70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 (29/4/1946-29/4/2016)

Thứ tư - 20/04/2016 05:12 1.967 0
Kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5 và hưởng ứng “Tháng Công nhân” năm 2016 càng có ý nghĩa khi gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định người lao động được nghỉ làm việc và có hưởng lương trong ngày Quốc tế Lao động; Ban Biên tập Web Công đoàn Quảng Trị trân trọng giới thiệu toàn văn Sắc lệnh số 56 ngày 29/4/1946.
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 56 NGÀY 29 THÁNG 4 NĂM 1946
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu theo Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945 giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc;
Chiểu theo Sắc lệnh số 22-C/NV/CC ngày 18-2-1946 định những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo;
Chiểu theo Dụ số 69 ngày 31-10-1941 coi ngày mồng một tháng năm dương lịch là ngày lễ chính thức cho công nhân được nghỉ vẫn hưởng lương;
Chiểu theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xã hội;
Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp;
RA SẮC LỆNH:
Điều thứ 1: Nay bãi bỏ đạo Dụ số 69 ngày 31-10-1941 nói trên.
Điều thứ 2: Những công nhân các công sở, tư sở và xí nghiệp trong toàn quốc đều được nghỉ việc trong ngày lễ lao động (mồng một tháng năm dương lịch) và có quyền được hưởng lương một ngày làm việc.
Điều thứ 3: Khi công việc xí nghiệp nào không thể tạm ngừng lại được thời những công nhân phụ trách thường trực trong ngày ấy được lĩnh lương gấp đôi.
Những công nhân ăn lương tháng mà phải đi thường trực thêm tiền phụ cấp về ngày ấy sẽ tính là một phần 25 (1/25) số lương tháng.
Điều thứ 4: Nếu ngày mồng một tháng năm dương lịch nhằm ngày chủ nhật thời công nhân chỉ được ăn lương khi trong hợp đồng hay nội quy xí nghiệp có cho lương cả ngày chủ nhật.
Nhưng những công nhân nào phải đi thường trực ngày ấy thời cũng được lĩnh lương gấp đôi như đã nói ở Điều thứ hai.
Điều thứ 5: Những công nhân làm khoán tính kiện ăn công thời số lương ngày nghỉ ấy sẽ tính theo số lương trung bình đã lĩnh hàng ngày trong 7 hôm trước ngày mồng một tháng năm.
Điều thứ 6: Sắc lệnh này được thi hành ngay theo như Điều 14 Sắc lệnh ngày 10 tháng 10 năm 1945.
Điều thứ 7: Bộ trưởng các Bộ Nội vụ, Xã hội và Tài chính chịu uỷ nhiệm thi hành Sắc lệnh này.
  Hồ Chí Minh
(Đã ký)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây