Kỷ niệm 107 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908-02/02/2015), người sáng lập và lãnh đạo Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ

Chủ nhật - 01/02/2015 20:04 2.170 0

.

.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường; là người sáng lập và lãnh đạo Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ ( Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay ). Tư tưởng, đạo đức cách mạng sáng ngời, tác phong sâu sát, đồng chí là một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản.

Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (trước đây là làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh), trong một gia đình nghèo. Nguyễn Đức Cảnh ra đời trong lúc phong trào yêu nước của nhân dân ta đã diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi. Thủa nhỏ Nguyễn Đức Cảnh học tại trường làng, gia đình túng thiếu, khó khăn nhất là sau khi cha anh qua đời. Nhờ sự giúp đỡ của bà con thân thuộc anh được học tiếp đỗ bằng tiểu học và thi đậu vào Trường Thành Chung Nam Định năm 1923.

Những ngày học ở trường, Nguyễn Đức Cảnh vận động một số anh em lập Hội tương trợ học sinh nhằm mục đích giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời qua tổ chức này cùng nhau trao đổi những tư tưởng, những chính kiến và những sách báo tiến bộ. Đề nghị của Nguyễn Đức Cảnh được nhiều người tán thành. Hội tương trợ học sinh ra đời trong hoàn cảnh đó. Trong thời gian học ở Trường Thành Chung, Nguyễn Đức Cảnh được tiếp xúc với nhiều tài liệu, trong đó có một số tác phẩm của những nhà dân chủ châu Âu; báo “Người cùng khổ”, với những bài viết nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc và những bài viết của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Nguyễn Đức Cảnh rời khỏi Trường Thành Chung vào năm 1926, đi vào con đường đấu tranh cách mạng và trở thành người công nhân. 
Khoảng cuối năm 1926 Nguyễn Đức Cảnh tới Hà Nội, sau một thời gian làm việc tại hiệu ảnh Hưng Ký, anh đi dạy học tại trường tư thục Công ích. Anh thường giáo dục cho học trò lòng thương yêu, giúp đỡ người nghèo và tình yêu đối với non sông đất nước. Nguyễn Đức Cảnh đã xin gia nhập tổ chức Nam Đồng thư xã, thực chất là một quán sách nhỏ do một nhóm thanh niên Hà Nội tổ chức, trụ sở ở phố Ngũ Xá. Nam Đồng thư xã đã tổ chức viết, dịch và phát hành các sách tuyên truyền cho chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa tam dân của Tôn Dật Tiên và chủ nghĩa dân tộc cách mạng. Được tiếp xúc với công nhân ngành in, anh thấy ở giai cấp này đang có sức sống vươn lên. 
Theo đề nghị của anh, nhóm Nam Đồng thư xã đã giới thiệu anh đến làm việc tại xưởng in Lê Văn Tân. Hoạt động sôi nổi trong phong trào công nhân, Nguyễn Đức Cảnh phấn đấu không mệt mỏi cho sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Bước chuyển biến có tính chất quyết định trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh là sự giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Được những tư tưởng cách mạng soi sáng, Nguyễn Đức Cảnh quyết định gia nhập Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức cách mạng đầu tiên ở nước ta có xu hướng xã hội chủ nghĩa, vận động công nhân và nông dân đi theo con đường chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng ta. 

Sau khi dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Đức Cảnh trở về nước vào tháng 12/1927 để hoạt động trong phong trào công nhân và Công hội đỏ. Nguyện vọng của anh được công tác ở một vùng công nghiệp, được Kỳ bộ chấp nhận và cử xuống Hải Phòng hoạt động từ tháng 2/1928. Hoạt động tại Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh được bổ sung vào Tỉnh bộ Thanh niên. Nhiệm vụ chủ yếu của anh lúc này là củng cố và phát triển các chi bộ thanh niên và các cơ sở Công hội trong công nhân. Năm 1928 Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách Tỉnh bộ Hải Phòng. Khi đó Tỉnh bộ Hải Phòng kiêm nhiệm cả phong trào các tỉnh Hải Dương, Kiến An, vùng mỏ Quảng Ninh. Hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh ở vùng Hải Phòng góp phần đắc lực tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi trong đội ngũ công nhân. Các cơ sở của Thanh niên và Công hội phát triển mạnh ở bến Cảng và các nhà máy ở Hải Phòng, nhất là khi thực hiện chủ trương tăng cường công tác vận động công nhân và đưa cán bộ trong thanh niên đi “vô sản hoá” do Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đề ra. 
Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội. Nguyễn Đức Cảnh là một trong số 7 người của Việt Nam Cách mạng thanh niên dự hội nghị này. Một trong những phương hướng chủ yếu chi bộ cộng sản đầu tiên đề ra là tiếp tục nắm chắc tổ chức Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ, hướng họ tiếp tục đi “vô sản hoá” nhằm phát triển hơn nữa tổ chức Công hội, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân. Sau Hội nghị thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên, Nguyễn Đức Cảnh dẫn đầu đoàn đại biểu Hải Phòng và khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả dự Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ. 
Tháng 6/1929, những người cách mạng trung kiên nhất trong chi bộ cộng sản đầu tiên, trong đó có đoàn đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ vừa thoát ly Đại hội Thanh niên họp ở Hương Cảng, đứng ra triệu tập một hội nghị gồm gần 20 đại biểu các tổ cộng sản mới thành lập ở các tỉnh thuộc Bắc Kỳ tới số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được Trung ương phân công phụ trách công tác vận động công nhân. Tiến tới thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ là một trong những nhiệm vụ mà Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của anh miệt mài ngày đêm chuẩn bị. Ngày 28/7/1929 Đại hội đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, bầu Ban Chấp hành gồm 7 đồng chí, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Vừa là Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, vừa phụ trách Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, địa bàn hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh trải rộng nhiều nơi, chủ yếu ở Hà Nội và Hải Phòng. Với cương vị công tác của mình, Nguyễn Đức Cảnh là một trong số những cán bộ lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của công nhân, có những bước phát triển mới về quy mô và hình thái đấu tranh. 

Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có tác dụng cổ vũ phong trào công nhân các nhà máy đấu tranh. Về mặt tổ chức có sự phát triển vượt bậc khi nhiều công hội cơ sở được thành lập ở những vùng công nghiệp, số hội viên tăng nhanh. 

Từ cuối năm 1929 đầu năm 1930, ba tổ chức cộng sản liên tiếp được thành lập ở nước ta. Những người cộng sản Việt Nam thấy rõ nhược điểm của sự phân tán đó và tìm mọi cách để thống nhất Đảng, Nguyễn Đức Cảnh nhận thức sâu sắc về điều này. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị thành lập Đảng họp tháng 2/1930. Qua năm ngày làm việc, Hội nghị nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành chính đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng dự Hội nghị này. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với sự nghiệp cách mạng, chứng tỏ rằng giai cấp vô sản nước ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. 
Trước sự trưởng thành nhanh chóng của giai cấp vô sản, với những cuộc đấu tranh mạnh mẽ nổ ra ở khắp mọi miền đất nước, kẻ địch đã tập trung lực lượng nhằm tiêu diệt phong trào. Trong những ngày sôi động đó Nguyễn Đức Cảnh làm việc suốt ngày đêm, sâu sát phong trào, xây dựng, củng cố cơ sở, uốn nắn những lệch lạc trong quá trình đấu tranh của quần chúng. Anh nghiên cứu viết nhiều tài liệu tuyên truyền có sức thuyết phục mạnh mẽ quần chúng công nông vùng lên đấu tranh. Anh mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, trực tiếp giảng bài và kiểm tra trình độ lý luận của học viên. Nhiều công nhân được anh huấn luyện đã trở thành cán bộ tốt của phong trào. 
Sau Hội nghị Xứ uỷ Trung Kỳ tháng 4/1931, những đồng chí giữ cương vị chủ chốt của phong trào như Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao... lần lượt bị địch bắt, hoặc hy sinh anh dũng. Cuối tháng 4/1931, trên đường đi họp về Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt trong làng Yên Dũng, sát thành phố Vinh. Những ngày ở trong nhà tù, Nguyễn Đức Cảnh thể hiện rõ khí phách sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản. Anh đã viết cuốn “Công nhân vận động” trước khi lên máy chém. Tư tưởng cách mạng, tình cảm trong sáng và đạo đức cao cả của Nguyễn Đức Cảnh làm cho công nhân, nhân dân lao động và đồng chí, bạn bè rất khâm phục. Sự hy sinh anh dũng phi thường của Nguyễn Đức Cảnh, người hoạt động không biết mệt mỏi trong phong trào công nhân và Công hội đỏ đã để lại sự kính phục sâu sắc trong lòng giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Tấm gương ấy muôn đời sống mãi. 

 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây