Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở là đòi hỏi của đoàn viên, người lao động

Thứ năm - 13/02/2020 19:52 2.155 0
                                                                                                                                           Nguyễn Đăng Bảo
                                                                                                                           Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh

 
anh tap huan can bo cdcs
Tập huấn nghiệp cho cán bộ CĐCS thuộc LĐLĐ thành phố Đông Hà
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và hoạt động công đoàn để đáp ứng với tình hình quan hệ lao động mới, tập hợp và thu hút đông đảo đoàn viên và người lao động gia nhập hoạt động công đoàn; trong nhiều năm qua, các cấp công đoàn ngày càng chú trọng và phát huy vai trò công đoàn cơ sở (CĐCS), xác định CĐCS là nền tảng của tổ chức Công đoàn, nơi trực tiếp gắn bó với đoàn viên và người lao động (NLĐ) để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Phần lớn CĐCS đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, được đoàn viên, NLĐ tin tưởng, gắn bó, được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ. Tuy nhiên, trong thực tế một số loại hình CĐCS hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng của đoàn viên, NLĐ cũng như sự ủng hộ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; việc đánh giá hoạt động CĐCS của một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa thực chất theo tiêu chí xây dựng CĐCS vững mạnh; một số nơi đoàn viên, NLĐ chưa gắn bó với tổ chức Công đoàn…

Từ thực trạng trên và yêu cầu đổi mới của tổ chức Công đoàn trước tác động khi Việt Nam cam kết thực hiện các cam kết quốc tế về lao động và công đoàn trong hội nhập kinh tế quốc tế cũng như đòi hỏi từ đoàn viên và NLĐ,  năm 2020, cùng với hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã quyết định chủ đề hoạt động của năm là “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”. Với chủ đề hoạt động của năm 2020, LĐLĐ tỉnh quán triệt các cấp công đoàn, đặc biệt là cán bộ chuyên trách công đoàn nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của CĐCS trong tổ chức hoạt động. Xác định CĐCS là nơi gần nhất với đoàn viên, NLĐ, hiểu rõ nhất tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; là nơi trực tiếp triển khai nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, thực hiện một cách cụ thể nhất các qui định của pháp luật đối với CNVCLĐ. Và quan trọng hơn cả, CĐCS là nơi thể hiện riêng tình hình, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ để Ban Chấp hành thực hiện chức năng đại diện bảo vệ được quyền, lợi ích, chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, NLĐ; tập hợp được đoàn viên, NLĐ tự nguyện tham gia hoạt động bằng các hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, hiệu quả; làm cho đoàn viên, NLĐ thêm tin yêu, gắn bó với tổ chức Công đoàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ và nhận thức đầy đủ về vai trò, địa vị pháp lý và sự cần thiết trong tổ chức hoạt động công đoàn.

Thực tế trong quá trình đổi mới hoạt động của tổ chức Công đoàn, thì việc xây dựng CĐCS vững mạnh là điểm mấu chốt và quan trọng, quyết định cho hệ thống công đoàn vững mạnh. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả chủ đề hoạt động năm 2020, năm “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho hoạt động CĐCS, gắn trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các ban chuyên đề LĐLĐ tỉnh, cán bộ chuyên trách công đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với kết quả hoạt động CĐCS. Rà soát, việc đánh giá phân loại CĐCS theo từng loại hình CĐCS để có giải pháp cụ thể.

 Đối với CĐCS trong các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cấp trên phải trợ giúp CĐCS trong việc phát huy vai trò chủ động tổ chức thương lượng, ký kết, giám sát thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT), với chỉ tiêu đặt ra là có CĐCS thì doanh nghiệp phải có TƯLĐTT đảm bảo nội dung, chất lượng, phù hợp với nguyện vọng của số đông đoàn viên, NLĐ. Việc thực hiện TƯLĐTT phải thực sự nghiêm túc theo qui định của pháp luật, đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích NLĐ và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện qui chế dân chủ trong doanh nghiệp, thực hiện tốt qui chế hoạt động giữa CĐCS và doanh nghiệp; chú trọng công tác tổ chức đối thoại giữa đại diện NLĐ và doanh nghiệp; thường xuyên công khai các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ, kịp thời giải đáp những băn khoăn, mong muốn của đoàn viên, NLĐ, làm cho đoàn viên, NLĐ thực sự quan tâm đến hoạt động công đoàn.

Đối với CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp, cần chú trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, ý thức phục vụ nhân dân, thực hiện cải cách hành chính; vai trò của CĐCS trong thực hiện qui chế dân chủ, chỉ đạo hoạt động ban thanh tra nhân dân có hiệu quả, giám sát việc thực hiện nghị quyết  hội nghị cán bộ công chức, viên chức hàng năm… góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí trong cơ quan, đơn vị.

Tập trung chỉ đạo CĐCS khi xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của CĐCS phải xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của đoàn viên, tránh hình thức, không sâu sát đến lợi ích đoàn viên. Sử dụng nguồn tài chính công đoàn có hiệu quả, công khai, minh bạch trong các khoản đóng góp của đoàn viên và nguồn tại chính của CĐCS; thực hiện tốt cơ chế để đoàn viên, NLĐ giám sát hoạt động CĐCS và cán bộ CĐCS.

Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền tại cơ sở phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện làm việc và sinh hoạt của đoàn viên, NLĐ. Nội dung tuyên truyền phải từ thực tiễn nhu cầu của đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là kiến thức về pháp luật lao động và công đoàn, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến NLĐ. Hình thức tuyên truyền phải đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng các kênh thông tin trên Internet, mỗi CĐCS phải có tài khoản mạng xã hội để cập nhật thông tin tuyên truyền cũng như cập nhật thông tin từ đoàn viên, NLĐ…

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS có hiệu quả thì vai trò quan trọng của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải trở thành điểm tựa cho CĐCS trong triển khai các hoạt động; thường xuyên chỉ đạo, trợ giúp, tư vấn cho CĐCS khi quyết định các nội dung hoạt động, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm hoạt động, phân công cán bộ cùng CĐCS trong thực hiện các hoạt động tại cơ sở. Trong chỉ đạo thực hiện phải theo dõi sát sao, ghi nhận kịp thời những mô hình hoạt động hay, cách làm tốt, đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng để có nhiều CĐCS hoạt động tốt.

Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng CĐCS vững mạnh, có tính quyết định trong việc xây dựng hệ thống tổ chức Công đoàn trong giai đoạn cách mạng mới; làm cho đoàn viên, NLĐ có cái nhìn đầy đủ, gắn bó với tổ chức Công đoàn; làm cho cán bộ CĐCS say mê, nhiệt huyết hoạt động vì quyền, lợi ích của đoàn viên, NLĐ góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển. Với tinh thần chỉ đạo tập trung của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và hành động cụ thể của cán bộ công đoàn các cấp, sự tham gia tích cực của đoàn viên, NLĐ, tin tưởng rằng các cấp công đoàn sẽ thực hiện hoàn thành chủ đề hoạt động đã đề ra./.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây