Tuyên truyền phổ biến pháp luật trong CNVCLĐ, một năm nhìn lại

Thứ hai - 14/11/2016 22:58 5.258 0
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là nội dung trọng tâm trong công tác tuyên giáo công đoàn. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), góp phần củng cố và nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người lao động (NLĐ), thời gian qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn nâng cao chất lượng gắn với đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
CNVCLĐ sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật
CNVCLĐ sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật
Thực hiện chủ đề năm 2016 “Năm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS”,  nhằm tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động hiểu biết về pháp luật Lao động và Công đoàn, nâng dần số lượng người lao động thuộc diện BHXH bắt buộc được tham gia bảo hiểm, LĐLĐ phối hợp với BHXH tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh phối hợp với BHXH huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp truyền thông pháp luật tại các CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước và kể cả những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn. Nội dung tuyên truyền tập trung về chính sách  BHXH, BHYT, BHTN, các vấn đề mà NLĐ thường xuyên gặp phải như: hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ đối với lao động nữ, điều kiện, môi trường làm việc, hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ cũng như quyền và nghĩa vụ của người lao động khi là đoàn viên công đoàn… Việc biên soạn và phát hành tờ gấp về cả nội dung những điều cần biết về BHXH cũng như tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được cô đọng theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ và được phát tận tay cho NLĐ. Hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới theo hướng cung cấp những nội dung cơ bản, sát sườn về chính sách đối với NLĐ sau đó tập trung giải đáp những thắc mắc của NLĐ. Tại các buổi tuyên truyền, Báo cáo viên  dành thời gian cho người lao động đặt các câu hỏi và trả lời trực tiếp cho người lao động và ngược lại, báo cáo viên đặt ra những câu hỏi tình huống để người lao động củng cố lại kiến thức vừa được tiếp thu cũng như vận dụng vào những trường hợp vướng mắc gặp phải. Trong điều kiện hoạt động đặc thù ở các doanh nghiệp, cường độ lao động khẩn trương, ít có điều kiện tập hợp người lao động tham gia các hoạt động tập trung, việc lựa chọn thời điểm tổ chức tuyên truyền cũng hết sức linh hoạt, không làm ảnh hưởng đến thời giờ sản xuất của doanh nghiệp. Trong thời gian khoảng 1 tiếng đồng hồ sau giờ tan ca, trước giờ vào ca, thời gian nghỉ giữa ca, hoặc buổi tối, cán bộ tuyên truyền cùng với CNLĐ có mặt tại nhà ăn hoặc hội trường của doanh nghiệp để cùng tham gia hoạt động này. Tại các các doanh nghiệp, BCH CĐCS cũng đã vận dụng hình thức tuyên truyền trích lục những nội dung quan trọng trong tài liệu Luật lao động đem treo, dán ở nơi tập trung đông người như hội trường, nhà ăn, các phân xưởng sản xuất.         
Thông qua hoạt động truyền thông trực tiếp tại đơn vị, chủ doanh nghiệp và người lao động đều được tiếp thu những kiến thức pháp luật vô cùng hữu ích. Đồng thời, NSDLĐ cũng thấy phấn khởi khi chính bản thân họ và công nhân của họ được tiếp thu kiến thức pháp luật cần thiết cho việc đảm bảo ổn định, hài hòa trong doanh nghiệp. Điều đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những phương pháp và hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền miệng, công tác nêu gương người tốt việc tốt hoặc lồng ghép vào các hội nghị, hội họp, giao ban trong cơ quan và hình thức hội thi, thi tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề, vui chơi hái hoa dân chủ...tổ chức tốt ngày pháp luật hàng tháng, xây dựng và sử dụng tủ sách pháp luật, thông qua các buổi đối thoại...cũng được các cấp công đoàn lựa chọn áp dụng thực hiện hiệu quả. Trang Thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh cũng phát huy được hiệu quả công tác tuyên truyền thông qua mục tư vấn pháp luật; gương người tốt việc tốt…đảm bảo việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các chương trình, Nghị quyết, chủ đề trọng tâm của tổ chức công đoàn, nhằm chuyển tải kịp thời, có chất lượng đến các cấp công đoàn, đoàn viên và người lao động.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cấp phát đến tận tay người lao động 3000 tờ gấp; tổ chức tuyên truyền được 51 cuộc cho hơn 3.000 CNLĐ. Trong đó có trên 400 CNLĐ tạị 23 DN chưa thành lập tổ chức công đoàn.  Số lượng NLĐ được tham gia BHXH diện bắt buộc được tăng lên đáng kể. Đã thành lập được 55 CĐCS và phát triển được 1.530 đoàn viên công đoàn. Trang TTĐT đã đăng tải được trên 250 tin tức hoạt động, trên 40 bài viết chuyên sâu, cập nhật trên 120 văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Tuy nhiên, quá trình triển khai tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp hiện cũng còn nhiều hạn chế. Thực tế ở nhiều nơi, nhất là trong các doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm nhiều và chưa hiểu biết về pháp luật lao động. Khi vào làm việc ở công ty, họ chỉ chú trọng đến những nhu cầu cơ bản như: tiền lương, ngày giờ công lao động, thu nhập tăng thêm... Trong khi đó, còn những nội dung rất quan trọng khác có liên quan mà người lao động ít chú ý như: chế độ bảo hiểm; điều kiện lao động, môi trường lao động, giải quyết tai nạn lao động, an toàn lao động, vấn đề lao động nữ, vấn đề xử lý kỷ luật lao động... Mặt khác, người sử dụng lao động ở một số doanh nghiệp chưa ủng hộ công đoàn hoạt động, không tạo điều kiện cho người lao động được tham gia học tập qua các đợt triển khai hội nghị phổ biến pháp luật tại cơ sở do công đoàn tổ chức; né tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong đơn vị theo quy định của pháp luật. Quá trình tuyên truyền của các cấp công đoàn vẫn còn tình trạng nội dung và phương pháp tuyên truyền chưa phù hợp, còn nặng về lí luận, nội dung dàn trải; hình thức chưa đổi mới, chưa kích thích sự hứng thú của người nghe.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ, trong thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phát huy những kết quả đạt được đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động và TBXH, BHXH tỉnh làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền và triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tổ chức Công đoàn đến CNVCLĐ và người sử dụng lao động. Khi tổ chức tuyên truyền, phổ biến lựa chọn nội dung quan trọng liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động. Vận dụng linh hoạt các hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với nhu cầu người lao động và loại hình hoạt động của doanh nghiệp. Đối với CĐCS khối hành chính sự nghiệp, chỉ đạo các đơn vị nâng cao hiệu quả chất lượng của “Ngày pháp luật” hàng tháng. Đối với loại hình CĐCS trong các doanh nghiệp, hướng dẫn quy trình buổi tuyên truyền pháp luật và cung cấp thêm tài liệu chỉ đạo; chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho họ hiểu hơn về các chế độ chính sách, những quyền lợi mà họ được hưởng, nghĩa vụ mà họ phải đóng góp, phải thực hiện cho xã hội, cho doanh nghiệp. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền; phát huy hiệu quả công tác tư vấn pháp luật.
 Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với cách làm mới và sự nỗ lực của các cấp công đoàn, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
                                                                 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hoài Lê PCT LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây