Nâng cao chất lượng công tác nữ công trong hoạt động công đoàn

Thứ tư - 16/10/2019 20:34 11.909 0
Công tác nữ công là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Những năm qua, vai trò của công tác nữ công ngày càng được khẳng định trong việc tuyên truyền, vận động nữ cán bộ, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.
\
ht 2 2
Nhiều hoạt động thiết thực do nữ CNVCLĐ tổ chức ở cơ sở.
Hiện nay, nữ CNVCLĐ ở các cấp công đoàn tỉnh Quảng Trị có 25.742 người, chiếm tỉ lệ gần 50% trên tổng số CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Số Ban Nữ công quần chúng có 625/625 (CĐCS đủ điều kiện thành lập Ban Nữ công quần chúng), trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp có 559 Ban Nữ công quần chúng, doanh nghiệp nhà nước có 8 Ban Nữ công quần chúng và doanh nghiệp ngoài nhà nước có 58 Ban Nữ công quần chúng. Những năm qua, lực lượng nữ CNVCLĐ trong tỉnh đã không ngừng phát huy vai trò, vị trí, năng lực của mình trên tất cả các lĩnh vực công tác; từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đất nước.
 
Nhận thức rõ vai trò của phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn toàn tỉnh, thời gian qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác nữ công, tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ yên tâm lao động, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 147/BCH-TLĐ ngày 4/2/2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH về “công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; Chỉ thị 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 12b/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác nữ công của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Ban Nữ công công đoàn các cấp đã tham mưu Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động; tạo điều kiện để cán bộ nữ công trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động nữ công, tạo mối liên kết mật thiết giữa nữ CNVCLĐ với hoạt động nữ công.
 
Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp công đoàn, công tác tuyên truyền giáo dục trong nữ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Ban Nữ công công đoàn các cấp đã tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn liên quan đến nữ CNVCLĐ, như tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, kiến thức pháp luật, dân số- sức khỏe sinh sản, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, hội thi, hội thảo, gặp mặt cán bộ nữ công, gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu, trao đổi kĩ năng, truyền thông nuôi con bằng sữa mẹ, tổ chức khám chuyên khoa cho nữ CNLĐ…
 
Ban Nữ công công đoàn các cấp vận động nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trọng tâm là các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, vừa lao động sản xuất, học tập, công tác, vừa tích cực cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm hay, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất.
 
Cùng với Ban Chấp hành công đoàn, Ban Nữ công quần chúng đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động và phản ánh, đề xuất, kiến nghị với công đoàn cấp trên; kiến nghị chủ sử dụng lao động quan tâm, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; chăm lo và cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống cho lao động nữ như: nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp ăn tập thể, nhà ở, nhà trẻ, nhất là ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có đông lao động nữ ; tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thuyết phục với chủ doanh nghiệp kí kết các điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ, nâng cao vai trò đại diện của Ban Nữ công quần chúng công đoàn các cấp...
 
Trong 9 tháng đầu năm 2019, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thăm và tặng quà cho 495 nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 250 triệu đồng; trao “Mái ấm Công đoàn” cho 28 nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; thành lập 13 tổ “Tiết kiệm quay vòng” với gần 400 nữ CNVCLĐ tham gia, số tiền tiết kiệm lên đến hàng tỉ đồng…
 
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động nữ công vẫn còn một số hạn chế như: một số Ban Nữ công quần chúng hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa chủ động tham mưu Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ; việc tổ chức phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ có nơi, có lúc hiệu quả chưa cao; nhiều Ban Nữ công thành lập mới nên kinh nghiệm, kĩ năng, nghiệp vụ hoạt động còn hạn chế.
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác nữ công, trong thời gian tới các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
 
Ban Chấp hành công đoàn các cấp cần quan tâm, thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Nữ công quần chúng; chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các hình thức hoạt động nữ công như tọa đàm, giao lưu, tổ chức các diễn đàn, câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề nhằm thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia.
 
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ về công tác “vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 của Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Lựa chọn các nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, chú trọng các nội dung của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vấn đề hôn nhân, gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho CNLĐ… Chú trọng tuyên truyền ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có đông lao động nữ. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tham gia quản lí và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, có những kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm chế độ chính sách lao động nữ. Các công đoàn cấp trên cơ sở chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công ở cơ sở; kịp thời kiến nghị các cấp ủy đảng, chuyên môn đồng cấp quan tâm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây