Tăng cường vai trò của BHXH thông tuyến bảo hiểm y tế

Thứ sáu - 15/01/2021 03:15 923 0
Từ ngày 01/01/2021, người bệnh có bảo hiểm y tế không có giấy chuyển viện vẫn được khám, chữa bệnh, hưởng quyền lợi điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Để việc thực hiện chủ trương này được hiệu quả khi đi vào thực tế cuộc sống, ngành bảo hiểm xã hội đã có những giải pháp trong việc thực hiện tốt chủ trương thông tuyến bảo hiểm y tế. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Đài PTTH Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thao, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị.
img20210106085251 1
Thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế tạo thuận lợi cho nhiều người dân được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của mình 
Phóng viên: Xin ông cho biết cụ thể hơn về chủ trương thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh bảo hiểm xã hội (BHYT)?
Ông Thao: Tại khoản 6 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: Người tham gia BHYT khi tự đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng như đi KCB đúng tuyến kể từ ngày 01/01/2021. Cụ thể:
Trước thời điểm 01/01/2021, người có thẻ BHYT đi KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi KCB trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng.
Kể từ ngày 01/01/2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên phạm vi toàn quốc và được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng.
Chính sách này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác được KCB ở bệnh viện tuyến tỉnh mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên như trước đây.
Cần lưu ý, thông tuyến tỉnh không phải thông tuyến trung ương, thông tuyến tỉnh chỉ áp dụng cho nội trú, không phải được hưởng 100% chi phí mà hưởng 100% mức hưởng khi điều trị nội trú, không phải đi khám chữa bệnh tuyến tỉnh được hưởng 100% chi phí mà chỉ có những trường hợp quỹ bảo hiểm chi trả trong trường hợp điều trị nội trú, có nghĩa rằng, những người đi đến tuyến tỉnh khám chữa bệnh ngoại trú tự chi trả tất cả các chi phí về khám chữa bệnh.
Phóng viên: Thông tuyến KCB BHYT không còn mới lạ khi chúng ta đã thực hiện thông tuyến huyện trong KCB BHYT đã 5 năm nay, vậy khi thông tuyến tỉnh thì chúng ta sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Ông Thao: Thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta với mục đích mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT; mức hưởng khi điều trị nội trú được nâng lên; giúp người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất.
Bên cạnh đó, chính sách thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT cũng là động lực để các cơ sở KCB tiếp tục chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Từ 01/01/2016, chúng ta đã thực hiện thông tuyến huyện trong KCB BHYT, và sau 05 năm thì kể từ ngày 01/01/2021, chúng ta tiếp tục triển khai việc thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT.
Theo dự kiến, một trong những hệ lụy khi thông KCB BHYT tuyến tỉnh từ năm 2021 là tình trạng dồn quá nhiều bệnh nhân lên tuyến tỉnh. Do đó, người dân cần hiểu rõ quy định và giới hạn quyền lợi của mình, để tránh sự lãng phí không cần thiết cả về thời gian và tiền bạc. Bởi, kể cả trường hợp được chỉ định điều trị nội trú tại bệnh viện tỉnh, nếu số lượng bệnh nhân “quá tải” cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng KCB.
Tuy nhiên, để chính sách này thật sự phát huy hiệu quả, giúp người tham gia hiểu đúng về ý nghĩa thông tuyến tỉnh, BHXH tỉnh cùng ngành Y tế và các ngành liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để người tham gia BHYT hiểu rõ: Không phải trường hợp nào đến KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh cũng được quỹ BHYT thanh toán 100% mức hưởng, quỹ BHYT chỉ chi trả 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng cho các trường hợp người bệnh tự đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và có chỉ định điều trị nội trú. Điều này đồng nghĩa với việc: nếu người dân tự đi khám ngoại trú, sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.
Phóng viên: Ngành BHXH sẽ vào cuộc như thế nào trong việc góp phần giúp người dân tiếp cận tốt chính sách này và đưa chủ trương này vào cuộc sống một cách có hiệu quả?
Ông Thao: Để triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT, trong thời gian tới BHXH tỉnh sẽ chú trọng các giải pháp:
Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền và lợi ích khi tham gia BHYT, giúp người dân hiểu rõ về chính sách thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT; khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.

Đối với những trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến và được chỉ định điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trước ngày 01/01/2021, ra viện từ ngày 01/01/2021 trở đi, có xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ: Các chi phí KCB BHYT phát sinh từ ngày 01/01/2021 được quỹ BHYT chi trả theo quy định tại khoản 6 Điều 22 của Luật BHYT.
Bên cạnh đó, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh công tác giám định BHYT, giám sát chặt chẽ và có biện pháp phòng ngừa nếu phát hiện những trường hợp bệnh nhân nhẹ vẫn được chỉ định điều trị nội trú; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, tổ chức KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo tinh thần Chỉ thị số 25/CT-BYT của Bộ Y tế về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Phóng viên: Được biết, chúng ta đang triển khai ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID, vấn đề này sẽ được ứng dụng như thế nào trong việc thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT?
Ông Thao: VssID là ứng dụng công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội. Ứng dụng VssID hiện cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: Lịch sử khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội, mã bảo hiểm xã hội của mình.v.v.
Trong đó, có tiện tích quan trọng là tiện ích cài đặt thẻ bảo hiểm y tế trong máy điện thoại thông minh và tiện ích này khi người dân muốn đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế thì họ đưa các hình ảnh trong máy điện thoại thông minh về mã hoặc thẻ bảo hiểm y tế. Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm lấy mã số này đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người bệnh khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, sử dụng ứng dụng VssID, người dùng có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) của người sử dụng lao động (NSDLĐ), góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp.
Đồng thời, BHXH Việt Nam tiến tới tích hợp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng… nên muốn sử dụng ứng dụng, yêu cầu bắt buộc người dùng phải có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (được xác thực tương tự như khi đăng ký sử dụng tài khoản Internet banking với ngân hàng) là vì mục đích bảo vệ an toàn thông tin cá nhân của người dùng.
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng BHXH số này đến toàn thể đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn nhằm giúp cho việc KCB BHYT của người dân ngày càng được thuận tiện về thủ tục, quyền lợi được bảo đảm.
Quảng Trị là một trong 10 tỉnh thí điểm ứng dụng này. Chắc chắn, ứng dụng này sẽ thành công và trở thành thẻ BHYT điện tử thay cho thẻ BHYT giấy. Khi có VssID thì người dân dù thông tuyến hay không thông tuyến đều sử dụng thẻ này qua điện thoại thông minh được khám chữa bệnh ngay tại các cơ sở y tế./.

Tác giả bài viết: Nguyên Bảo (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây