Kết quả giải quyết sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế

Thứ ba - 09/05/2017 21:08 4.348 0
Sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế xảy ra vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là đối với 4 tỉnh miền Trung. Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết, khắc phục hậu quả. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là các bộ, ngành, địa phương liên quan trực tiếp, công tác giải quyết, khắc phục sự cố môi trường đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trên các mặt sau đây.
Cảng cá miền Trung sau sự cố môi trường biển (Ảnh minh họa)
Cảng cá miền Trung sau sự cố môi trường biển (Ảnh minh họa)
1. Kết quả điều tra, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm do sự cố môi trường gây ra và công bố các vùng biển an toàn, hải sản an toàn
a) Về đánh giá chất lượng môi trường biển
Trong các ngày 22/8/2016 và 20/9/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả quan trắc, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Kết quả đánh giá cho thấy: chất lượng môi trường nước biển,hầu hết các thông số nằm trong giới hạn cho phép, chỉ còn một số khu vực thuộc vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên Huế có giá trị thông số sắt ở tầng đáy vượt ngưỡng cho phép của QCVN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia); chất lượng trầm tích biển đã nằm trong giới hạn quy định; về đánh giá màng bám hệ keo sắt hấp phụ các độc tố Phenol, Xyanua, ...vẫn còn hiện tượng lớp màng màu vàng dưới đáy biển, tuy nhiên lớp màng bám này đã giảm nhiều so với thời điểm tháng 4 và tháng 5/2016, hàm lượng Phenol trong màng bám hệ keo sắt cũng đã giảm mạnh; các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản đã có dấu hiệu phục hồi. Từ tháng 9/2016 đến nay, kết quả quan trắc chất lượng nước biển do Sở tài nguyên và môi trường 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế thực hiện tại 19 bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh với tần suất 2 tuần/lần cho thấy chất lượng nước biển tại các vị trí nêu trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
b) Về đánh giá chất lượng hải sản
Ngày 20/9/2016, Bộ Y tế đã công bố báo cáo về kết quả đánh giá chất lượng hải sản. Theo đó, các chỉ số Xyanua, Thủy Ngân, Cadimi, Chì, Crom, Asen và Sắt đều nằm trong giới hạn cho phép; riêng đối với hơn 100 mẫu hải sản ở tầng đáy vẫn phát hiện có Phenol. Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế khuyến nghị người dân không sử dụng các loại hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý. Hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan liên quan và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm 4 tỉnh miền Trung tiếp tục giám sát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm hải sản.
c) Về đánh giá khu vực nuôi trồng thủy sản an toàn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản và diêm dân tham gia sản xuất muối; khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại một số khu vực bị ảnh hưởng và chưa khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cho đến khi có thông báo tiếp theo.
d) Về tiêu hủy hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển gây ra
Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, 4 tỉnh đã tiêu hủy tổng số là 1.103,7 tấn hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm (Hà Tĩnh: 306 tấn; Quảng Bình: 639,3 tấn; Quảng Trị: 138,6 tấn; Thừa Thiên Huế: 19,8 tấn). Hiện nay, hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm còn lại chưa tiêu hủy tại tỉnh Quảng Trị: 21,05 tấn.
Ngoài hải sản đông lạnh lưu kho đã được lấy mẫu, kiểm nghiệm như trên, hiện nay tại các địa phương còn lưu kho số lượng lớn các sản phẩm hải sản đông lạnh, hải sản đã qua chế biến như: sứa, nước mắm, mắm hải sản, hải sản tẩm ướp chưa tiêu thụ được, trong đó có nhiều lô hàng có dấu hiệu hư hỏng, không sử dụng làm thức ăn cho người, chưa tiêu thụ được.
2. Xử phạt vi phạm hành chính và giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (sau đây gọi tắt là Formosa)
a) Về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả
Ngày 30/8/2016, Formosa đã hoàn thành thực hiện chuyển tiền bồi thường cho Việt Nam với tổng số tiền là 500.000.000 đô la Mỹ theo đúng cam kết. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Formosa số tiền phạt là 4.485.000.000 đồng và buộc  Formosa phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật. Đến nay, Formosa đã nộp phạt và khắc phục cơ bản các lỗi sai phạm hành chính, nhưng còn 1 lỗi về chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô (đây là lỗi đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường) dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2019; còn 2 lỗi Formosa đã lập hồ sơ nhưng chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và chưa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
b) Về giám sát hoạt động xả thải của Formosa
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng kỹ thuật, Tổ giám sát và ban hành kế hoạch, lộ trình khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường và kế hoạch giám sát môi trường của Formosa; đưa 2 Trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát trực tiếp hoạt động xả thải của Formosa trong 3 năm kể từ ngày 22/7/2016.
Kết quả kiểm tra, giám sát đến nay cho thấy:
- 12/22 hạng mục công trình của Formosa đã hoàn thành, đủ điều kiện để đưa vào vận hành chính thức. 06/22 hạng mục công trình vẫn đang vận hành thử nghiệm, còn lại 04/22 hạng mục chưa vận hành.
Riêng ống xả thải ngầm, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, ngày 24/4/2017, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Formosa phải dỡ bỏ, không xả thải ngầm, để cơ quan chức năng theo dõi, giám sát.
- Về nước thải của Formosa từ ngày 27/7/2016 đến nay đều đạt QCVN.
- Về khí thải: các thông số đo đạc và phân tích mẫu trong khí thải của Formosa cơ bản đều đạt quy chuẩn cho phép. Riêng 3 lần đo trong các ngày 27 đến 29/11/2016 có thông số NOx trong ống khói Xưởng luyện cốc 1 vượt từ 1,4 đến 1,5 lần (tuy nhiên, kết quả đo đạc bằng thiết bị quan trắc tự động, liên tục khí thải thì lại đạt quy chuẩn cho phép). Formosa đã khắc phục ngay sự cố này.
- Về chất thải rắn: Từ ngày 16 đến 18/11/2016, Formosa đã thực hiện phân định 09 mẫu chất thải rắn phát sinh để quản lý. Chất thải rắn đã được Formosa kiểm soát, quản lý, chuyển giao cho các cơ sở có chức năng xử lý theo đúng quy định.
- Về môi trường xung quanh: Kết quả phân tích chất lượng nước, trầm tích đáy và thủy sinh vật biển ven bờ khu vực hoạt động của Formosa cơ bản đạt quy chuẩn cho phép.
Riêng kết quả phân tích chất lượng nước ngầm lấy ở 5 vị trí bên trong và 5 vị trí bên ngoài Formosa cho thấy nước ngầm có hiện tượng ô nhiễm một số thông số, gồm: chỉ số Pecmanganat, Amonia, Cl-, F-, Cd, Pb, Mn và Fe.
3. Xử lý vụ chôn lấp chất thải của Formosa
Về việc chôn lấp chất thải của Formosa tại trang trại của Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Công ty Kỳ Anh) và một số địa điểm khác: sau khi kiểm tra, xác minh và tiến hành giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định lượng bùn thải được Formosa chuyển giao cho Công ty Kỳ Anh trong thời gian từ ngày 31/5/2016 đến ngày 10/7/2016 là 276,19 tấn. Đồng thời, Bộ đã tổ chức lấy, phân tích các mẫu chất thải và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh giám sát việc đào, thu gom, đóng gói, vận chuyển toàn bộ chất thải đã chôn lấp trái phép đưa về lưu giữ tại cơ sở xử lý chất thải theo quy định. Căn cứ kết quả phân tích cho thấy Formosa đã có các hành vi vi phạm hành chính sau: (1) Không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý theo quy định; (2) Chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Đối với Công ty Kỳ Anh, bên cạnh các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đã xác định được, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện việc chôn lấp trái phép chất thải nguy hại của Công ty Kỳ Anh có dấu hiệu vi phạm hình sự. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển hồ sơ vụ việc để Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định trong quản lý, xử lý chất thải nguy hại tại thị xã Kỳ Anh và đang tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
4. Kết quả thực hiện các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất, kinh tế, xã hội của 4 tỉnh miền Trung
a. Thực hiện chính sách hỗ trợ, chi trả tiền bồi thường
- Bên cạnh việc hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân tại 4 tỉnh theo Quyết định số 722/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 và Quyết định số 1138/QĐ-TTg ngày 25/6/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 về việc định mức bồi thường thiệt hại cho 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tại 4 tỉnh miền Trung từ nguồn kinh phí do Formosa bồi thường, Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 1 và Khoản 1, Điều 2 Quyết định số 1880/QĐ-TTg.
- Theo báo cáo của Bộ Tài chính ngày 21/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển tạm ứng số tiền bồi thường 3 đợt cho 4 tỉnh là 5.500 tỷ đồng.
Theo đó, kinh phí Bộ Tài chính đã cấp là: Đợt 1 với số tiền 3.000 tỷ (Hà Tĩnh: 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình: 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị: 500 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế: 400 tỷ đồng); đợt 2 với số tiền 1.590 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 560 tỷ đồng, Quảng Bình: 760 tỷ đồng, Quảng Trị: 70 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế: 200 tỷ đồng); và đợt 3 với số tiền 600 tỷ đồng (Quảng Bình: 500 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế: 80 tỷ đồng, Quảng Trị: 20 tỷ).
Như vậy, tổng số tiền Bộ Tài chính đã cấp cho các địa phương 3 đợt là 5.190/5.500 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 1.560/1590 tỷ đồng, Quảng Bình: 2.360/2.360 tỷ đồng, Quảng Trị: 590/870 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế: 680/680 tỷ đồng).
- 4 tỉnh đã phê duyệt giá trị kinh phí bồi thường thiệt hại là 4.685,6 tỷ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh: 1.091,5 tỷ đồng; Quảng Bình: 2.328,7 tỷ đồng; Quảng Trị: 587 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế: 678,4 tỷ đồng.
- Tính đến ngày 21/4/2017, 4 tỉnh đã giải ngân được 4.161,1/5.190 tỷ đồng đạt 80,02%: Hà Tĩnh: 1.138,9/1.590 tỷ đồng đạt 71,63%; Quảng Bình: 1.982,7/2.360 tỷ đồng đạt 84,01%; Quảng Trị: 513,7/590 tỷ đồng đạt 87,07%; Thừa Thiên Huế: 525,8/680 tỷ đồng đạt 77,33%.
b. Tình hình ổn định và khôi phục sản xuất
- Đến nay, hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống người dân tại 4 tỉnh đã cơ bản ổn định. Nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại cá, ruốc… xuất hiện trở lại. Người dân tích cực bám biển, từng bước chuyển đổi khai thác tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ đạt tỷ lệ 70-80%; tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt 85-90%.
Sản lượng khai thác hải sản quý I/2017 đạt 25.386 tấn giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2016 (Hà Tĩnh: 5.689 tấn, giảm 22,6%; Quảng Bình: 8.975 tấn, giảm 1,8%; Quảng Trị: 4.300 tấn, tăng 3,6%; Thừa Thiên Huế: 6.422 tấn, giảm 14,7%).
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tương đương cùng kỳ năm 2016. Tổng sản lượng nuôi của 04 tỉnh trong quý I/2017 là 6.279 tấn, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2016 (Hà Tĩnh: 2.475 tấn giảm 8,8%; Quảng Bình: 1.447 tấn, giảm 4%; Quảng Trị: 1.480 tấn tăng 19%; Thừa Thiên Huế: 877 tấn tăng 6,3%).
- Về kinh doanh thủy sản: Hoạt động kinh doanh buôn bán, bản lẻ thủy sản đã hoạt động trở lại. Người tiêu dùng đã tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển nhất là các sản phẩm hải sản mới đánh bắt. Các địa phương đang tích cực tiêu thụ hải sản lưu kho bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biển thủy sản vẫn còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu vốn trong quá trình sản xuất, tâm lý lo ngại của người tiêu dùng…
- Về sản xuất muối: Hiện nay chưa đến mùa vụ sản xuất muối, song các địa phương và diêm dân đang tích cực chuẩn bị cho sản xuất muối vụ hè năm 2017.
- Về du lịch: Các tỉnh đã tập trung đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết, xúc tiến du lịch, cải thiện, nâng cấp cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, do chưa vào mùa du lịch,  nên quý I/2017, số lượng khách du lịch các tỉnh miền Trung chưa nhiều.
5. Việc kiểm điểm trách nhiệm và các giải pháp khắc phục yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
- Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức giáng chức, bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Đảng ủy và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã thi hành kỷ luật hai Trưởng phòng, một Phó Trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo, đồng thời, bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc.
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ TNMT; cách chức Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 đối với ông Hồ Anh Tuấn. Đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cá nhân liên quan, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nghiêm túc xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.
- Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016; kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Bùi Cách Tuyến, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Nguyễn Thái Lai,  nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định).
Ban Bí thư yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thi hành kỷ luật về hành chính tương ứng theo quy định đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ông Nguyễn Minh Quang, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai và Võ Kim Cự.
6. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội
- Việc các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân, thủ phạm, buộc đối tượng gây ra sự cố phải bồi thường thiệt hại và khắc phục triệt để các tồn tại, vi phạm, đồng thời đã tích cực triển khai bồi thường thiệt hại, bảo đảm công khai, minh bạch, được đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành công bố biển miền Trung đã an toàn, nhiều ngư dân đã phấn khởi, quay trở lại ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng gia tăng số lượng đơn thư kiến nghị của người dân không thuộc diện đối tượng bị thiệt hại trực tiếp được bồi thường theo quy định.
- Nhiều đối tượng cơ hội chính trị, phản động, chức sắc tôn giáo cực đoan lợi dụng sự cố môi trường biển, gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, phát tán tài liệu xấu, kích động nhân dân khiếu kiện, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh... Các cơ quan chức năng và địa phương đã tích cực nắm tình hình, vận động nhân dân, ngăn chặn các đối tượng quá khích, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xử lý các đối tượng gây rối vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ việc, tình huống phức tạp.
7. Chủ trương và giải pháp tiếp tục triển khai khắc phục sự cố môi trường biển
Để tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan trực tiếp cần thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ: Rà soát, đánh giá đầy đủ các tác động, ảnh hưởng và hậu quả của sự cố môi trường biển; Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đền bù, rà soát bảo đảm đúng đối tượng, dân chủ, công khai, minh bạch, kết hợp với chính sách hỗ trợ ổn định, phát triển sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho nhân dân bị thiệt hại; Giám sát chặt chẽ, thường xuyên, lâu dài việc khắc phục các lỗi vi phạm của Formosa đã cam kết và thực hiện quy định, quy chuẩn về môi trường trong suốt thời gian vận hành dự án, nếu vi phạm thì xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật; Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
(1). Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, nhất là 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, chủ động nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tâm lý, tư tưởng của nhân dân để có biện pháp giải quyết tại chỗ, không để phát sinh các điểm nóng; phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp với nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý, khắc phục hậu quả môi trường biển do Formosa gây ra; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vụ việc này để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước ta; vận động nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để sớm ổn định đời sống, sản xuất và phát triển; không nghe, không tin kẻ xấu kích động tập trung đông người, tuần hành biểu tình gây mất trật tự an toàn xã hội.
(2). Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương tiến hành xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về môi trường các tỉnh miền Trung; giám sát chặt chẽ và thường xuyên việc thực hiện các cam kết của Formosa, đặc biệt là việc chuyển đổi công nghệ từ dập cốc ướt sang dập cốc khô trong thời gian 03 năm; giám sát chặt chẽ việc xả thải của Formosa, yêu cầu Formosa không xả thải trực tiếp ra biển, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(3). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”; thực hiện Dự án "Phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và các hệ sinh thái là nơi cư trú của các giống loài thuỷ sản”.
(4). Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, hướng dẫn các địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục chi trả bồi thường cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
(5). Bộ Y tế tiếp tục thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung, công bố kịp thời cho nhân dân biết để bảo đảm an toàn trong sử dụng, tiêu dùng.
(6). Bộ Công thương đề xuất giải pháp hỗ trợ đối với ngư dân có nhu cầu mua sắm tàu, phương tiện, ngư cụ, dịch vụ thu mua...; tiêu thụ thuỷ sản khai thác của 4 tỉnh; bảo vệ, duy trì thương hiệu, uy tín của thuỷ sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Chủ trì đánh giá công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô của Formosa; rà soát thiết kế cơ sở của Tổ hợp gang thép; trường hợp cần thiết có thể thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để thẩm tra, rà soát thiết kế cơ sở nêu trên.
(7). Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái chế, tái sử dụng tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao làm vật liệu xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các loại chất thải này của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam nói chung cũng như của Formosa nói riêng.
(8). Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương về công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tập trung nêu bật những kết quả đạt được trong việc khắc phục hậu quả xảy ra, việc chi trả bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, việc hỗ trợ người dân sinh kế, chuyển đổi nghề …bảo đảm đúng định hướng và đạt kết quả tốt.
(9). Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của Formosa, bảo đảm toàn bộ Dự án, từng hạng mục chỉ được vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức khi đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như đã cam kết và theo đúng quy định của pháp luật.
(10). Cấp ủy, chính quyền các địa phương, bộ, ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường; tăng cường biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, ứng phó với sự cố môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; triển khai rà soát báo cáo đánh giác tác động môi trường của các dự án đã được đầu tư, tập trung vào các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
 BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây