Công đoàn Quảng Trị, 5 năm nhìn lại công tác An toàn vệ sinh lao động

Thứ sáu - 10/12/2021 02:53 1.258 0
hoi thao khoa hoc de tai nghien cuu danh gia nguy co rui ro
Hội thảo khoa học Đề tài nghiên cứu đánh giá nguy cơ rủi ro và đề xuất biện pháp đảm bảo an toàn trong môi trường lao động của các doanh nghiệp chế biến gỗ ghép thanh, gỗ dăm ở tỉnh Quảng Trị
 
                                                                                                                                                                                NGUYỄN THỊ HOÀI LÊ
PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH

An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một chủ trương lớn của Đảng, được Nhà nước cụ thể hóa bằng pháp luật. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, công tác ATVSLĐ ngày càng được các ngành, các cấp trong tỉnh, người lao động quan tâm thực hiện, trở thành ý thức chung của mọi người. Cùng với chính quyền, các ngành chức năng, các cấp Công đoàn trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ), đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động (NLĐ); khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với NLĐ, giúp NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.  

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Ban Bí thư Trung ương  và Luật ATVSLĐ năm 2015, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-LĐLĐ, ngày 11/3/2014 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện đồng thời tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Luật ATVSLĐ, các văn bản pháp luật có liên quan tới công tác ATVSLĐ đến các CĐCS, cán bộ công đoàn các cấp và CNVCLĐ. 

Công tác tuyên truyền về ATVSLĐ được các cấp công đoàn tổ chức bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú như: phát động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ, Tháng Công nhân, ký cam kết thi đua đảm bảo ATVSLĐ, tổ chức tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt ngày pháp luật, tuyên truyền trực quan thông qua “Góc Bảo hộ lao động”, cấp phát tài liệu, sổ tay, áp phích, tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu hoạt động ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin…Trong 5 năm thi hành Luật ATVSLĐ, các cấp công đoàn đã tổ chức được 380 lớp tập huấn, tuyên truyền và 200 cuộc tư vấn trực tiếp về pháp luật lao động, công đoàn, BHXH, ATVSLĐ… cho cán bộ công đoàn (CBCĐ) và NLĐ ở các doanh nghiệp. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức Lễ phát động “Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN” , “Tháng hành động ATVSLĐ và Tháng Công nhân”, Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” cấp tỉnh. Cấp phát 1.000 cuốn sổ tay pháp luật lao động, công đoàn cho CBCĐCS khu vực doanh nghiệp; Biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ và thực hiện TƯLĐTT tại Lễ phát động Tháng Công nhân-Tháng hành động về ATVSLĐ... Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lớp 09 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 640 lượt cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ các doanh nghiệp, cán bộ CĐCS, mạng lưới ATVSV và người lao động ở khu vực doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng 08 “Góc bảo hộ lao động”, 01 ‘Góc bảo hộ lao động, tư vấn pháp luật”, xây dựng mô hình điểm về phong trào “Xanh-Sạch-Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” tại các doanh nghiệp có đông lao động, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp với tổng trị giá 240 triệu đồng. 
trang bi goc bhld cho cnld cty tnhh mtv go nguyen phong

Phối hợp với Sở LĐTBXH thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguy cơ cao mất an toàn; Kịp thời điều tra, giải quyết các vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa tỉnh. Toàn tỉnh có 979 doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật ATVSLĐ và pháp luật lao động, BHXH.

Tại các doanh nghiệp, CĐCS đã phối hợp với NSDLĐ tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ; ký cam kết đảm bảo ATVSLĐ giữa các tổ, bộ phận; tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo ATVSLĐ-PCCN tại nơi sản xuất, phát động phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị… Qua 5 năm, đã có 12 lượt CĐCS phối hợp với chuyên môn tổ chức Hội thi ATVSV giỏi cấp cơ sở, thu hút hơn 4.500 lượt đoàn viên, CNLĐ tham gia.  

Trong 5 năm qua đã có 76 đề tài, sáng kiến cải tiến hợp lý hóa sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc được thực hiện, góp phần không nhỏ vào việc phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Điển hình là các đề tài: Thiết kế hệ thống phun tưới nước để xử lý ô nhiễm bụi trong khai thác đá và sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty cổ phần Thiên Tân; Xử lý ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch nung của Công ty cổ phần gạch ngói Quảng Trị; Giải pháp an toàn điện của Công ty Điện lực Quảng Trị; Công tác phòng chống cháy nổ của Công ty Xăng dầu; Cải tiến quy trình, thiết bị bốc xếp gạch nung nhằm giảm bớt sức lao động tại Nhà máy Gạch Tuynel Minh Hưng… Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí hàng tỉ đồng mỗi năm để cải thiện điều kiện làm việc, nâng cấp nhà xưởng, cải tiến máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc, gắn với ATLĐ; đầu tư trồng vành đai cây xanh, bóng mát, bê tông hóa  đường nội bộ; bố trí hệ thống phun, tưới nước thường xuyên, đảm bảo cho khu vực sản xuất xanh, sạch, đẹp...

LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Phân viện Khoa học ATVSLĐ-BVMT Miền Trung tiến hành 06 đợt đo đạc, khảo sát đánh giá về điều kiện, tác động môi trường lao động tại 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Phối hợp thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá nguy cơ rủi ro và đề xuất biện pháp đảm bảo an toàn trong môi trường lao động của các doanh nghiệp chế biến gỗ ghép thanh, gỗ dăm ở tỉnh Quảng Trị” được triển khai áp dụng đại trà cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. 

Có thể nói, nhờ sự nỗ lực của các cấp công đoàn, sự phối hợp thực hiện đồng bộ của các cấp các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức tốt về công tác ATVSLĐ, quan tâm đầu tư, cải thiện điều kiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn thiết bị, nhà xưởng, phòng chống cháy nổ, xử lý khói bụi, khí thải, nước thải, tiếng ồn; chăm lo sức khỏe người lao động; giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tuy vậy, thời gian qua vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, nhiều chế độ, chính sách của NLĐ trong lĩnh vực ATVSLĐ chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật; chưa bố trí hoặc bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chưa đúng quy định; xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm còn hình thức; hoạt động của mạng lưới ATVSV ở nhiều nơi chưa thực sự hiệu quả, chế độ phụ cấp trách nhiệm cho ATVSV chưa được quan tâm. Số vụ tai nạn lao động nặng và chết người có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra do không làm tốt công tác ATVSLĐ. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động do sự chủ quan của NLĐ không tuân thủ quy trình, chưa có biện pháp làm việc an toàn, chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ... người sử dụng lao động (NSDLĐ) chưa làm tốt công tác tự kiểm tra ATVSLĐ, sử dụng thiết bị lao động không đảm bảo an toàn, không xây dựng quy trình, nội quy an toàn lao động, không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ…

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thường xuyên cập nhật và tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp để NLĐ, người sử dụng lao động hiểu, nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác ATVSLĐ, đặc biệt ở các doanh nghiệp có đông công nhân lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Chỉ khi nào NLĐ, NSDLĐ, doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của công tác đảm bảo ATVSLĐ và tự nguyện nghiêm túc chấp hành mọi quy định pháp luật về ATVSLĐ thì lúc đó mới đảm bảo được an toàn lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể được kiểm soát.

Thứ hai, chủ động, tích cực tham gia với người sử dụng lao động xây dựng các nội quy, quy định, thỏa ước lao động tập thể, chương trình, kế hoạch ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, quan tâm công tác tự kiểm tra của doanh nghiệp và thường xuyên giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về ATVSLĐ trong doanh nghiệp.

Thứ ba, quan tâm đến đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp phụ trách công tác ATVSLĐ, thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng tuyên truyền, đối thoại và thương lượng tập thể.

Thứ tư, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, tìm các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; duy trì phát triển phong trào “Xanh-Sạch-Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” và các hoạt động quần chúng làm công tác ATVSLĐ, mạng lưới ATVSV.

Thứ năm, các cấp công đoàn thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác ATVSLĐ kịp thời, đầy đủ, đặc biệt là các báo cáo về tình hình tai nạn lao động để công đoàn cấp trên có thông tin và số liệu để tổng hợp, phục vụ cho việc phân tích nhận định, đánh giá tình hình, tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Thứ sáu, tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, xử lý nghiêm, kịp thời các doanh nghiệp vi phạm công tác ATVSLĐ
.
    

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây