Nữ công nhân, viên chức, lao động - lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ tỉnh nhà.

Thứ năm - 20/10/2016 23:07 3.921 0
Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Nữ Công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) là bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam và là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ cả nước. Hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị có 19.244  nữ CNVCLĐ, chiếm 49% lực lượng CNVCLĐ. Trong đó, tỷ lệ nữ khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 86,4%, khu vực sản xuất kinh doanh 13,6%; ở một số ngành nghề, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao như: Giáo dục, Y tế, Ngân hàng và doanh nghiệp may mặc. Chất lượng đội ngũ nữ CNVCLĐ ngày càng được nâng lên, nhất là đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị HCSN và nữ lãnh đạo quản lý ở các doanh nghiệp. Số nữ CNVCLĐ ở các đơn vị HCSN có trình độ trên đại học, đại học và cao đẳng chiếm trên 60%, trình độ trung cấp chính trị trở lên chiếm trên 40%.
Nữ CNVCLĐ - lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ
Nhận thức được vai trò của nữ CNVCLĐ đối với phong trào phụ nữ của tỉnh, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự phối hợp hoạt động giữa hai Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh thông qua Ban nữ công tổ chức triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2011-2016.
Nổi bật là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông qua việc thực hiện các nội dung của phong trào, với ý thức thi đua lao động và công tác giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả và tích cực học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ tay nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế đất nước, nữ CNVCLĐ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Việc thực hiện sự nghiệp đổi mới của đất nước, của tỉnh nhà đặt ra cho nữ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan đảng, nhà nước những yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng phấn đấu cả về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vì vậy, dù ở vị trí công tác nào, các chị đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn chủ động học tập nâng cao trình độ và chất lượng, hiệu quả công việc, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, tích cực xây dựng người cán bộ công chức viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, g­ương mẫu", góp phần xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đội ngũ cán bộ nữ ở các cấp, các ngành, các đơn vị luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, có uy tín, nhiều chị giữ cương vị cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân, UBMT và các đoàn thể khác ở các cấp. Nhiều chị giữ chức vụ cao của cấp ủy, luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, có uy tín, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm tận tụy với công việc với phương châm thiết thực hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, đổi mới nội dung, cải tiến lề lối làm việc... Các chị luôn tâm huyết, nhiệt tình và gắn bó với cán bộ đoàn viên, gần gũi, sâu sát, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chị em để đồng cảm, chia sẻ và động viên chị em vượt qua mọi khó khăn, thực sự là những tấm gương tiêu biểu, có những đóng góp quan trọng trong quá trình lãnh đạo, điều hành ở các đơn vị và địa phương.
Chiếm tỷ lệ 55,3% trong tổng số lực lượng cán bộ giáo viên toàn tỉnh, nữ cán bộ giáo viên đã tích cực hưởng ứng phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” lồng ghép với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt“, “Xây dựng gia đình nhà giáo văn hoá". Nữ cán bộ giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý; nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm và sử dụng đồ dùng dạy học… Hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm và đồ dùng dạy học tự làm có chất lượng và đưa vào sử dụng, hàng trăm lượt nhà giáo ở các cấp học đã tham gia thao giảng, dự giờ, thăm lớp, thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Nữ cán bộ quản lý trong mỗi cơ sở giáo dục đã phát huy được vai trò của cá nhân trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động giáo dục và triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành. Nhiều chị chịu khó tìm tòi, vừa say mê công tác chuyên môn, vừa tự học, tự nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Với lực lượng lao động đông đảo, đội ngũ nữ nhà giáo đã xác định rõ trọng tâm phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chú trọng tự học, tự bồi dưỡng.  Đến nay, số lượng nữ giáo viên có trình độ đại học, trên đại học chiếm 93,5%, có 03 nữ nhà giáo vinh dự được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", hàng trăm chị đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua các cấp, có trên 500 chị được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Toàn ngành đã có 9.025 sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 5431 đề tài sáng kiến được áp dụng vào thực tế, mang lại giá trị làm lợi trên 2 tỷ đồng; có 791 sáng kiến, đề tài được Sở Giáo dục-Đào tạo công nhận và trao giải.
Nữ CNVCLĐ ngành Y tế chiếm 67,6 % trong tổng số lực lượng lao động toàn ngành,  luôn nêu cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt 12 điều quy định về y đức của ngành y tế, "Lương y như từ mẫu". Các chị đã không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm phục vụ người bệnh, nhiều chị không quản ngại các chuyến đi hỗ trợ tuyến dưới, các đợt cao điểm dịch bệnh, say sưa nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cứu chữa người bệnh...  Hàng năm có hơn 90% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu giỏi việc nư­ớc, đảm việc nhà các cấp. Trong các Hội thi nghiệp vụ, Hội  thi văn nghệ, thể dục thể thao của toàn ngành, các chị đã có những đóng góp xuất sắc vào phong trào chung. Một số đơn vị tiêu biểu như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh… là những đơn vị nhiều năm liền tổ chức tốt phong trào. 5 năm qua, toàn ngành Y tế đã có 380 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện, trong đó có 228 sáng kiến, đề tài nghiên cứu được ứng dụng. Có 11 đề tài, sáng kiến đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và Bộ Y tế, 01 chị đã được phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú", Bác sỹ CK2: 28 chị, Thạc sỹ Bác sỹ CK1:  44 chị.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nữ CNLĐ đã không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, rèn luyện tác phong công nghiệp, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thường xuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng đẹp, đáp ứng với nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng; xây dựng phong cách giao tiếp với khách hàng văn minh lịch sự, nhiệt tình, chu đáo, bảo đảm chất lượng, nhanh chóng, chính xác, an toàn ... tạo được niềm tin yêu với khách hàng.  Các chị thường xuyên rèn luyện ý thức, kỷ luật lao động, phấn đấu nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề, đạt năng suất, chất lượng cao để có thu nhập cuộc sống ổn định. Chị em ở các ngành xây dựng, giao thông nỗ lực khắc phục khó khăn, góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình. Nữ CNVCLĐ ở khối ngân hàng, Bưu chính, Viễn Thông, Điện lực, Du lịch, Khách sạn....thường xuyên giao dịch với khách hàng đã luôn chú ý rèn luyện phong cách giao tiếp, nắm vững nghiệp vụ và nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng hóa của khách hàng. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, cùng với lực lượng CNVCLĐ các chị vẫn kiên trì khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất của doanh nghiệp. Trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, nhiều chị em đã năng động, sáng tạo, bám sát nhu cầu thị trường, dám nghĩ, dám làm, mở rộng thị trường, kinh doanh đầu tư đạt hiệu quả cao, đưa sản phẩm của đơn vị mình trở thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Trong lao động trực tiếp, nhiều chị đã trở thành những điển hình tiêu biểu, cần cù, chịu khó, thực hiện vượt kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm...
Với vai trò là người "giữ lửa" trong gia đình-thiên chức cao cả của người phụ nữ nên dù ở cương vị công tác nào và làm công việc gì, các chị đều là người vợ hiền, người mẹ mẫu mực, người con hiếu thảo chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, luôn giữ cho gia đình hoà thuận đầm ấm, hạnh phúc. Nhiều chị đã khéo léo tạo được sự công bằng và bình đẳng ngay trong chính những công việc giản đơn, thường nhật của gia đình như: phân công lao động hợp lý, khích lệ chồng con chia sẻ công việc, cùng có trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng, gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhiều gia đình nữ CNVCLĐ giữ được nét đẹp truyền thống có nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhiều chị có hoàn cảnh éo le, nuôi con một mình nhưng các vượt lên số phận, với nghị lực và niềm tin và sức lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là điểm tựa vững chắc để nuôi dạy chăm sóc con chăm ngoan, học giỏi thành đạt. Rất nhiều gia đình có con thi đỗ thủ khoa các trường Đại học, đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và trong tỉnh.
Các chị luôn giáo dục con em, tuyên truyền người thân trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt quy định, quy ước của làng xóm, khu phố. Tham gia các hoạt động ở khu dân cư,  luôn giữ mối đoàn kết với bà con khu phố, sống có nghĩa tình, thể hiện phẩm chất đạo đức tư cách của người cán bộ công chức. Trên 95% gia đình các chị đều được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá" ở khu dân cư, nhiều gia đình được khen thưởng "Gia đình văn hoá tiêu biểu", "Gia đình hiếu học".
Kết quả hàng năm có trên 94% chị em được công nhận danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" các cấp, nhiều chị em đã được Đảng, Nhà nước, các cấp Công đoàn và Hội khen thưởng. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân nữ nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển của phụ nữ Việt Nam”, giải thưởng “Tài năng sáng tạo nữ Tổng Liên đoàn”; CNVCLĐ tiêu biểu tỉnh Quảng Trị…
Tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, giúp đỡ nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn cũng là những nét nổi bật của phong trào nữ CNVCLĐ. Nữ CNVCLĐ trong toàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ các gia đình có công, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.  Một trong những loại quỹ được đông đảo nữ CNVCLĐ trong toàn tỉnh nhiệt tình tham gia hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực là Quỹ “Mái ấm công đoàn”. Thống kê từ 2011 đến nay, đến thời điểm hiện tại LĐLĐ tỉnh đã có 202 căn nhà được xây mới tặng cho các đoàn viên lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá trên 5.3 tỷ đồng.
Có thể nói, triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” chính là đã góp phần vào việc triển khai tốt các đề án ‘Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; Giáo dục phụ nữ phẩm chất “tự trọng, tự tin, trung hậu, đảm đang” và CVĐ xây dựng gia đình “5 không,3 sạch” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, nữ CNVCLĐ tỉnh nhà tiếp tục rèn luyện phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt trên các lĩnh vực công tác, phát huy trí tuệ, năng lực, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong xã hội và gia đình; thực hiện tốt thiên chức của người mẹ, người vợ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây