Đồng chí Lê Duẩn với công tác xây dựng Đảng ở Quảng Trị

Chủ nhật - 19/03/2017 22:25 2.840 0
“Quảng Trị - vùng đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra đồng chí Lê Duẩn và chính đồng chí đã làm rạng danh truyền thống quê hương”. Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4(1907-2017), Website Công đoàn Quảng Trị trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị
Công viên Lê Duẩn tại thành phố Đông Hà. Ảnh: Thành Dũng
Công viên Lê Duẩn tại thành phố Đông Hà. Ảnh: Thành Dũng
Tuy thời gian trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở quê nhà không nhiều, nhưng đồng chí đã để lại những dấu ấn hết sức sâu đậm trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giai đoạn hòa bình xây dựng, kiến thiết quê hương.
Đặc biệt, đồng chí đã có những chỉ đạo rất sâu sát và cụ thể về công tác xây dựng Đảng - hạt nhân tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng để làm nên những thắng lợi oanh liệt trên quê hương Quảng Trị. Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dày dạn kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, đồng chí nhận thức sâu sắc rằng: Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, trực tiếp hay gián tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở tỉnh, điều đầu tiên đồng chí quan tâm là công tác xây dựng Đảng.
Thời kỳ 1936-1939, ngay từ khi mới ra tù trở về hoạt động ở Quảng Trị và sau đó là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Lê Duẩn luôn coi trọng nhiệm vụ khôi phục, củng cố các tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh. Đồng chí đi về các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh kiểm tra tình hình, đề xuất những ý kiến quan trọng về công tác giữ gìn bí mật và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc trong cán bộ, đảng viên.
Trong vai người buôn bán, đồng chí cùng đồng chí Hoàng Thị Ái lên vùng núi Ba Lòng vận động nhân dân tham gia các phong trào cách mạng vừa để xây dựng, phát triển và củng cố tổ chức. Từ những bước đi ban đầu này, đến cuộc kháng chiến chống Pháp, Ba Lòng trở thành chiến khu của tỉnh. Nhờ tập trung xây dựng Đảng nên cơ sở đảng được phục hồi ở nhiều nơi trong tỉnh. Sau khi tổ chức đảng được phục hồi, đồng chí triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Hội nghị làm việc trong ba ngày dưới sự chủ trì của đồng chí.
Đồng chí và các thành viên dự hội nghị thảo luận kỹ tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh, chỉ rõ nhiệm vụ củng cố, phát triển đảng, tổ chức đảng theo lối bí mật, bất hợp pháp; quyết định thành lập một số Huyện ủy và xây dựng các chi bộ đảng ở làng xã; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các tổ chức quần chúng theo hình thức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp. Hội nghị còn quyết định xuất bản tờ báo Tranh đấu, mỗi tháng ra 2 kỳ và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí, do đồng chí Hoàng Hữu Chấp làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đến cuối năm 1937, Huyện ủy Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đều được thành lập, toàn tỉnh có khoảng 100 đảng viên sinh hoạt trong 20 chi bộ đảng. Đến năm 1938, mặc dù bị địch đàn áp, khủng bố, phong trào đấu tranh vẫn duy trì rộng khắp ở các địa bàn trong tỉnh, số lượng đảng viên của Đảng bộ được tăng lên, toàn tỉnh có 20 chi bộ với 400 đảng viên. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Trung Kỳ thành lập được Tỉnh ủy chính thức.
Vừa củng cố tổ chức đảng đủ sức lãnh đạo phong trào, đồng chí vừa từng bước giáo dục, rèn luyện đảng viên thông qua truyền đạt đường lối, chủ trương của Quốc tế cộng sản và Trung ương Đảng, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tác phong công tác sâu sát, cụ thể để vận dụng một cách sáng tạo chủ trương mới của Đảng vào thực tế địa phương; rèn luyện bản lĩnh cách mạng, nhạy bén và bình tĩnh, sáng suốt trước thay đổi của tình thế.
Đồng chí đề ra nhiệm vụ cho mỗi đảng viên là phải làm công tác vận động quần chúng một cách khôn khéo, đưa quần chúng vào các tổ chức nhằm phát triển rộng khắp cơ sở đảng. Đồng chí đặc biệt chú trọng tập hợp tầng lớp thanh niên, giáo dục và đưa họ vào tổ chức và tham gia đấu tranh. Nhờ sự đào luyện của đồng chí, mỗi cán bộ, đảng viên Quảng Trị được trang bị tinh thần và phương pháp mới, hết sức vui mừng, phấn khởi tỏa về các địa bàn phát động quần chúng tham gia đấu tranh sôi nổi với phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp, vì vậy, phong trào cách mạng Quảng Trị thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) phát triển rất cao, gây nên tiếng vang lớn khắp các tỉnh Trung Kỳ và cả nước.
Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng ở địa phương trong đấu tranh giành và giữ chính quyền, đồng chí Lê Duẩn luôn nhấn mạnh công tác vận động quần chúng và đảm bảo nguyên tắc bí mật. Ngay trong thời kỳ hoạt động công khai (1936-1939), đồng chí Lê Duẩn đã chủ trương xây dựng lực lượng bí mật phòng khi bất trắc. Nhờ sự chỉ đạo tài tình, khôn khéo, sáng suốt của đồng chí, Quảng Trị không những giữ gìn được lực lượng mà còn cung cấp cho các tỉnh bạn và Trung ương nhiều cán bộ, đảng viên cốt cán, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung.
Những năm kháng chiến chống Pháp, mỗi lần ra Bắc, vào Nam, đồng chí đều nghỉ lại chiến khu Ba Lòng. Dừng chân ở quê nhà, đồng chí dường như quên hết mệt nhọc, tranh thủ thời gian trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến tranh nhân dân, về đấu tranh chống địch ở vùng tạm bị chiếm, về tổ chức và xây dựng lực lượng chính trị, công tác đảng của các tỉnh Nam Bộ và có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng để củng cố và phát triển phong trào kháng chiến ở Bình Trị Thiên nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Nói chuyện với cán bộ, đảng viên, đồng chí căn dặn phải rèn luyện ý thức giai cấp, xây dựng tình cảm giai cấp. Có ý thức giai cấp sâu sắc mới có lập trường cách mạng triệt để, có nhiệt tình công tác, biết yêu thương đồng bào, đồng chí. Trước cảnh đói nghèo, những áp bức bất công của xã hội; trước những bất hạnh của mỗi con người, một bộ phận nào đó mà người đảng viên vô cảm, không xúc động, không suy nghĩ, đó là biểu hiện của ý thức giai cấp kém, vì vậy, cần thực hiện “tình thương và lẽ phải”.
Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, trước sự đàn áp khốc liệt của Mỹ và chính quyền tay sai, lực lượng cách mạng Quảng Trị bị tổn thất nghiêm trọng. Tại hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tổ chức tại Hà Nội (10-1957), đồng chí Lê Duẩn đã đến thăm những người con của quê hương; trực tiếp truyền đạt Đề cương cách mạng miền Nam. Thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại của phong trào, phân tích kỹ tình hình và phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu mỗi đồng chí Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên phải về nơi mình am hiểu nhất để xây dựng cơ sở đảng.
Đồng chí dặn dò phải luôn luôn đảm bảo nguyên tắc bí mật, chú trọng chất lượng, đặc biệt phải luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đồng chí truyền kinh nghiệm vận động quần chúng cho toàn thể hội nghị. Được sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn - người lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con trung hiếu của quê hương, ngày đêm đau đáu với phong trào cách mạng tỉnh nhà, mỗi cán bộ, đảng viên của tỉnh đã xốc tới, không nề gian khổ hy sinh, thực hiện đúng lời căn dặn của đồng chí. Nhờ đó, từ chỗ chỉ còn vài chi bộ đảng vào cuối năm 1957 (riêng vùng đồng bằng), sau một năm, Quảng Trị đã có 28 chi bộ, 20 chi đoàn thanh niên, 117 thôn có cơ sở và 639 nòng cốt trung kiên. Vùng miền núi Hướng Hóa trở thành căn cứ địa vững chắc cho cả tỉnh, hành lang Bắc -Nam luôn thông suốt. Không chỉ Quảng Trị mà các tỉnh miền Nam cũng nhận được chi viện của miền Bắc ngày càng lớn.
Trên cơ sở đó, phong trào cách mạng Quảng Trị tiến kịp với toàn miền Nam, đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để lại những bản anh hùng ca bất tử trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Nước nhà thống nhất, giang sơn Tổ quốc nối liền một dải, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, mặc dù bận rộn với trăm ngàn công việc, đồng chí vẫn hướng về quê hương với bao trăn trở, lo lắng. Đồng chí dành thời gian về thăm quê nhiều lần, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng Đảng bộ địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trên quan điểm: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Vì vậy, muốn làm tròn những nhiệm vụ cách mạng hiện nay, điều mấu chốt vẫn là phải ra sức tăng cường sự lãnh đạo của Đảng”,  “Đảng cầm quyền có nghĩa là Đảng đã trở thành người lãnh đạo thực tế của toàn xã hội”; đồng chí đặt ra yêu cầu công tác xây dựng Đảng phải coi trọng cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức; kết hợp chặt chẽ ba mặt đó thành một thể thống nhất nhằm đảm bảo cho đường lối chính trị được xác định đúng đắn, được thấu suốt trong toàn Đảng và được thực hiện thắng lợi.
Suốt cuộc đời, đồng chí nung nấu hoài bão xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, kinh tế văn hóa phát triển; nhân dân có cuộc sống no đủ, giàu lòng yêu thương nhau với đạo lý “lao động, tình thương, lẽ phải” và đồng chí đã không ngừng phấn đấu, hy sinh để thực hiện cho được mong ước đó.
Phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên năm 1978, đồng chí nói: “Mục đích chiến đấu của Đảng ta nói cho cùng là đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc đó là gì? Có phải trước tiên là giành lại độc lập cho dân tộc và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Và sau đó là thực hiện ước mơ mọi người Việt Nam đều đủ ăn, đủ mặc, được học hành, có việc làm, có nhà ở; bữa ăn của gia đình ngày càng được cải thiện; trong làng, trong nước không còn áp bức, bóc lột, mọi thành viên của xã hội đều bình đẳng; tuổi thơ được dạy dỗ chu đáo, người già được chăm sóc ân cần, người cô quả, trẻ mồ côi được giúp đỡ, nuôi dưỡng. Lý tưởng của Đảng, đạo lý của cách mạng là như vậy, rất thiết thực, rất cụ thể, không có gì cao siêu, thần bí. Mục đích nói ra thì giản đơn, nhưng muốn làm được trọn vẹn thì phải trải qua nhiều chặng đường phấn đấu lâu dài”.
Đồng chí khẳng định đây là nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp nhưng vô cùng vinh quang của Đảng; do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ trách nhiệm to lớn trước nhân dân với tinh thần: “Sống, chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân là hạnh phúc to lớn nhất của người cộng sản”. Vì vậy, trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến đạo đức cách mạng của người cộng sản: “Trước đây, trong cách mạng dân tộc dân chủ, muốn đánh thắng quân thù, mỗi đảng viên trước hết phải là một cán bộ tuyên truyền, vận động quần chúng. Ngày nay, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, muốn xây dựng xã hội mới, mỗi đảng viên phải là một chiến sĩ tiến hành ba cuộc cách mạng, trước hết phải đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Sự nghiệp cách mạng tư tưởng, văn hóa nói chung có liên quan mật thiết đến việc rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong trong Đảng”.
Đồng chí yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải có tinh thần phục vụ nhân dân vô điều kiện và phải có tấm lòng ưu ái của người cộng sản. Để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, một mặt phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên tiến hành kiểm tra tư cách của cán bộ, đảng viên; đấu tranh khắc phục thái độ cửa quyền, hách dịch, ức hiếp quần chúng. Đồng chí căn dặn phải đưa vấn đề đấu tranh khắc phục và những sự hư hỏng, thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên vào nội dung sinh hoạt tư tưởng của các tổ chức đảng; thông qua tự phê bình và phê bình để giáo dục, giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng.
Bên cạnh đó, các cơ quan kiểm tra Đảng và Nhà nước phải phối hợp với nhau xem xét những vụ vi phạm xảy ra để xử lý kịp thời, đảm bảo cho hàng ngũ Đảng được trong sạch, đồng thời phát hiện cho ra bàn tay phá hoại của địch để trừng trị đích đáng. Đồng chí khẳng định: Quần chúng lúc nào cũng nhìn vào thực tế để rút ra kết luận. Nếu tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên giữ vững ý chí chiến đấu, một lòng một dạ tận tụy, hy sinh thì dù phải kinh qua khó khăn, gian khổ đến mấy, quần chúng nhân dân vẫn siết chặt đoàn kết, hăng hái phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Đồng chí căn dặn: Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay đòi hỏi tất cả cán bộ, đảng viên, những đồng chí đã hoạt động lâu năm cũng như những đồng chí mới gia nhập đội ngũ cách mạng, đều phải không ngừng nâng cao ý chí chiến đấu. Các đồng chí trẻ tuổi phải hăng hái vươn lên, noi gương những người đi trước, dũng cảm gánh vác trách nhiệm xây dựng xã hội tương lai. Các đồng chí tham gia cách mạng càng lâu thì càng phải khiêm tốn, nghiêm khắc đấu tranh tư tưởng với mình để chống bệnh công thần. Chớ lấy thành tích, công lao cá nhân để đòi hỏi đãi ngộ, thắc mắc những điều lặt vặt, thậm chí sinh ra thoái hóa. Càng già càng quan tâm, suy tính đến việc chung; đó là cái hay trong phong cách sống của người Việt Nam ta đời trước. Chúng ta nên học và làm theo phong cách đó. Hãy vì cái chung mà thu xếp cái riêng, đừng để cái riêng làm cản trở cách mạng. Bằng tất cả tình cảm sâu nặng với quê hương, đồng chí kêu gọi: “Tôi tha thiết mong rằng tất cả các đồng chí luôn luôn giữ vững và nêu cao nhiệt tình của người chiến sĩ cách mạng, của người đảng viên cộng sản”.
Thấy rõ khó khăn lớn nhất của Đảng bộ tỉnh trong những năm đầu sau chiến tranh trong công tác lãnh đạo của Đảng là tổ chức quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; đồng chí yêu cầu các cấp bộ đảng phải quán triệt sâu sắc đường lối phát triển kinh tế của Trung ương; đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương, lấy huyện làm đơn vị để tổ chức đời sống vật chất và văn hóa xã hội. Đây là việc làm hết sức mới mẻ nên không tránh khỏi khó khăn, lúng túng nhưng đồng chí động viên toàn Đảng bộ mạnh dạn thực hiện; trong quá trình đó vừa sáng tạo tìm tòi, vừa đúc rút kinh nghiệm bổ sung, điều chỉnh. (Còn nữa)

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây