Cán bộ, viên chức gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19

Thứ tư - 15/09/2021 03:05 3.485 0
Theo thông tin từ Sở Nội vụ, hiện nay tỉnh Quảng Trị có 51 đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính. Kể từ khi COVID-19 diễn ra, các đơn vị phải chịu những tổn thất nặng nề vì nguồn thu sụt giảm. Không đủ kinh phí hoạt động buộc phải cắt giảm ngày công, giờ làm hoặc nghỉ giãn việc nên tiền lương của cán bộ, viên chức giảm, khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
CC
Bến xe Đông Hà vắng vẻ do tình hình dịch bệnh phức tạp - Ảnh: H.N.K

“Chưa bao giờ chúng tôi gặp hoàn cảnh như hiện tại”...
 
Năm 2008, chị Hoàng Thị Dạ Huyền hiện sống tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ vào làm nhân viên thu phí tại Trung tâm Quản lý bến xe khách tỉnh, đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Sở Giao thông vận tải. Công việc này đem lại cho chị khoản thu nhập mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Đây không phải là số tiền lớn nhưng cũng tạm đủ để gia đình nhỏ của chị ổn định cuộc sống. Thế nhưng, gần 2 năm trở lại đây khi COVID-19 bùng phát và có diễn biến ngày càng phức tạp, hoạt động kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ Quảng Trị đi và đến các tỉnh buộc phải tạm dừng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Điều này khiến đời sống của gia đình chị Huyền cùng các viên chức đang làm việc tại trung tâm gặp rất nhiều khó khăn.
 
Chị Huyền chia sẻ: “Là lao động chính trong nhà nên từ trước đến nay, mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào khoản tiền lương ít ỏi của tôi. Nhưng do dịch bệnh kéo dài, chúng tôi phải thực hiện làm việc cách ngày, giảm ngày làm xuống chỉ còn 12 - 14 ngày/tháng, mức lương chỉ còn 1,5 - 2 triệu đồng. Nhiều đêm tôi lo lắng không ngủ được, lương thấp nhưng vẫn còn bao nhiêu thứ tiền cần phải lo, từ tiền học của hai đứa con lớn; tiền sữa, tã của đứa nhỏ cho đến các khoản chi phí khác. Chồng tôi cũng không thể phụ giúp gì vì không có việc làm do COVID-19, chỉ ở nhà trông con để tôi đi làm nên cuộc sống của gia đình gặp vô cùng khó khăn”.
 
Cũng giống như chị Huyền, anh Nguyễn Doãn Đức, hiện sống tại Phường 1, thành phố Đông Hà, một viên chức đã có 14 năm làm việc tại Trung tâm Quản lý bến xe khách tỉnh. Vợ chồng anh Đức hiện là lao động chính trong một gia đình có 3 thế hệ. Trước đây, khi bến xe còn hoạt động tấp nập, trung bình mỗi tháng anh làm việc khoảng 22 ngày với mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng. Thế nhưng do diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, một số tuyến xe khách bị tạm dừng buộc anh phải giảm ngày công xuống còn 9 - 10 ngày/tháng.
 
Khi được hỏi về khó khăn do dịch bệnh gây ra, anh Đức cho biết: “So với nhiều anh chị khác trong trung tâm, gia đình tôi vẫn còn rất may mắn bởi cả hai vợ chồng tôi đều là viên chức, tiền lương dù ít nhiều vẫn đủ để chăm lo cho cuộc sống của bố mẹ và 2 đứa con đang tuổi đến trường. Nếu dịch bệnh kéo dài, thời gian tới có lẽ còn khó khăn hơn. Nhưng chỉ cần cố gắng thì mọi chuyện sẽ ổn cả thôi”.
 
Còn đối với anh Phan Trọng Quang, hiện đang làm việc tại Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc thì khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là những tháng ngày anh không thể nào quên trong suốt 21 năm công tác của mình. Anh Quang bộc bạch: “Chưa bao giờ chúng tôi gặp hoàn cảnh như hiện tại. Năm 2020, do dịch bệnh, tôi chỉ đi làm và nhận được tiền lương của 6 tháng. Từ đầu năm 2021 đến nay, tôi đã phải nghỉ 4 tháng không lương vì không có khách đến tham quan, đơn vị không có nguồn thu. Để duy trì cuộc sống, tôi nuôi thêm gà, vịt và mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, các ngành để có thêm thu nhập ổn định cuộc sống gia đình”.
 
Chúng tôi được biết, không riêng gì anh Quang mà hầu hết các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại di tích cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Tuy là viên chức làm việc lâu năm tại đơn vị sự nghiệp nhưng do ảnh hưởng của COVID-19, cuộc sống của họ hiện giờ gặp rất nhiều khó khăn.
 
Nhiều hoạt động bị ngưng trệ, ảnh hưởng do dịch bệnh
 
Cũng như tình hình chung trên thế giới và trong nước, từ khi COVID-19 xảy ra, các đơn vị sự nghiệp có thu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phải chịu những tổn thất nặng nề. Khác với không khí tấp nập xe cộ lúc trước, giờ đây trên sân tập kết xe của Trung tâm Quản lý bến xe khách tỉnh chỉ còn lác đác vài chiếc xe ghé bến, xe gửi qua đêm.
 
Lý giải về điều này, Giám đốc Trần Thanh Tâm cho biết, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống COVID-19 nên các hoạt động kinh doanh vận tải phải tạm dừng. Lâu nay, doanh thu của trung tâm phụ thuộc vào việc quản lý các tuyến xe khách tại 7 bến xe trên địa bàn toàn tỉnh cũng như dịch vụ cho thuê sân, bãi giữ xe. Năm 2019, tổng doanh thu của trung tâm đạt 9,6 tỉ đồng nhưng đến tháng 8/2021 mới chỉ có 3,7 tỉ đồng. Không có các tuyến xe hoạt động, trung tâm không có nguồn thu, việc trả lương cho các viên chức vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng do đặc thù của công tác quản lý vận tải, trung tâm không thể đóng cửa hoàn toàn mà chỉ có thể giảm ngày làm, phân công các nhân viên trực luân phiên theo ca tại 7 bến và bến xe trung tâm. Trung tâm đã rất nỗ lực để đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ hỗ trợ cho toàn bộ cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nguồn thu của trung tâm đang cạn kiệt nên buộc sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị để chi trả lương tạm thời cho cán bộ, nhân viên. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, đơn vị phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trả lương cho cán bộ, công nhân viên.

Trước ảnh hưởng của COVID-19, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng phải chịu tổn thất không nhỏ. Hiện trung tâm có 73 người, trong đó 34 viên chức sự nghiệp, 3 hợp đồng lao động được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 41 người hưởng lương từ nguồn thu bán vé cho khách tham quan ở 3 điểm du lịch gồm: Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn và Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Từ khi COVID-19 bùng phát, lượng khách đến các điểm di tích lịch sử giảm mạnh. Để có thể ứng phó tạm thời, trung tâm buộc phải giãn cách thời gian làm việc, thực hiện làm việc xen kẽ, luân phiên đối với 41 người hưởng lương từ nguồn thu bán vé. Duy trì mỗi tháng chỉ làm việc từ 20 - 25 người.

Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Nguyễn Quang Chức cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh thu của đơn vị bị giảm đáng kể. Năm 2019, tổng doanh thu từ các địa điểm du lịch có thu phí là khoảng 4,1 tỉ đồng nhưng đến tháng 6/2021, mức doanh thu mới chỉ đạt 710 triệu đồng. Điều này khiến đơn vị không có tiền trả lương cho người lao động. Vì không có nguồn thu để chi trả lương và các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo lương cho viên chức, lao động hưởng lương theo nguồn thu đã dẫn tới việc phải tạm hoãn hợp đồng trong nhiều tháng liền. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động như một số nhiệm vụ triển khai chậm; công tác an ninh trật tự, bảo vệ bảo vệ cơ sở vật chất, tài sản công ở các di tích gặp khó khăn, đặc biệt là công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão. Ngoài ra, chúng tôi cũng lo ngại rằng, việc mất đi các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong giai đoạn tạm hoãn hợp đồng sẽ là nguyên nhân khiến một số viên chức được đào tạo bài bản, làm việc tốt, có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại đơn vị phải nghỉ thôi việc, tìm kiếm công việc khác là một sự lãng phí đáng kể về nhân lực đào tạo”.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Rõ ràng, nếu tình hình COVID-19 tiếp tục kéo dài càng gây ra vô vàn khó khăn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, trong đó có một lực lượng không nhỏ là cán bộ, viên chức ở các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính trên địa bàn tỉnh. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Hùng, khi đứng trước những khó khăn của một số đơn vị trong ngành, sở cũng đã nhiều lần họp bàn để tìm cách tháo gỡ nhưng chỉ ở góc độ quản lý nhà nước, trích quỹ công đoàn để hỗ trợ khó khăn trước mắt cho đoàn viên. Về nguyên tắc mà nói đây là những đơn vị sự nghiệp nhưng chẳng khác gì một doanh nghiệp. Các đơn vị này được tự chủ tài chính, tự thu, tự chi hằng năm và có trách nhiệm nộp ngân sách cho địa phương. Do vậy, đề nghị Sở Tài chính và UBND tỉnh có biện pháp tháo gỡ kịp thời cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính ngoài các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ như đã ban hành.

Trước những khó khăn của người lao động trong tỉnh, đặc biệt là đối tượng viên chức, người lao động tại các đơn vị sự nghiệp có thu, Công đoàn Viên chức tỉnh cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp hỗ trợ. Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Võ Thị Thương cho biết, đã rà soát, nắm được tình hình khó khăn tại các đơn vị trên địa bàn. Thực tế có không ít viên chức, lao động hiện nay mỗi tháng chỉ nhận 1,5 triệu đồng thì chắc chắn không thể đảm bảo được cuộc sống. Nhiều đơn vị cán bộ, nhân viên nghỉ không lương nên mất việc làm và không có thu nhập. Một số nơi như ở Trung tâm Quản lý bến xe khách tỉnh đã trích quỹ phát triển dự phòng hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên từ 2 tháng qua nhưng nay nguồn quỹ cũng đã hết và trong những tháng tới đơn vị chưa tìm ra nguồn tiền để trả lương cho cán bộ, nhân viên. Vì vậy, Công đoàn Viên chức tỉnh cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh, Sở Tài chính để cấp bổ sung lương. Do đó đã có một số đơn vị như Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh được cấp 300 triệu đồng để trả lương cho 41 lao động nghỉ việc không lương; Khách sạn Công đoàn được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ nên bình quân mỗi lao động nhận được khoản hỗ trợ từ 3,4 triệu đồng đến 4,7 triệu đồng.

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Tiếp theo là Quyết định số 23/2021/QĐTTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, trong đó giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc... Quyết định cũng hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương khi có đủ các điều kiện kèm theo…

Nhằm góp phần tạo thêm niềm tin, động lực và khả năng chống chịu của người lao động và doanh nghiệp với đại dịch, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương hướng dẫn hồ sơ cho các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu vay vốn đảm bảo đúng quy định. Đến nay, chi nhánh đã thực hiện giải ngân đối với 5 doanh nghiệp gồm Công ty CP đầu tư Giáo dục và Đào tạo ESI; Trường Tiểu học, THCS và THPT Trưng Vương; Chi nhánh Công ty CP tư vấn Miền Trung - Trường mầm non Tuổi Hồng; Trường mầm non Tuổi Hồng; Công ty TNHH MTV Tuệ Nhân Việt với tổng số tiền 926,650 triệu đồng để hỗ trợ trả lương cho 190 lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn hồ sơ vay vốn đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú..., doanh nghiệp gặp khó khăn trong hồ sơ theo quy định tại tiết g điểm 1 Điều 40 Quyết định số 23/2021/ QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ “hồ sơ đề nghị vay vốn phải có bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế”. Do đó, chi nhánh đã báo cáo UBND tỉnh và trực tiếp làm việc với Cục thuế tỉnh Quảng Trị. Vậy nhưng Cục thuế tỉnh Quảng Trị chỉ thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 sau khi đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên việc thanh tra, kiểm tra để có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế rất khó khăn và phải nằm trong kế hoạch của cơ quan thuế. Do vậy còn 3 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ nhưng chưa thể hoàn tất thủ tục hồ sơ nên chi nhánh chưa giải ngân vốn.

Để tháo gỡ những vướng mắc nói trên nhằm giải ngân vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết, đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo Cục thuế tỉnh trong thực hiện hồ sơ theo quy định tại tiết g điểm 1 Điều 40 Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở để chi nhánh cho vay. Đề nghị Cục thuế tỉnh kiến nghị với Tổng Cục thuế để có tháo gỡ và thống nhất triển khai thực hiện.

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế do COVID-19 nhưng tỉnh Quảng Trị cũng đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch và tập trung phát triển kinh tế. Đó là mục tiêu, chiến lược phát triển vĩ mô nhưng còn phải tùy vào từng lĩnh vực hoạt động, tùy đối tượng lao động để có những giải pháp mang tính đặc thù. Bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập cho cán bộ, viên chức trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp là rất nan giải đối với các đơn vị sử dụng lao động, cấp quản lý ngành và chính quyền tỉnh Quảng Trị. Một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là dành sự quan tâm hỗ trợ người lao động, đặc biệt là các đối tượng nghỉ việc không lương để họ có thêm điều kiện ổn định cuộc sống./.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây