DẤU ẤN NỔI BẬT TRONG CÁC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC 

Chủ nhật - 10/01/2021 20:24 2.931 0
Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng gắn với những nhiệm vụ chính trị khác nhau, nhưng đều hoàn thành sứ mệnh là đánh giá lại chặng đường đã qua và vạch ra chiến lược để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Mùa xuân 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
1377
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I (năm 1935)
Đại hội diễn ra từ ngày 27-31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Tại đại hội, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư.
Sau đó, tháng 10/1936, Trung ương (TƯ) Đảng được tổ chức lại, đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Tới tháng 3/1938, Ban Chấp hành TƯ Đảng họp Hội nghị toàn thể, bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư. Tháng 11/1940, Hội Nghị TƯ 7, đồng chí Trường Chinh nắm quyền Tổng Bí thư.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã đánh dấu sự khôi phục được hệ thống tổ chức của Đảng từ TƯ đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước. Đồng thời, thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1951)
Đại hội diễn ra từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Thay mặt cho hơn 766.000 đảng viên cộng sản trên toàn Đông Dương, 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết đã tham dự đại hội.
Tại đại hội, các đại biểu đã thông qua báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo cáo "Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới CNXH" của đồng chí Trường Chinh.
Do đặc điểm tình hình và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, kháng chiến, Đại hội quyết định xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản Riêng. Ở Việt Nam, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam và Đại hội đã thông qua Chính cương của Đảng Lao Động Việt Nam.
Đúc rút từ kinh nghiệm, bài học và lý luận, Đại hội đã phát triển đường lối kháng chiến và đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và chuẩn bị những tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi kháng chiến thành công.
Đại hội bầu ra Ban Chấp hành TƯ gồm 19 đồng chí chính thức và 10 đồng chí dự khuyết. Trong đó, Bộ chính trị có 7 đồng chí chính thức và 1 dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội lần II đóng góp rất lớn vào các thắng lợi trên chiến trường với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, dẫn tới thắng lợi tại hội nghị Geneve, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960)
Đại hội lần III diễn ra từ ngày 5-10/9/1960 tại Hà Nội. Dự đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước. Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.
Tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng, nêu lên nhiều bài học có ý nghĩa thực tiễn và lý luận, ĐH cũng phân tích kỹ những đặc điểm của cách mạng Việt Nam và quyết định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đường lối cách mạng miền Nam nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng thời, Đại hội cũng đề ra nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. ĐH thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có quan hệ sống còn đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành TƯ mới gồm 47 đồng chí và 31 ủy viên dự khuyết. Tiếp đó, Ban Chấp hành TƯ đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng. Đại hội bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976)
Đại hội diễn ra từ ngày 14-20/12/1976 tại Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.008 đại biểu chính thức thay mặt cho 1.550.000 đảng viên trên cả nước. Cùng với đó là sự có mặt của nhiều Đảng Cộng sản và các tổ chức quốc tế khác.
Đại hội đã thảo luận, đánh giá quyết định chuyển cách mạng Việt Nam từ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam sang thực hiện cách mạng xã hội trên toàn đất nước. Từ nhận định đó, Đại hội đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước, gồm:
- Đường lối chung cách mạng xã hội chủ nghĩa
- Đường lối xây dựng kinh tế trong thời kì quá độ
Đại hội thông qua Báo cáo Chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng.
Đáng chú ý, tại Đại hội này, các đại biểu đã nhất trí đổi tên Đảng Lao Động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại hội còn bổ sung Điều lệ Đảng. Theo đó, chức danh Bí thư thứ nhất được thay bằng Tổng Bí thư, bỏ chức danh Chủ tịch Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành TƯ gồm 101 đồng chí chính thức, Bộ chính trị gồm 14 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn tiếp tục làm Tổng Bí thư.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V (năm 1982)
Đại hội diễn ra từ ngày 27-31/3/1982 tại Hà Nội. Dự đại hội, có 1.033 đại biểu thay mặt 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Ngoài ra, có nhiều đại biểu quốc tế tới dự và chúc mừng đại hội.
Đại hội khẳng định: "Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau.
Đại hội lần thứ V đã đề ra nhiệm vụ, phương hướng nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu một bước chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh "Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân".
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành TƯ Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành TƯ đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Trong đó, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986)
Đại hội diễn ra từ ngày 15-18/12/1986 tại thủ đô Hà Nội. Có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng tới dự Đại hội, cùng 32 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội đề xướng, lãnh đạo thành công sự nghiệp Đổi mới. Quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa cũng được đưa ra tại Đại hội:
- Tuân theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp.
- Vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ.
- Xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa VI gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành TƯ Đảng đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991)
Đại hội lần VII diễn ra từ ngày 24-27/6/1991 tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2.155.022 đảng viên trong cả nước.
Đại hội VII là Đại hội của trí tuệ - đổi mới, dân chủ - kỷ cương - đoàn kết; là Đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Đại hội cũng đã thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (Điều lệ Đảng sửa đổi).
Đại hội một lần nữa khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Theo đó, Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Đại hội VII quyết định con đường, bước đi của cách mạng nước ta trong nhiều thập niên tiếp theo là quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 146 ủy viên, bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên. Sau đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa VII đã bầu bổ sung thêm 4 ủy viên Bộ Chính trị. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996)
Đại hội diễn ra từ ngày 28/6-1/7/1996 tại Hà Nội. Đại diện cho gần 2 triệu 130 nghìn đảng viên cả nước, 1.198 đảng viên tới dự đại hội.
Tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, Đại hội khẳng định nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.
Đại hội xác định nhiệm vụ là thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá độ lên CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN.
Đại hội đã đánh dấu cột mốc phát triển mới trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Đây cũng là Đại hội tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành T.Ư gồm 170 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 12/1997, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị Ban Chấp hành TƯ lần thứ 4 khóa VIII.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001)
Đại hội diễn ra trong các ngày 19-22/4/2001 tại Hà Nội. Tham dự ĐH có 1.168 đại biểu là những đảng viên ưu tú, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn quốc.
Đại hội đã đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.
Với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, bầu ra Ban Chấp hành TƯ mới.
Đại hội IX đã mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành TƯ khóa IX gồm 150 ủy viên. Tại Hội nghị lần thứ nhất, đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X (năm 2006)
Đại hội diễn ra từ ngày 18-25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng.
Với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển", đây là Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững.
Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới.
Từ đó, tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng…
Đại hội cũng ra Nghị quyết cho phép Đảng viên của Đảng được làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân. Đây là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm đổi mới, thể hiện bước đột phá trong thay đổi tư duy của Đảng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành TƯ gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết, Bộ Chính trị gồm 14 thành viên và Ban Bí thư có 8 thành viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (năm 2011)
Đại hội diễn ra trong các ngày 12-19/1/2011 tại thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước.
Đại hội Đảng lần thứ XI đã quyết định mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Đại hội đã nhất trí thông qua các văn kiện rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 - 2015 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành TƯ khóa XI gồm 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết, Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí. Ban Bí thư gồm 4 ủy viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư. Đồng chí Ngô Văn Dụ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016)
Đại hội diễn ra trong các ngày 20-28/1/2016 tại thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1.510 đại biểu thay mặt cho hơn 4,5 triệu đảng viên toàn Đảng. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Đại hội đã nhận được 248 điện, thư chúc mừng của các chính đảng, tổ chức, bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục trên thế giới và các đoàn ngoại giao tại Hà Nội. Đây là Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng nhận được điện, thư chúc mừng nhiều nhất so với các kỳ Đại hội trước.
Đại hội đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành TƯ khóa mới gồm 200 đồng chí, trong đó 180 đồng chí Ủy viên chính thức, 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Vượng được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trải qua 12 kỳ Đại hội, Đảng ta đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, giành được những thắng lợi hết sức to lớn, chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đó là cơ sở để nhân dân tin tưởng, Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục đưa ra được những chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đổi mới về tư duy, đặc biệt sẽ chọn được những nhân tố đủ tài, có tâm và tầm để lãnh đạo, đưa đất nước đi lên./.

Tác giả bài viết: Minh Đức (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây