thất bại âm mưu thử nghiệm chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy, lập nên chiến thắng oanh liệt đường 9-Nam Lào. Trước thời cơ và thuận lợi mới, để đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước, tạo đà tiến công mạnh mẽ, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công năm 1972.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, lệnh tiến công giải phóng được phát ra. Trước sức mạnh áp đảo với những đòn tiến công dồn dập, bất ngờ của các binh đoàn chủ lực, quân và dân Quảng Trị đã tranh thủ thời cơ, phối hợp chiến đấu, dũng mãnh tiến công vào sào huyệt địch. Từ hậu phương lớn miền Bắc Vĩnh Linh lũy thép hay trên những cánh rừng Trường Sơn bao la, những đội quân chân đồng vai sắt, băng rừng vượt suối ào ào tràn xuống; từ những địa đạo chìm sâu trong lòng đất, những căn hầm bí mật lặng lẽ, cán bộ, chiến sĩ đội đất xông lên tiêu diệt quân thù. Cùng với Thừa Thiên-Huế và cả miền Nam ruột thịt, quân dân Quảng Trị đã nhất loạt tiến công, ào ào xốc tới. Bão lửa căm thù và ý chí sắt đá đã dội xuống đầu thù những đòn sấm sét. Toàn bộ hệ thống vòng ngoài của địch ở cửa ngõ phía Bắc bị xé toang, vành đai thép, “con mắt thần điện tử” Mc.Namara bị đập tan tành. Các cứ điểm Ba Hồ, Động Toàn, các cao điểm 365, 544, 241... ở phía tây và các cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang…cùng một lúc bị san bằng nhanh chóng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các chi bộ đảng địa phương, nhân dân đồng loạt đứng dậy diệt đồn, phá bốt cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương truy kích địch, làm chủ quê hương. Ngày 2/4/1972, hai huyện Gio Linh, Cam Lộ hoàn toàn giải phóng, vùng giới tuyến khu phi quân sự được khai thông. Bị mất tuyến phòng thủ vòng ngoài, đế quốc Mỹ cấp tốc tăng cường chi viện tối đa cho quân ngụy đủ các loại phương tiện kỹ thuật quân sự, kể cả pháo đài bay B52, các loại máy bay chiến thuật, pháo hạm, xe tăng, thiết giáp, hòng chặn đứng các mũi tấn công ào ạt của quân và dân ta. Với chiến thuật “phòng thủ cứng”, quân ngụy hình thành một tập đoàn phòng ngự vững chắc gồm 3 cứ điểm lớn: Đông Hà, Ái Tử và La Vang, coi đây là cụm cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Sáng 27/4/1972, bằng cuộc tấn công đợt 2, các trận pháo kích dồn dập trút lửa lên các cứ điểm phòng ngự của địch ở Đông Hà, La Vang. Được sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh, tên lửa, các sư đoàn chủ lực tấn công từ 3 hướng, tổng công kích vào cứ điểm Đông Hà, đập nát tập đoàn phòng ngự kiên cố nhất của địch. Ngày 28/4/1972, thị xã Đông Hà hoàn toàn giải phóng. Thừa thắng xốc tới như thế chẻ tre, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng với các đơn vị du kích đã ào ạt tiến quân đánh chiếm Ái Tử, La Vang quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố của địch, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng được giải phóng. 11 giờ ngày 1/5/1972, quân và dân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Quảng Trị, cờ giải phóng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Quảng Trị, đánh dấu ngày quê hương Quảng Trị được giải phóng.
Thất thủ ở Quảng Trị báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ-ngụy ở miền Nam, kẻ thù điên cuồng tập trung lực lượng mở những cuộc phản kích ồ ạt để chiếm lại Quảng Trị, cuộc chiến diễn ra đầy thử thách và vô cùng ác liệt. Mỹ-ngụy điên cuồng tung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, sư đoàn mạnh nhất hòng tái chiếm thị xã Quảng Trị. 30 vạn nhân dân phía Nam Quảng Trị lại phải đương đầu với thử thách mới vô cùng quyết liệt. Cán bộ địa phương phối hợp với bộ đội tổ chức sơ tán để bảo vệ tính mạng của nhân dân, vừa tổ chức nhiều đợt tấn công dũng mãnh, chống địch phản kích ở nhiều hướng. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị là cuộc đối đầu quyết liệt, một mất, một còn, mang tính quyết định cho một giải pháp chính trị trên bàn đàm phán ở Paris. Để đứng vững và duy trì cuộc chiến đấu khốc liệt, đầy thử thách bảo vệ Thành Cổ, quân và dân ta đã nêu cao khí phách anh dũng kiên cường, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, bám trụ và quyết chiến. Phối hợp chặt chẽ giữa 3 thứ quân, kết hợp giữa phòng ngự và tiến công, quân và dân trên mặt trận Thành Cổ đã tạo thế trận liên hoàn, đẩy lùi và bẻ gãy hàng trăm cuộc phản kích điên cuồng của địch. Cuộc chiến đấu giành giật từng mảnh vườn, đường phố diễn ra hết sức quyết liệt, 81 ngày đêm kiên cường bảo vệ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị, quân và dân ta đã viết nên bản anh hùng ca bất tử về ý chí, sức mạnh, sự hy sinh cao cả trong truyền thống đánh giặc, giữ nước, làm lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Với thắng lợi chiến dịch xuân – hè năm 1972, Quảng Trị tự hào là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, vinh dự là nơi được chọn đặt thủ phủ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chiến thắng vang dội này đã làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết hiệp định Paris. Chiến thắng ngày 1/5/1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị, là một mốc son chói lọi, làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của dân tộc, là kỳ tích thiêng liêng, bền vững trong ký ức của quân và dân ta. Những tên đất, tên làng: Đường 9-Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Cửa Việt, Ái Tử, La Vang, Ba Lòng, Mỹ Thủy, Vĩnh Linh, Cồn Cỏ, Thành Cổ Quảng Trị... mãi mãi ngân vang trong bản trường ca chống Mỹ về một mảnh đất Quảng Trị anh hùng trong lòng đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế. Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên năm 1972 tạo tiền đề để quân và dân ta mở cuộc tổng tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
45 năm đã trôi qua, những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không hề phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân Quảng Trị. Để được sống trong hòa bình hạnh phúc hôm nay, Quảng Trị mãi mãi biết ơn sự hy sinh cao cả của hàng vạn đồng bào, đồng chí, những người con ưu tú từ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống vì mảnh đất thân yêu này. Với sự đóng góp to lớn và đầy ý nghĩa của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, quân, dân Quảng Trị đã được Đảng và Nhà nước phong tặng những phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Quảng Trị cùng với Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; 10/10 huyện, thị xã, thành phố là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; 134 tập thể, 65 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh. Niềm tự hào và vinh quang ngời sáng này mãi mãi thuộc về đồng bào, chiến sĩ - những người làm nên chiến thắng lịch sử Xuân-Hè 1972.
Sau ngày hòa bình thống nhất, tỉnh Quảng Trị đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách để khắc phục hậu quả chiến tranh nặng nề, phòng, chống thiên tai bão, lũ; tập trung phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng quê hương. Tự hào và phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Quảng Trị. Sau 45 năm, từ ngày giải phóng đến nay, trải qua nhiều thời kỳ: khi hợp nhất 3 tỉnh Bình -Trị - Thiên (1976 - 1988) hay tái lập lại tỉnh (7/1989), các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Trị luôn ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đi lên từ nền kinh tế thuần nông, kết cấu hạ tầng thấp kém; công nghiệp chủ yếu là tiểu thủ công nghiệp còn sơ khai, nhỏ lẻ; lại phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lụt và hậu quả nặng nề của chiến tranh…Đảng bộ và lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ luôn trăn trở, tìm hướng đi cũng như giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định tăng cường đoàn kết, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.
Với những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương; lựa chọn những khâu đột phá, những giải pháp, bước đi phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh  đã khơi dậy được sức sản xuất trong nhân dân, huy động nhiều nguồn lực xã hội cho đầu tư tạo sự phát triển mới, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2010 - 2015, GDP tăng trên 7,4%/năm, năm 2016 tăng 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt mức 36 triệu đồng, tăng 8,4% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng giá trị sản phẩm của ngành Công nghiệp – xây dựng trong GDP của tỉnh tăng từ 8,9% năm 1990 lên 37,9% năm 2015, Thương mại dịch vụ tăng từ 25,4% lên 39,6%, Nông nghiệp giảm từ 65,7% xuống 22,5%. Trong nội bộ các khu vực kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng liên tục, giai đoạn 2011 – 2015 đạt 41.258 tỷ đồng, gấp 2,35 lần so với giai đoạn 2006 – 2010.
Các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều phát triển. Nông nghiệp phát triển toàn diện và theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu sản xuất chuyển đổi theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hoá; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh, chuyên canh; vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành và từng bước được triển khai nhân rộng. Sản lượng lương thực có hạt luôn đạt trên 25 vạn tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm đã duy trì được mức sản xuất ổn định, một số sản phẩm mới như: ván sợi MDF, giấy, săm lốp xe máy, tinh bột sắn... ra đời và bước đầu được thị trường chấp nhận. Hạ tầng các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang (Gio Linh); Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và các cụm công nghiệp - làng nghề được quan tâm đầu tư xây dựng đã thu hút được một số Doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng trưởng của ngành. Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị đã được thành lập, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, đây là khu kinh tế biển đa ngành, điểm đột phá của tỉnh Quảng Trị; Khu vực có đô thị với tiêu chí tương đương đô thị loại 3; là cực phát triển của vùng Trung bộ, trung tâm lớn về công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ và cảng biển nước sâu của vùng Trung bộ; là một trong những Trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương. Khi Khu kinh tế Đông - Nam được hình thành và đi vào hoạt động sẽ tạo ra động lực để phát triển kinh tế vùng, tạo sự liên kết về hợp tác phát triển kinh tế với các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây, ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ vùng chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Thương mại - Dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô, ngành nghề, thị trường, hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 – 2015 đạt 8,4%, năm 2016 đạt trên 9%. Hàng hoá lưu thông thuận lợi trên tất cả các vùng; giá trị xuất khẩu đạt khá. Du lịch phát triển, kinh doanh đa dạng, hình thành một số tuyến, tour du lịch dựa vào lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Dịch vụ vận tải, thông tin liên lạc, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm, tư vấn... phát triển cả số lượng và chất lượng.
Với lợi thế nổi trội về vị trí địa - kinh tế, là đầu cầu của Hành lang Kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, đặc biệt kể từ khi cầu Hữu Nghị II nối Lào - Thái Lan được khánh thành, đánh dấu sự khai thông của tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, hành lang công nghiệp và không xa là hành lang năng lượng. Ba tỉnh trên tuyến hành lang này là Quảng Trị - Savanakhet – Mucdahan đã ký kết hợp tác phát triển du lịch. Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo mở ra cung đường ngắn nhất và tiện lợi nhất cho việc đẩy mạnh giao thương hàng hóa với Lào - Thái Lan, Mi-an-ma và các nước tiểu vùng sông Mêkông mở rộng hướng ra Biển Đông qua Cảng Mỹ Thủy ở Khu kinh tế Đông Nam, từ đó khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế Hành lang Kinh tế Đông - Tây và mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ.
Với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của cả nước và thế giới đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan ngày càng nhiều; trong đó điển hình là các địa danh lịch sử cách mạng cấp quốc gia: Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải...và các danh thắng đẹp như: biển Cửa Tùng, Cửa Việt, rừng nguyên sinh, suối nước nóng Đakrông... Quảng Trị cũng là nơi có nhiều lễ, hội truyền thống cách mạng như: Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh, Nhịp cầu xuyên Á, Thống nhất non sông, Huyền thoại Trường Sơn, Tri ân tháng 7... đã mở ra nhịp cầu giao lưu văn hóa, thu hút du lịch, đầu tư trên các lĩnh vực.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện. Hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi, điện, trường học, bệnh viện, hạ tầng đô thị, thông tin liên lạc, các công trình văn hoá được tăng cường đầu tư phát triển. Một số tuyến đường chiến lược, hệ thống cầu quan trọng như: đường ven biển, đường biên giới, đường đến các trung tâm kinh tế - xã hội của các vùng; các cầu như: Cửa Tùng, Bắc Phước, Cửa Việt, Sông Hiếu, Vĩnh Phước, Đại Lộc, An Mô … được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn tiếp tục được coi trọng. Chương trình giải quyết việc làm mới cho người lao động được quan tâm, hàng năm tạo việc làm mới cho trên 9500 lao động. Công tác giảm nghèo đạt kết quả khả quan, đến năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 15,43% xuống còn 13,5%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước được đổi mới và có hiệu quả. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện. Các tổ chức đảng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Hệ thống chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân đã chủ động phối hợp, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc phòng - an ninh và đối ngoại đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Đạt được những thành tựu trên, bên cạnh nhờ có những chủ trương, giải pháp đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ tỉnh; có sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; sự chia sẻ ủng hộ của các tỉnh bạn, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; đặc biệt là sự tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường, nỗ lực phấn đấu, đồng lòng, đồng sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Để hoàn thành mục tiêu đó, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị tiếp tục tập trung thực hiện một số vấn đề trọng tâm sau:
1. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị tiếp tục bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện, phù hợp với đặc điểm của tỉnh, trên cơ sở đó, chọn thứ tự ưu tiên các chương trình, đề án, dự án cần tập trung chỉ đạo. Phát huy khí thế, quyết tâm, tinh thần đoàn kết, không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đã đạt được; lãnh đạo toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp, đem lại sản phẩm, kết quả cụ thể. Nghiên cứu, nhận diện những thuận lợi cơ bản, dư địa phát triển của tỉnh để bổ sung, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển theo hướng thay đổi cách tiếp cận trong quan điểm phát triển từ ổn định để phát triển sang phát triển để duy trì, thúc đẩy sự ổn định; khai thác có hiệu quả lợi thế về vị trí chiến lược, hạ tầng giao thông, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế; phát triển hạ tầng cốt lõi, hạ tầng đấu nối để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực tại Khu kinh tế Đông Nam, dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore tại Quảng Trị để làm hạt nhân, động lực cho tăng trưởng kinh tế; phát huy lợi thế liên kết vùng với các tỉnh thành trong khu vực và trên hành lang kinh tế Đông Tây.  Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế phải chăm lo giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, gia đình có công.
2. Chăm lo hơn nữa công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh. Khâu then chốt, vấn đề quyết định vẫn là công tác cán bộ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những năm tiếp theo. Nghiên cứu xây dựng, ban hành và thực hiện cơ chế, quy định động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời phòng ngừa, răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là nghiêm túc và kiên trì triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ”tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đoàn kết nội bộ, ý thức kỷ luật, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Bên cạnh đó, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý và năng lực tổ chức thực hiện.
3. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, chiều sâu văn hóa, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của con người Quảng Trị, tạo bước đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối ngoại; giữ vững mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các tỉnh chung đường biên giới Việt – Lào; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, tạo ra khí thế mới, sức bật mới để đưa Quảng Trị vững bước đi lên.
Kỷ  niệm 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị là dịp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang cũng như khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được. Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành và mỗi người dân Quảng Trị phát huy truyền thống anh hùng, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, có những đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây