Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn

Thứ sáu - 07/04/2017 05:20 939 0
Ngày 7/4/2017, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907-2017). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trường trực Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Về phía tỉnh Quảng Trị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh…
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Dũng
Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Dũng
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Đồng chí Lê Duẩn (tên thật là Lê Văn Nhuận), sinh ngày 7/4/1907 trong một gia đình, làng quê có truyền thống yêu nước, quý nhân nghĩa và hiếu học.
Thuở niên thiếu, Lê Văn Nhuận thường được nghe thân phụ và nhiều người bạn của cha kể về bao nỗi uất ức của người dân mất nước và nung nấu ý chí “phải đánh giặc Tây”, phải giành cho được độc lập cho dân tộc. Năm 1925, Lê Văn Nhuận rời gia đình đi tìm việc làm và cũng từ đó chính thức tham gia hoạt động cách mạng. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã đến với “Đường Cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.  Trong thời kỳ này, từ quê hương Quảng Trị đến Nam Trung bộ, những nơi có phong trào cách mạng sôi nổi đều gắn với tên tuổi và hoạt động của đồng chí trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Năm 1940, đồng chí lại bị địch bắt tại Sài Gòn, bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần thứ hai. Hai lần bị bắt, bị kết án nặng và đày đi các ngục tù khét tiếng, đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thường xuyên tôi luyện lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Chính phủ đón về đất liền. Đầu năm 1946, đồng chí được ra Hà Nội, làm việc bên cạnh Hồ Chủ tịch, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 Cuối năm đó, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng phân công vào Nam chỉ đạo cuộc  kháng chiến ở Nam Bộ. Trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đề ra nhiều chủ trương quan trọng: Thiết lập sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, thống nhất các lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, củng cố liên minh công nông, tăng cường mặt trận dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân,  đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân nghèo trong vùng tự do.       
Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951-1954), đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, góp phần đúc rút những kinh nghiệm, bài học quý báu cho Đảng ta không chỉ trong kháng chiến chống Pháp mà cả trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, từ năm 1954 đến 1957, đồng chí được Trung ương phân công tiếp tục ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng.
Chính trong những tháng năm gian khổ, hy sinh, đầy thử thách ác liệt này, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời. Trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh cách mạng, năm 1956, đồng chí đã soạn thảo “Đề cương Cách mạng miền Nam”, thổi bùng lên luồng sinh khí mới, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và dân miền Nam xốc lại đội ngũ, quyết tâm chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng.
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đảm nhận trọng trách Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng và hoàn thiện đường lối cách mạng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. 
Suốt 15 năm trên cương vị này, trong hoàn cảnh đất nước trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp; đặc biệt sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (tháng 9/1969), trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã đem hết năng lực, trí tuệ, nhiệt huyết cách mạng cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
10 năm sau Đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng là 10 năm đồng chí Lê Duẩn trên cương vị Tổng Bí thư - 10 năm đất nước ta bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận, chống phá quyết liệt và tình hình càng khó khăn hơn khi phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Nam và phía Bắc. Được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta vượt lên khó khăn, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ, tạo tiền đề quan trọng để công cuộc đổi mới thực hiện thành công, đưa vị thế Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế. 
60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Suốt cả cuộc đời, dù ở đâu hay giữ cương vị nào, đối với quê hương đất mẹ Quảng Trị, đồng chí vẫn dành nhiều tình cảm sâu nặng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn theo dõi, chỉ đạo kịp thời và động viên, cổ vũ Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị vượt qua khó khăn, cùng cả nước quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Thấm nhuần lời căn dặn, những tâm huyết và hoài bão của đồng chí Lê Duẩn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã kiên trì, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Trong nhiệm kỳ qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,4%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 16,6%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội không ngừng tăng lên. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản lượng lương thực đạt trên 26 vạn tấn; toàn tỉnh có 31 xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, chiếm 24,8% tổng số xã. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây đạt gần 9%.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tiếp tục được đầu tư. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng xã hội được nâng cấp và xây dựng mới. Thương mại - dịch vụ phát triển ổn định. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đô thị phát triển.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận trong xã hội được củng cố.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, em Hoàng Trần Minh Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - đại diện cho thế hệ trẻ -  bày tỏ sự tự hào, vinh dự được sinh ra, lớn lên trên quê hương đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đồng thời hứa sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, không ngừng sáng tạo để góp phần xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, giàu đẹp, hội nhập sâu trên trường quốc tế.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm cũng đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Tổng Bí thư Lê Duẩn- Cả cuộc đời hiến dâng cho dân tộc” với nhiều tiết mục ca múa nhạc được dàn dựng công phu, xuyên suốt, khái quát được cuộc đời giản dị, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Trước lễ kỷ niệm, các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ dâng hoa tưởng niệm tại tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trong không khí trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh dành phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn – người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam và người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị.
Tại buổi lễ, những bông hoa tươi thắm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị và các đại biểu đã được dâng lên tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tác giả bài viết: Đức Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây