Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với Đề cương Cách mạng miền Nam

Thứ ba - 21/03/2017 21:08 11.462 0

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 – 07/4/2017), Website Công đoàn Quảng Trị trân trọng giới thiệu tài liệu tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn: Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với Đề cương Cách mạng miền Nam.

 
* Hoàn cảnh ra đời Đề cương Cách mạng miền Nam
Tháng 5-1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta thắng lợi, hiệp định Giơnevơ được ký kết, trong đó có nội dung rất quan trọng: “Các bên tham gia hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; việc hiệp thương giữa hai miền bắt đầu từ ngày 20/7/1955 và tổng tuyển cử tiến hành vào tháng 7/1956; quyết định lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam”.
Trong khi ta coi hiệp định Giơnevơ là cơ sở pháp lý quốc tế để tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước thì đế quốc Mỹ ngang nhiên không chấp nhận các điều khoản của hiệp định, xúc tiến kế hoạch xâm nhập vào miền Nam thay thế thực dân Pháp, xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới, đốc thúc ngụy quân, ngụy quyền tay sai ra sức phá hoại hiệp định bằng mọi biện pháp với thủ đoạn tàn ác và thâm hiểm.
Sau khi gạt Pháp ra khỏi guồng máy cai trị và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới vào miền Nam, Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp chiến lược “tố cộng, diệt cộng” để đàn áp khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng miền Nam. Chúng coi “tố cộng, diệt cộng” là “quốc sách”. Với khẩu hiệu: “Giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chúng chủ trương tiêu diệt hết những người cộng sản, tiêu diệt cả tổ chức và tư tưởng cộng sản. Chúng đã huy động mọi lực lượng quân sự, an ninh, tình báo, thông tin tuyên truyền... tiến hành khủng bố, đàn áp toàn diện cả quân sự, chính trị, tâm lý, kinh tế… cực kỳ thâm độc, tàn bạo để triệt phá cách mạng, tàn sát những người yêu nước, khủng bố những người kháng chiến cũ mà chúng gọi là cộng sản hoặc phần tử cộng sản. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Trong lúc đó, Trung ương chưa chủ trương chuyển hướng đấu tranh, cán bộ, đảng viên và đồng bào ta ở miền Nam vẫn dùng hình thức đấu tranh chính trị không dám dùng vũ trang tự vệ. Cách mạng miền Nam bị đẩy vào bước khó khăn chưa từng thấy, trải qua một thời kỳ thoái trào tưởng chừng không gượng dậy nổi.
Trước tình hình đó, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (6/1956) đã khẳng định một hướng mới cho cách mạng miền Nam là: Đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ. Nghị quyết này đã qua điện đài truyền xuống Xứ ủy Nam Bộ và Liên Khu ủy V. Từ năm 1956 – 1957, hàng chục đơn vị vũ trang cách mạng ra đời ở Nam Bộ, nhiều đội trừ gian thành lập ở Liên Khu V.
Đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, từ mùa thu năm 1955 đến mùa thu năm 1956, ở Bến Tre và Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn, khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đã soạn thảo Đề cương Cách mạng miền Nam chuyển xuống các đảng bộ nghiên cứu và góp ý kiến. Đề cương Cách mạng miền Nam được phác thảo ở Bến Tre từ mùa khô năm 1955. Lúc đầu đưa ra thảo luận trong Hội nghị các Bí thư Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ, sau đó ở miền Đông Nam Bộ và cuối cùng ở Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ họp ở Phnôm-Pênh tháng 12/1956.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (thôn Hậu Kiên, Triệu Thành, Triệu Phong)
* Nội dung cơ bản của Đề cương cách mạng miền Nam
Bản đề cương gồm 5 phần:
Phần I: Ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay
Ba nhiệm vụ đó là: Củng cố thật vững chắc miền Bắc; Đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam; Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên thế giới.
Phần II: Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam
Phong trào cách mạng miền Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng cả nước. Đẩy mạnh cách mạng miền Nam là thực hiện một trong ba nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước. Cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam và công cuộc cách mạng ở miền Bắc cùng nhằm mục đích chung là giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.
Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân.
Để làm tròn nhiệm vụ lịch sử đó, cần nhận rõ đối tượng của cách mạng miền Nam và bản chất của chính quyền độc tài phát xít Ngô Đình Diệm.
Phần III: Yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam
Hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ là nguyện vọng của nhân dân ta. Tự do, dân chủ là yêu cầu bức thiết để bảo đảm tính mệnh, tài sản, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở miền Nam. Công ăn việc làm, tiền lương đủ sống cho thợ thuyền; giảm tô, giảm thuế, không được cướp lại ruộng đất của dân cày; bảo vệ và mở mang công thương nghiệp dân tộc; hạ giá sinh hoạt, cải thiện đời sống; đó là đòi hỏi bức thiết của các tầng lớp nhân dân ở miền Nam
Phần IV: Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam
Trên cơ sở nhận rõ đối tượng, mục đích, yêu cầu của cách mạng miền Nam, cần định ra đường lối, phương pháp đấu tranh thích hợp để phát triển lực lượng, đẩy mạnh phong trào, đưa sự nghiệp cách mạng từng bước đi lên.
Phần V: Bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam.
Đề cương nêu ra những bài học chủ yếu của Cách mạng Tháng Tám để vũ trang lý luận cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên bước đường sắp tới: phải có lực lượng bên trong thì mới nắm được thời cơ từ bên ngoài đưa lại; phải có một Đảng cách mạng, trung thành với chủ nghĩa Mac - Lê nin, đứng vững trên lập trường giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thì cách mạng mới thành công; phải xây dựng khối liên minh công nông vững chắc; xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất...
Để xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất, cần thực hiện các mặt công tác quan trọng:
Một là xây dựng khối liên minh công nông chặt chẽ, vững mạnh.
Hai là khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức, lôi cuốn họ tham gia phong trào dân tộc, dân chủ.
Ba là bồi dưỡng, nâng cao ý thức chính trị và phát triển phong trào đấu tranh của các tầng lớp công thương nghiệp dân tộc.
Bốn là tăng cường đoàn kết với các tôn giáo.
Năm là đi sâu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc anh em trong mặt trận dân tộc thống nhất.
Sáu là phát huy năng lực to lớn của thanh niên và phụ nữ. Khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch để làm suy yếu và cô lập chúng, tăng thêm lực lượng của cách mạng
*Ý nghĩa của Đề cương
Đề cương Cách mạng miền Nam là một văn kiện quan trọng có ý nghĩa thiết thực về thực tiễn đối với cách mạng miền Nam và có giá trị lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta. Đề cương ra đời đã góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào Đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà “Đề cương cách mạng miền Nam” nêu lên là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.
Theo tinh thần của Đề cương Cách mạng miền Nam, các Đảng bộ miền Nam có ý thức chuẩn bị cuộc nổi dậy, trong khi chờ đợi chủ trương chính thức của Trung ương. Vì lẽ đó, Đề cương Cách mạng miền Nam đã góp phần tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cao trào đồng khởi năm 1960 ở miền Nam sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1-1959).

Tác giả bài viết: TGCĐ (st)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây