LĐLĐ tỉnh: Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho CNLĐ

Thứ năm - 31/12/2020 02:57 943 0
Thực hiện Kế hoạch số 642/KH-UBND ngày 11/3/2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020 của tỉnh Quảng Trị gắn với triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho CNLĐ trong các doanh nghiệp đến năm 2020”, trong thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công nhân lao động (CNLĐ) với đa dạng về hình thức, nội dung thiết thực, hiệu quả gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoạt động công đoàn hàng năm.
z2001231912603 f2c925ae29185a1c9539b68ce76a606c
CNLĐ trong doanh nghiệp tìm hiểu kiến thức pháp luật tại Góc tuyên truyền bảo hộ lao động
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 3.772 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, quy mô gia đình), với khoảng 50 nghìn CNLĐ. Trong đó có 286 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, với 11.735 đoàn viên công đoàn.
Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho CNVCLĐ, nhất là CNLĐ trong các doanh nghiệp, giai đoạn 2013 – 2020, LĐLĐ tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 63 lớp tập huấn về các quy định của pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp công đoàn lồng ghép tổ chức 746 lớp tập huấn, tư vấn pháp luật lao động và các chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động cho trên 45.712 lượt người. Hỗ trợ và trang bị cho 05 CĐCS trong doanh nghiệp xây dựng 05 tủ sách pháp luật, phát hành 8.500 tờ rơi tuyên truyền, cấp phát 1.000 cuốn sổ tay pháp luật cho cán bộ CĐCS khu vực doanh nghiệp.
Công tác điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động đã được LĐLĐ tỉnh triển khai tại một số LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành và CĐCS trực thuộc. Qua khảo sát, có 82,1% CNLĐ được đào tạo nghề (đào tạo qua trường, lớp hoặc doanh nghiệp tự đào tạo); 85% CNLĐ tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống; 12% công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn; 19,9% CNLĐ chưa qua đào tạo nghề (chủ yếu là lao động nông thôn và học sinh mới tốt nghiệp phổ thông được các doanh nghiệp tuyển dụng làm các công việc đơn giản, có tính thời vụ), số CNLĐ này đang chọn giải pháp vừa làm, vừa học nghề  để lấy ngắn nuôi dài hy vọng tìm được công việc ổn định hơn. Bên cạnh đó, CNLĐ có trình độ học vấn cao thường được tập trung bố trí ở một số công việc đòi hỏi chuyên môn cao; tuy nhiên số lượng CNLĐ ở các bộ phận này không nhiều.
Do vậy, LĐLĐ tỉnh đã có nhiều giải pháp để hướng dẫn, chỉ đạo ký kết và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại, TƯLĐTT, hội nghị người lao động ở khu vực doanh nghiệp, đưa nội dung học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ vào nội dung nghị quyết hội nghị NLĐ; nội quy, quy chế của doanh nghiệp; với những nội dung như: Tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, tổ chức các lớp học tại doanh nghiệp cho CNLĐ. Theo báo cáo của các cấp công đoàn trong tỉnh, đến nay có 94% doanh nghiệp (có từ 10 lao động trở lên) có TƯLĐTT, trong đó 142/286 đơn vị (chiếm 49%) đã đưa nội dung nâng cao trình độ học vấn cho CNLĐ vào văn bản TƯLĐTT, tiêu biểu như: CĐCS Công ty TNHH Dệt May VTJ Toms, Công ty cổ phần Gạch Ngói Quảng Trị, Nhà máy May xuất khẩu Phong Phú, Công ty Cổ phần Tổng Công Ty Thương Mại Quảng Trị, Công ty CP Thiên Tân Quảng Trị.... Nhiều CĐCS đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thiết thực như: “Thưởng tăng năng suất”, “Thi bàn tay vàng”, tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh, tivi trong giờ ăn ca... LĐLĐ tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam mở lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp cho 200 giám đốc, nhân viên kinh doanh các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp với Phân viên Khoa học ATVSLĐ và BVMT Miền Trung tổ chức 4 lớp huấn luyện công tác ATVSLĐ cho gần 1.000 học viên là chủ doanh nghiệp và CNLĐ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ các công đoàn cơ sở triển khai, thực hiện chương trình vẫn còn thấp, chưa thu hút được đông đảo CNLĐ tham gia chương trình, chất lượng chưa cao, chưa bền vững... nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của một bộ phận cán bộ công đoàn và CNLĐ, người sử dụng lao động về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình còn hạn chế; công tác phối hợp giữa công đoàn với chính quyền, chuyên môn chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chức công đoàn, CNLĐ tham gia thực hiện chương trình; Nhà nước chưa có cơ chế, chế tài bắt buộc đối với người sử dụng lao động tham gia thực hiện chương trình, một bộ phận CNLĐ chưa quan tâm đến việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; thời gian làm việc của CNLĐ cùng với đời sống còn gặp nhiều khó khăn cũng là yếu tổ cản trở để CNLĐ tham gia thực hiện chương trình.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho CNLĐ trong các doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của tổ chức Công đoàn về nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, CNVCLĐ.. Phấn đấu  đưa tỷ lệ số đoàn viên, NLĐ nơi có tổ chức công đoàn được tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao; Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về nhiệm vụ nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ. Chỉ đạo các cấp công đoàn tham mưu với cấp ủy đảng, phối hợp với chính quyền (NSDLĐ) xây dựng chỉ tiêu cụ thể việc “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ” vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và quy định đây là một trong các tiêu chí để bình xét thi đua hàng năm; Tuyên truyền xây dựng tổ chức khuyến học, quỹ khuyến học trong các đơn vị, doanh nghiệp; Khen thưởng, động viên khích lệ kịp thời với CNVCLĐ và con CNVCLĐ có thành tích học tập tốt; xây dựng các mô hình gia đình học tập, đơn vị học tập trong CNVCLĐ và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Tăng cường công tác khảo sát, thống kê số liệu về thực trạng trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động; về nhu cầu đào tạo của CNLĐ để xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập bằng các hình thức phù hợp với điều kiện sống, làm việc; Gắn đào tạo với thực thi công vụ, với quá trình đổi mới công nghệ và phát triển sản xuất; Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào học tập, giảng dạy và chỉ đạo phong trào học tập nâng cao trình độ, phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi...

Tác giả bài viết: Hà Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây