TPP: Cơ hội và thách thức đối với người lao động và tổ chức công đoàn

Thứ ba - 19/04/2016 23:11 3.861 0
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trở thành Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam tham gia có các quy định liên quan đến lao động và công đoàn. Đây cũng chính là lý do Chương 19 trong TPP đã giành được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đàm phán, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và người lao động (NLĐ).
.
.
Quy định về lao động được nêu rõ trong chương 19 của Hiệp định TPP, gồm 15 Điều. The đó các quốc gia thành viên cam kết thực thi nghĩa vụ là thành viên của Tổ chức Lao động  Quốc tế (ILO) và các nghĩa vụ được nêu trong tuyên bố của ILO năm 1998, gồm: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ), xóa bỏ lao cưỡng bức, cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp… Việc vi phạm các cam kết về lao động có thể áp dụng chế tài thương mại.
Các nội dung liên quan đến quyền công đoàn không xuất hiện trong Chương 19 của TPP mà nằm trong bản kế hoạch đẩy mạnh quan hệ thương mại và lao động. Bản kế hoạch này được coi như là một hiệp định biên của TPP mà Hoa Kỳ yêu cầu ký với các đối tác.
Theo đó, 5 nguyên tắc đối với Công đoàn Việt Nam trong TPP gồm: quyền tự do tham gia công đoàn của công nhân, quyền tự quản của công đoàn, tự chủ trong việc nhận đại diện của công đoàn trong các dơn vị không có công đoàn, cán bộ công đoàn được lựa chọn mang tính đại diện, ngăn chặn giới chủ can thiệp vào hoạt động của công đoàn. Hoa Kỳ là thành viên duy nhất thuộc nhóm nước phát triển đưa ra kế hoạch và yêu cầu cụ thể trong hợp tác về lao động và công đoàn với Việt Nam, Malayxia và Brunei.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện Chương 19 về lao động và công đoàn trong TPP khiến chi phí nhân công tăng lên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, việc hình thành các tổ chức công đoàn nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam có thể tạo ra sự “nhạy cảm’ về mặt chính trị.
Để hiểu sâu hơn vần đề này, phóng viên (PV) Tạp chí LĐ&CĐ đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch tổng LĐLĐ Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Có ý kiến cho rằng, các quy định liên quan đến lao động và công đoàn là một sự nhượng bộ lớn của Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP. Ông suy nghĩ thế nào về nhận định này?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi cho rằng, đây không phải là sự nhượng bộ. Như chúng ta đã biết, Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế là một tuyên bố văn minh của nhân loại bảo đảm các quyền của NLĐ và NSDLĐ. Việt Nam đã tham gia vào ILO từ năm 1992 đến nay và luôn thể hiện là một thành viên có trách nhiệm, cho nên chúng ta đã và đang thực hiện tuyên bố của ILO mà cụ thể là 8 công ước cơ bản của ILO. Dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn, chúng ta vẫn thúc đẩy thực hiện 8 công ước cơ bản đó. Trên thực tế, Việt Nam đã từng bước thực hiện những công ước mà chúng ta chưa phê chuẩn. Một lần nữa tôi khẳng định rằng, đây không phải là nhượng bộ mà là nhận định tiến bộ của Việt Nam để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Hơn nữa, trong xã hội văn minh, con người phải được tôn trọng, đặc biệt những NLĐ làm ra sản phẩm, làm ra của cải cho xã hội, cho con người. Do dó NLĐ phải có tiếng nói trong các hiệp định quan trọng.
PV: Như ông đã khẳng định và Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định, những cam kết của Việt Nam trong TPP liên quan đến lao động và công đoàn không nằm ngoài những cam kết của Việt Nam khi tham gia vào ILO. Nhưng có lẽ việc thực hiện những cam kết này ở hai cấp độ khác nhau, tạo sự khác biệt về chất. Trong ILO do chỉ có mang tính chất tuyên truyền, thuyết phục nên các cam kết chưa được thực hiện hiệu quả, còn trong TPP lại có những chế tài rất cụ thể. Ông nhận định vấn đề này thế nào?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi nghĩ, Việt Nam chúng ta là một nước tuy nhỏ nhưng là một nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Khi đã tham gia vào một hiệp định nào đó thì Việt nam là một thành viên có trách nhiệm. Thực tế đã chứng minh điều đó khi chúng ta tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do vậy tôi tin rằng khi tham gia TPP, chúng ta sẽ thực hiện tốt tất cả các cam kết của TPP.
PV: Trong quy định của TPP đã ghi rất rõ, các quốc gia thành viên TPP có quyền đơn phương áp dụng các chế tài. Thí dụ như: không mở cửa thị trường với hàng hóa nếu quốc gia đối tác của mình không thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công đoàn, liên quan đến lao động. Ông đánh giá thế nào về tính nghiêm trọng của chế tài một khi nó xảy ra?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi cho rằng đây là vấn đề chúng ta phải chấp nhận. Các quy định trong ILO chỉ mang tính vận động, thuyết phục, còn trong TPP nếu không thực hiện thì họ sẽ có chế tài. Trong TPP các quy định được đưa ra khá rõ và chặt chẽ. Hiệp định TPP quy định, các nước thành viên phải có đầu mối quốc gia để tiếp nhận các đơn thư, phản ánh, khiếu nại và có trách nhiệm tìm cách giải quyết; phải chứng minh được rằng những phản ánh, khiếu kiện đó không đúng, khi đó mới tránh được, nếu không chắc chắn phải nhận chế tài nào đó. Tôi nghĩ, khi vào cuộc chơi thì phải chấp nhận. Trong chế tài cam kết về lao động và công đoàn mà chúng ta đã cam kết, chúng tôi nghĩ rằng việc thực hiện chế tài không đơn giản. Nếu chúng ta không thực hiện thì nước đó có quyền đưa ra chế tài nhưng học phải nêu ra cho được điều nào chúng ta không thực hiện. Khi họ đưa ra chế tài, để tránh được, Việt Nam phải chứng minh được mình đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện tốt.
PV: Thách thức của Công đoàn Việt Nam khi TPP chính thức có hiệu lực là rất lớn, đó là có thể là tổ chức công đoàn nằm ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam. Việc này nếu xảy ra thì có lợi hơn cho NLĐ, vì NLĐ sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho việc chọn cơ quan đại diện cho quyền lợi của mình, do đó chất lượng của môi trường lao dộng sẽ được nâng cao. Điều đó chắc chắn sẽ là thách thức đối với Công đoàn Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đây là sự hi sinh quyền lợi của tổ chức Công đoàn Việt Nam vì quyền lợi của NLĐ. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi cho rằng đây không phải là một sự hi sinh quyền lợi của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Với trách nhiệm đó, Công đoàn Việt Nam phải đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ như thế nào cho thật tốt. Nếu một tổ chức khác ra đời mà bảo vệ lao động tốt hơn Công đoàn Việt Nam thì đây lại là động lực thúc đẩy Công đoàn Việt Nam hoạt động tốt hơn. Đây không phải là sự hi sinh quyền lợi mà phải coi đây là động lực để Công đoàn Việt Nam hoạt động có hiệu quả hơn, đại diện bảo vệ quyền lợi của NLĐ được tốt hơn. Theo tôi, để khẳng định được vai trò và vị trí của tổ chức Công đoàn Việt Nam thì các hoạt động công đoàn phải cụ thể, sát sườn với NLĐ hơn, tránh hình thức phô trương, không đạt được hiệu quả và không đáp ứng được mong muốn của NLĐ. Cho nên chúng tôi không nghĩ là hi sinh mà nghĩ đó là điều có lợi cho NLĐ.
PV: Tôi lại nghĩ đó là thách thức vì nếu không hoàn thành tốt thì Công đoàn Việt nam sẽ mất tiếng nói so với tổ chức công đoàn do chính NLĐ lập ra. Ông nghĩ sao?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Công đoàn Việt Nam phải biết chấp nhận thách thức này để cùng nhau bàn bạc tìm các giải pháp tối ưu bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của NLĐ để Công đoàn việt Nam xứng đáng với niền tin của NLĐ. Khi đó dù có bao nhiêu tổ chức đại diện cho NLĐ ra đời, người ta vẫn thấy không bằng Công đoàn Việt Nam. Làm được điều đó Công đoàn Việt Nam mới là tổ chức đại diện và làm tốt vai trò của mình.
PV: Có ý kiến cho rằng chúng ta thực hiện điều khoản trong TPP thì cũng phải xem lại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013. Ý Chủ tịch thế nào?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi nghĩ không có gì là mâu thuẫn. Điều 10 Hiến pháp quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của GCCN và của NLĐ được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho NLĐ, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ; tuyên truyền vận động NLĐ học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, còn tổ chức đại diện cho NLĐ khác nếu có ra đời thì không phải tổ chức chính trị - xã hội, mà tổ chức đại diện NLĐ này chỉ đơn thuần là tổ chức hoạt động trong quan hệ lao động để bảo vệ quyền lợi của NLĐ mà không thực hiện nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Việt Nam giao cho. Hai tổ chức này có nhiều điểm khác nhau nên không có gì là mâu thuẫn.
PV: Vậy còn Luật Công đoàn thì sao, có phải sửa đổi không? Thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Trong Luật Công đoàn, Điều 5 quy định: NLĐ Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập tổ chức và hoạt động công đoàn. Với quy định như vậy, tôi nghĩ không có mâu thuẫn gì, Nhưng chỉ có điều trước đây chỉ có một tổ chức công đoàn, sau này có thêm tổ chức đại diện nào nữa thì cần phải có sự bổ sung, điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với thực tế hơn.
PV: Ông có lo ngại gì về NLĐ sẽ thành lập tổ chức đại diện quyền lợi cho mình mà không phải là tổ chức Công đoàn Việt Nam?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi cho rằng nhận thức của NLĐ đang ngày càng được nâng cao nên họ có sự hiểu biết hơn. Tổ chức Công đoàn việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, còn phải thực hiện nhiệm vụ của Đảng giao. Đặc biệt, Công đoàn Việt Nam bảo vệ quyền lợi của NLĐ trên cơ sở quyền lợi của nhà đầu tư, nhằm mục tiêu là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cho nên Công đoàn Việt Nam luôn tìm được điểm dung hòa của cả 3 loại quyền lợi đó. Còn tổ chức đại diện NLĐ chỉ đòi hỏi quyền lợi cho NLĐ theo kiểu một chiều, không quan tâm đến lợi ích khác. Do đó, tôi tin rằng với trình độ của NLĐ hiện nay họ sẽ thấy được đâu là đúng, đâu là hợp lý để tin theo.
PV: Trong thực tế có một số CĐCS chưa làm tốt vai trò của mình. Khi gia nhập TPP chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thách thức. Ông đánh giá gì về điều này?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi khẳng định rằng trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam có rất nhiều CĐCS hoạt động rất tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số CĐCS hoạt động chưa tốt, thậm chí CĐCS đó còn nói tiếng nói của NSDLĐ. Do đó thách thức của Công đoàn Việt Nam là làm sao để mọi CĐCS đều hoạt động tốt, có hiệu quả. Các năm qua đã cho thấy nhiều sự tiến bộ trong hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Trong rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp lao động, chính tổ chức công đoàn đã đối thoại với NSDLĐ giải quyết nhiều cuộc tranh chấp lao động và giảm rất nhiều cuộc đình công. Bên cạnh đó vẫn còn một số nơi tiếng nói của công đoàn yếu, hay chưa có tổ chức công đoàn nên có những điều đáng tiếc xảy ra. Do đó đặt ra là làm sao để tất cả CĐCS đều là những CĐCS mạnh, nói được tiếng nói của NLĐ và bảo vệ được quyền lợi của NLĐ thì mới có thể đứng vững và không lo tổ chức đại diện NLĐ khác cạnh tranh.
PV: ÔNg đã đi rất nhiều nước chắc hiểu rất rõ là nhiều nước trên thế giới đồng thời có nhiều tổ chức công đoàn cùng tồn tại, tậm chí là có công đoàn của các ngành khác nhau. Vậy những công đoàn đó phải đối mặt với những vấn đề gì?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Bản thân những công đoàn đó phải đối lập với công đoàn do giới chủ thành lập và bị chi phối bởi rất nhiều đảng phái chính trị nên làm suy yếu đi rất nhiều. Chẳng hạn như ở Campuchia, một nước rất gần với Việt Nam, có rất nhiều tổ chức Công đoàn ra đời và bị chi phối bởi các đảng phái khác nhau nên công đoàn rất yếu. Tuy nhiên cũng có công đoàn rất đáng cho chúng ta học tập như công đoàn của Singapore. Singapore là đất nước tự do để thành lập công đoàn nhưng không tổ chức nào ra đời hoạt động và cạnh tranh được với công đoàn Singapore hiện tại là công đoàn được Chính phủ Singapore ủng hộ. Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức công đoàn hoạt động. Với bề dày kinh nghiệm lại được tạo điều kiện về mặt vật chất nên họ đã bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của NLĐ.
PV: Có ý kiến cho rằng những can kết của Việt Nam cũng như các thành viên khác liên quan đến vấn đề công đoàn trong TPP làm cho nhiều người liên tưởng đến việc hình thành tổ chức công đoàn nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến môi trường chính trị của Việt Nam. Ông suy nghĩ thế nào về kiểu lập luận như thế này?
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng: Tôi nghĩ, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ về hiệp định TPP và những cam kết của Việt Nam trong TPP. Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế quy định, khi có một tổ chức dại diện NLĐ nào ra đời thì phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại, đặc biệt là phải tôn trọng Hiến pháp, phải tuân thủ Điều lệ của tổ chức công đoàn nước đó. Hơn nữa khi tổ chức đại diện NLĐ đó lập ra thì phải đăng ký, phải có điều lệ hoạt động và được cơ quan thẩm quyền công nhận, cho phép hoạt động thì mới được hoạt động. Tổ chức này chỉ được hoạt động trong khuôn khổ quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ; không cho phép các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Điều này là rất rõ ràng. Chúng tôi cho rằng luật pháp của Việt Nam rất cụ thể và rõ ràng. Nghĩa là sau này tổ chức đại diện của NLĐ ra đời thì phải có điều lệ, phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và hoạt động trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam. Chắc chắn hệ thống pháp luật của Việt nam phải điều chỉnh cho phù hợp. Do đó những lo ngại về việc các tổ chức này có thể bị chính trị hóa và phương hại đến ổn định chính trị tại Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở. Tuy nhiện cũng phải nói thêm rằng, nếu pháp luật không rõ ràng sẽ tạo kẽ hở để cho những người lợi dụng hoạt động công doàn trở thành hoạt động chính trị. Nếu để xảy ra tình trạng đó sẽ rất nguy hiểm. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung, xây dựng các quy định một cách rõ ràng, minh bạch, cho phép các tổ chức này hoạt động theo pháp luật của Việt Nam. Khi đó sẽ không còn lo lắng bị chính trị hóa hoạt động bảo vệ quyền lợi NLĐ.
PV: Xin cảm ơn và chúc ông sức khỏe!
                                            Theo: LAO ĐỘNG & CÔNG ĐOÀN số 593 (Kỳ 1 tháng 4-2016)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây