Một số bài viết của Bác về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam

Thứ hai - 08/09/2014 05:25 7.615 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô giá, đó là hệ thống các quan điểm, tư tưởng của Người trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, ngoại giao... Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân (GCCN) và tổ chức Công đoàn Việt Nam được hình thành trong quá trình đi tìm đường cứu nước, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và ngày càng được khẳng định trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh(2/9/1969-2/9/2014), Ban Biên tập trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trích một số bài viết của Bác về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam (trích từ tài liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam” -Nhà xuất bản Lao động). Trân trong giới thiệu cùng bạn đọc.
Bác Hồ nói chuyện với công nhân ngành đường sắt
Bác Hồ nói chuyện với công nhân ngành đường sắt
CÁCH TỔ CHỨC CÔNG HỘI
Tác phẩm Đường Cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, do Bộ tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927
1. Tổ chức công hội làm gì?
Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới.
Đi lại không phải là bữa này người A có giỗ chạp thì người B tới ăn; mai người B có cúng quảy lại mời người C tới uống rượu. Nhưng đi lại để bày vẽ cho nhau điều khôn lẽ phải, để giao hoán trí thức cho nhau.
Nghiên cứu chẳng những là giở sách vở, giở báo ra giảng; nhưng phải bàn bạc cách phấn đấu với tư bản và đế quốc chủ nghĩa.
Sửa sang cách sinh hoạt như lập hiệp tác xã, mở hội học, hội chơi cho công nhân, vân vân.
Giữ gìn lợi quyền là khi hội đã có thế lực rồi, thì đòi thêm tiền công, bớt giờ làm, vân vân.
Giúp cho quốc dân và thế giới là đem lực lượng thợ thuyền cách mệnh làm cho ai cũng được bình đẳng tự do như thợ thuyền Nga đã làm từ năm 1917.
2. Cách tổ chức công hội thế nào?
- Tổ chức có hai cách, cách nghề nghiệp và cách sản nghiệp.
- Nghề nghiệp là ai làm nghề gì thì vào hội nghề ấy. Như thợ may vào hội may, thợ rèn vào hội rèn.
- Sản nghiệp là bất kỳ nghề gì, hễ làm một chỗ thì vào một hội. Như việc xe lửa, người đốt than, người sơn xe, người phát vé, người coi đường, người cầm máy; tất cả nhập vào một công hội xe lửa.
- Tổ chức theo cách sản nghiệp thì mạnh hơn, vì thống nhất hơn. Thí dụ khi xe lửa muốn bãi công, nếu hội là sản nghiệp thì hội viên đều phải bãi công hết, thì tư bản sợ hơn. Nếu hội là nghề nghiệp, thì có khi người đốt lửa bãi công mà người cầm máy không, hoặc người phát vé bãi công mà người làm ga không, thế thì sức bãi công yếu đi.
3. Một người công nhân có thể vào hai hội không?
Không. Nếu hội ấy là nghề nghiệp, thì chỉ những người đồng nghề nghiệp được vào; ai đã vào hội sản nghiệp rồi thì không được vào hội nghề nghiệp nữa. Thí dụ: xe lửa đã tổ chức theo sản nghiệp, mấy người thợ việc đã vào hội ấy rồi. Trong xứ ấy lại có một hội thợ mộc khác, những người thợ mộc trong hội xe lửa  không được vào.
Trong một nghề hoặc một sản nghiệp cũng không được lập hai hội.
Nhưng mà một công hội có phép vào hai tổng công hội. Thí dụ: Hội xe lửa Hà Nội đã vào Tổng công hội xe lửa An Nam lại vào tổng công hội ta nào.
Nói tóm lại là đoàn thể thì có phép vào nhiều tổng công hội mà từng người thì chỉ được vào một hội mà thôi. Nếu giới hạn này không nghiêm thì sau hay bối rối.
4. Công hội với chính đảng khác nhau thế nào?
Công hội chú trọng mặt kinh tế hơn. Đảng chú trọng mặt chính trị hơn. Ai là thợ thuyền thì được vào hội, dù tin Phật, tin đạo, tin cộng sản, tin vô chính phủ, tin gì cũng mặc, miễn là theo đúng quy tắc hội là được.
Đảng thì bất kỳ người ấy làm nghề gì, thợ thuyền hay là dân cày, học sinh hay là người buôn, miễn là người ấy tin theo chủ nghĩa đảng, phục tùng phép luật đảng  thì được vào.
Ai vào cả đảng và hội, chính trị thì theo đảng chỉ huy, mà kinh tế thì theo công hội chỉ huy. Đảng viên ai cũng phải vào hội để mà tuyên truyền chủ nghĩa của đảng. Nhưng không phải hội viên nào cũng vào được đảng.
5. Cái gì là hệ thống của công hội?
Hệ thống là cách tổ chức ngang hay là dọc.
Ngang là như trong một tỉnh có hội thợ rèn, hội thợ may, hội thợ mộc, hội thợ nề, vân vân, tất cả các hội tổ chức thành tỉnh tổng công hội; hội nào cũng bình đẳng, bằng ngang nhau.
Dọc là như mỗi huyện có một hội thợ may, 4, 5 hội huyện tổ chức một hội thợ may tuyền tỉnh, tất cả hội thợ may trong mấy tỉnh tổ chức một hội thợ may cả nước. Ấy là dọc, nghĩa là từ dưới lên trên.
          Đã ngang lại dọc, thế thì theo mệnh lịnh tổng công hội ngang hay là tổng công hội dọc? Nếu quan hệ về sản nghiệp thì theo mệnh lịnh dọc. Nếu quan hệ về địa phương thì theo mệnh lịnh ngang.
6. Muốn hội vững bền thì phải tránh những việc gì?
Đã vào công hội thì:
1. Nên bỏ giới hạn xứ sở, nghĩa là chớ phân biệt người này là Trung Kỳ, người kia là Nam Kỳ, người nọ là Bắc Kỳ. Và cũng không nên chia ra người An Nam, người Tàu hay là người nước nào. Đã một nghề, một hội tức là anh em cả, phải xem nhau như người một nhà.
2. Đàn ông, đàn bà đều phải bình đẳng.
3. Chớ có bỉ thử  mình khéo hơn, lương cao hơn, mà khinh người vụng và ăn tiền ít.
4. Chớ cậy mình là nhiều tuổi mà muốn làm đàn anh.
5. Chớ cho bọn tư bản vào hội.
7. Phải tổ chức thế nào cho kiên cố?
Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa, cho nên tổ chức phải nghiêm nhặt, chỉ huy phải mau mắn, làm việc phải kín đáo. Muốn được như thế thì phải tổ chức như quân đội; Quân lính thì có đội ngũ;Thợ thuyền phải có tiểu tổ, chi bộ.
Thí dụ: Trong tỉnh có 5 nhà máy dệt vải, mỗi nhà máy phải có một chi bộ. Trong mỗi chi bộ lại chia làm mấy tiểu tổ; mỗi chi bộ phải cử 3 hoặc 5 người làm uỷ viên; (phần nhiều nên cử những người làm trong lò đã lâu, thuộc tình hình nhiều) mỗi tiểu tổ phải cử tổ trưởng. Mỗi tiểu tổ không được quá 10 người.
Tiểu tổ theo mệnh lịnh chi bộ, chi bộ theo tỉnh hội, tỉnh hội theo quốc hội. Có thứ tự như thế thì trong hội có mấy mươi vạn người chỉ huy cũng dễ, và hành động cũng nhất trí.
8. Tiểu tổ làm những việc gì?
Cây có nhiều rễ mới vững, hội có nhiều tiểu tổ mới bền. Tiểu tổ phải:
1. Huấn luyện và phê bình anh em;
2. Thi hành những việc hội đã định;
3. Bàn bạc việc hội;
4. Điều tra tình hình trong lò máy;
5. Đề nghị những việc hội nên làm;
6. Thu hội phí;
7. Báo cáo những việc làm cho chi bộ, để chi bộ báo cáo cho tỉnh bộ, vân vân.
Chi bộ nhiều người khó khai hội, khó xem xét. Tiểu tổ ít người, làm gần nhau, quen biết nhau, cho nên xem xét, huấn luyện, làm việc và khai hội dễ bí mật hơn và mau mắn hơn. Tiểu tổ là có ích như thế. Vả lại, nếu Chính phủ cấm công hội, mà tiểu tổ khéo tổ chức, thì công hội cứ tiến bộ, cứ làm việc được. Vậy cho nên người ta gọi tiểu tổ là gốc của hội.
9. Thứ tự trong công hội thế nào?
Tiểu tổ lên chi bộ.
Nếu trong tỉnh nhiều lò máy, 4, 5 chi bộ tổ chức một bộ uỷ viên (4, 5 lò ấy mỗi lò cử 1 hoặc 2 người).
Bộ uỷ viên lên tỉnh hội.
Tỉnh hội lên quốc hội.
Ấy là thứ tự tổ chức. Còn quyền bính thì về dự hội, nghĩa là tất cả hội viên khai hội bàn định. Nếu hội viên nhiều quá, khai hội không tiện thì định mấy người cử một đại biểu dự hội, ấy là đại biểu đại hội. Đại hội nghị định việc gì, thì chấp hành uỷ viên hội phải thi hành. Khi hội tan thì quyền về chấp hành uỷ viên hội.
Đại biểu đại hội trong tỉnh một tháng khai hội một lần. Đại biểu đại hội trong nước, một năm một lần.
Đại biểu nên cử công nhân làm, không nên cử những người chức việc  trong hội. Khi khai hội, đại biểu phải báo cáo tình trạng và ý kiến của công nhân (không phải ý kiến riêng mình), đề nghị và bàn bạc các việc. Khai hội rồi, phải về báo cáo việc hội cho công nhân.
10. Có việc gì thì giải quyết thế nào?
Từ tiểu tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung. Nghĩa là có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi, thì giao cho hội uỷ viên làm, khi ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lịnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không nghe lời thì uỷ viên hội có quyền phạt.
Gặp việc bất thường không kịp khai hội, thì uỷ viên có quyền xử trí, sau báo cáo cho hội.
Gặp việc bất thường lắm, thì hội uỷ viên cứ phép giao quyền cho một người, người này có quyền độc đoán, việc rồi  báo cáo với hội.
11. Sao hội viên phải nộp hội phí?
Có hội thì có phí tổn, như thuê nhà, bút mực, vân vân, ấy là thường phí, hội viên phải gánh. Lại có bất thường phí, như để dành phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các việc công ích, vân vân. Nếu hội không tiền thì làm không được. Cho nên hội viên phải "góp gió làm bão".
Khi hội có tiền thừa thãi, thì nên làm những việc này:
1. Lập trường học cho công nhân;
2. Lập trường cho con cháu công nhân;
3. Lập nơi xem sách báo;
4. Lập nhà thương cho công nhân;
5. Lập nhà ngủ, nhà tắm, nhà hát;
6. Mở hiệp tác xã;
7. Tổ chức công binh, đồng tử quân, vân vân. Phải xem hoàn cảnh mà làm, chớ cho tư bản và đế quốc chủ nghĩa chú ý. Hội tiêu tiền phải rất phân minh, cho hội viên đều biết. Hội phí không nên thu nặng quá; phải theo sức hội viên.
12. Cách tổ chức bí mật thế nào?
Khi hội được công khai, các tiểu tổ cũng phải giữ bí mật. Khi không được công khai, thì phải mượn tiếng hợp tác xã, trường học, hoặc câu lạc bộ (nhà xéc) vân vân, che mắt người ta. Ở Tàu, ở Nhật nhiều nơi thợ thuyền lập nhà bán nước, ngoài thì bán bánh bán nước, trong thì làm việc hội. Thợ thuyền vào uống nước ăn bánh, và bàn việc; cho nên ma tà mật thám không làm gì được. Có nơi lại giả hội cúng tế hoặc hội chơi, vân vân để che cho công hội.
Lại khi mới gây dựng ra hoặc ở nơi thợ thuyền ít, phải tuỳ cơ ứng biến, không nhất định cứ theo cách thường.
Đại khái cách tổ chức công hội phải thống nhất, bí mật, nghiêm ngặt, thì hội mới vững vàng.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
CÔNG NHÂN
Báo Việt Nam độc lập
Số 108, ngày 11/10/1941
Thành ai đắp, lầu ai xây?
Tàu kia ai đóng, than đây ai sàng?
Bao nhiêu của cải kho tàng,
Ai đào bạc, ai luyện vàng mà nên?
Công nhân sức mạnh nghề quen,
Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ.
Mà mình quần rách áo xơ,
Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm.
Lại còn đánh chửi tần phiền,
Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua.
Càng nghĩ lại, càng xót xa,
Vì ta mất nước, mà ta phải hèn
Để cho Pháp, Nhật lộng quyền,
Thẳng tay bóc lột thợ thuyền nước ta!
Thợ thuyền ta phải đứng ra,
Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình.
Cùng nhau vào hội Việt Minh,
Ra tay tranh đấu hy sinh mới là.
Bao giờ khôi phục nước nhà,
Của ta ta giữ, công ta ta làm.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
VÌ SAO CÔNG NHÂN LÀ GIAI CẤP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG?
Hồ Chí Minh toàn tập
Tập 7(1953-1955)
Tất cả những người không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động mà sống, là công nhân. Bất kỳ họ lao động trong công nghệ hay là trong nông nghiệp, bất kỳ họ làm nghề gì, cũng đều thuộc về giai cấp công nhân. Chủ chốt của giai cấp ấy, là những công nhân ở các xí nghiệp như: nhà máy, hầm mỏ, xe lửa, vân vân... Những công nhân thủ công nghệ, những người làm thuê ở các cửa hàng, những cố nông, vân vân..., cũng thuộc về giai cấp công nhân.
Nhưng chỉ công nhân công nghệ là hoàn toàn đại biểu cho cái đặc tính của giai cấp công nhân. Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo.
 Có người nói: Giai cấp công nhân Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng.
Nói vậy không đúng. Lãnh đạo được hay là không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp. Giai cấp công nhân có chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ xây dựng nên Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra chủ trương, đường lối, khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến. Lại có những phần tử trí thức tham gia cách mạng và vô sản hoá. Thành thử đội ngũ chính trị của giai cấp công nhân ngày càng phát triển. Mai sau, công nghệ của ta ngày càng phát triển, thì số công nhân ngày càng tǎng thêm.
Tuy hiện nay ở nước ta giai cấp công nhân còn nhỏ, song ở thế giới thì giai cấp công nhân rất to lớn. Cho nên quyền lãnh đạo cách mạng chỉ do giai cấp công nhân nắm.
 
 
 
NÓI CHUYỆN Ở TRƯỜNG CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN (19/01/1957)
Hồ Chí Minh toàn tập-Tập 8
(1956-1957)
Hôm nay, Bác đến thăm các cô, các chú. Bác sẽ nói chung về công đoàn và nói riêng cho cán bộ công đoàn. Bác sẽ nói vắn tắt mấy điểm:
1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc.
Bởi thế, công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu: công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân.
2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng.
Đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng là thế nào?
Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà.
Vậy, đã là người chủ nước nhà, thái độ phải thế nào cho đúng?
Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân và tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Công nhân phải hiểu xí nghiệp là của mình, làm chủ nước nhà là nói chung, làm chủ xí nghiệp là nói riêng, xí nghiệp có phát triển, tương lai của công nhân mới tiến lên.
Cá nhân mỗi công nhân, đối với nước nhà phải thế nào?
Chế độ này là của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm.
Còn thế nào nữa?
Công nhân phải hiểu lao động là vẻ vang. Trước kia ta lao động cho tư bản, phong kiến, đế quốc. Công nhân miền Nam hiện nay cũng thế. Còn ta bây giờ lao động cho ta. Bất cứ làm nghề gì, có ích cho nước nhà, cho nhân dân, cho giai cấp, đều là vẻ vang. Bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch, đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang.
Của cải mình lao động ra là của nước nhà, của nhân dân, là của mình, là của công. Nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân phải bảo vệ của cải ấy. Để bảo vệ của cải chung đó, đối với thói tham ô, lãng phí, ta phải chống lại.
Thế đã đủ chưa?
Chưa đủ, mỗi một công nhân, đã là chủ của xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động. Giờ làm việc thì đi chậm, chưa hết giờ đã nghỉ không phải là thái độ của người chủ xí nghiệp, chủ nhà nước. Nếu ai cũng hăng hái làm mà có một số công nhân lười cũng không được! Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Hăng hái thì các cô, các chú đã biết. Còn thế nào là tính sáng tạo? Trước kia tư bản không cho công nhân phát triển tài năng. Nhà máy dệt Nam Định trước chỉ cho mỗi công nhân đứng một máy, nay về ta thì công nhân đứng được nhiều máy. Nhà máy về ta, ta cố làm nhiều, làm tốt, tìm hết mọi cách để tiến bộ mãi, đó là tính sáng tạo, đó là thái độ tiên tiến.
Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ.
Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải làm nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu, v.v..
Hiện nay có hai khẩu hiệu: Tăng gia sản xuấtThực hành tiết kiệm. Hai điều đó phải đi đôi, thiếu một là không được. Mục đích công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của giai cấp công nhân nói riêng và của nhân dân nói chung.
Bây giờ anh em mong được lên lương có chính đáng không ? Có. Nhưng lương tăng gấp đôi mà hàng đắt, vẫn không ăn thua gì. Nuôi lợn ít mà muốn ăn thịt nhiều là không được.
Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân, công nhân phải hiểu để giải thích cho nhân dân là: phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.
Tiền và hàng hoá phải đi đôi với nhau.
Nói về ngân sách của ta, Nhà nước thu thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, v.v. để chi tiêu cho các công việc ích lợi cho dân, nhưng ta thu còn ít mà phải chi nhiều, nên còn nhờ các nước bạn giúp. Phải hiểu đó là tinh thần quốc tế vô sản rất quý. Song sự giúp đỡ của các nước bạn cho ta cũng chỉ có hạn. Căn bản là ta phải tự lực cánh sinh, cố gắng sản xuất.
Về cải thiện sinh hoạt, tuyên truyền của công đoàn có lệch lạc, chỉ nói đời sống công nhân Liên Xô, Trung Quốc hiện nay sung sướng, lương cao, nhà rộng, có xe ô tô, v.v.. Điều đó đúng, nhưng mới chỉ đúng một nửa. Liên Xô lúc Cách mạng Tháng Mười mới thành công cái gì cũng còn thiếu, được thứ gì ngon thì bán ra ngoài để mua máy móc sản xuất. Có thể nói là nhân dân và giai cấp công nhân Liên Xô phải thắt lưng buộc bụng để xây dựng. Mãi 9 năm sau, tình hình mới khá hơn. ở Trung Quốc cũng vậy, cách mạng thành công năm 1949 mà mãi đến năm 1954 mới cải thiện sinh hoạt được bước đầu. Ta thì mới xây dựng hoà bình được hai năm. Bây giờ mà đòi cái gì cũng phải đủ là vô lý. Tuy vậy, Đảng và Chính phủ cũng luôn luôn chú ý cải thiện đời sống cho công nhân. Bây giờ có đỡ hơn trước, nhưng phải dần dần, mỗi mùa một ít, mỗi năm một ít. Có người hoặc không hiểu hoặc cố ý không muốn hiểu. Họ muốn chia rẽ Đảng với công nhân, chia rẽ Chính phủ với nhân dân. Ai nói sai, ta phải phản đối.
Tóm lại, về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.
3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học. Thế nào là khoa học? Như hồi xưa ta cho sét là ông thiên lôi, mưa là rồng phun nước, ốm là do ma làm. Như thế là phản khoa học. Nay ta hiểu khác, hiểu nguyên nhân rõ ràng. Con mắt ta nhìn xã hội cũng phải khoa học. Các tôn giáo theo duy tâm, còn giai cấp công nhân phải duy vật.
4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Người ta thường nói đoàn kết là sức mạnh vô địch. Ta kháng chiến thắng lợi, cũng nhờ đoàn kết.
Ta xây dựng hoà bình thắng lợi, cũng nhờ đoàn kết.
Ta đoàn kết nội bộ công nhân, đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất.
5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân rõ tình hình trong nước và ngoài nước. Ví dụ: có người hỏi củng cố miền Bắc là thế nào? Tranh thủ miền Nam là thế nào? Tại sao phải làm như vậy mới thống nhất được nước nhà? Phải giải thích cho họ hiểu. Nếu không, họ sẽ hoang mang. Sau Cách mạng Tháng Mười, công nhân Liên Xô đều hiểu nếu mỗi người cố gắng sản xuất thêm 1 kilô than thì có lợi cho việc xây dựng Tổ quốc và đánh lui ngoại xâm. Ta bây giờ cũng thế, nếu ai nấy đều tăng gia sản xuất, thì không những lợi cho ta ở miền Bắc, mà còn giúp đồng bào miền Nam chống Mỹ - Diệm nữa. Việc Ai Cập, Hunggari thắng lợi càng tỏ rõ đế quốc ngày càng yếu, phe ta ngày càng mạnh. Đó là những ví dụ để giải thích.
Do hiểu tình hình mà nâng cao tinh thần yêu nước của công nhân.
6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân. Lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ, bàn bạc với anh em công nhân. Phải kiểm tra. Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa.
Cuối cùng Bác tin cho các cô, các chú biết là khoá họp thứ sáu của Quốc hội đã thông qua nghị quyết giao cho Chính phủ làm đạo luật về Công đoàn. Công đoàn phải giúp Chính phủ làm đạo luật ấy cho tốt.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
NÓI CHUYỆN VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN NHÀ MÁY DỆT NAM ĐỊNH (24/4/1957)
Sách Nam Hà làm theo lời Bác, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nam Hà, 1976, tr. 36-49.


Trước hết Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến thǎm anh chị em.
Hôm nay Bác nói chuyện đặc biệt với anh chị em công nhân Nhà máy dệt Nam Định, nhưng tất cả anh chị em công nhân, cán bộ các ngành và đồng bào lao động nghe cũng có ích.
Bác nói chuyện, có tốt thì Bác khen, có khuyết điểm thì phê bình và phê bình đến nơi đến chốn để anh chị em sửa chữa.
Trước khi thành phố được giải phóng, anh chị em đã cố gắng đấu tranh giữ máy móc, không cho địch phá và tháo mang đi. Đấy là một điểm tốt đáng khen. Từ ngày ta tiếp quản, anh chị em đã cố gắng bảo đảm mức sản xuất. Đó là điểm thứ hai đáng khen. Điểm thứ ba: trong lúc sản xuất, cán bộ, công nhân cũ lành nghề đã cố gắng sản xuất và tích cực giúp đỡ công nhân mới để mở rộng sản xuất. Đấy cũng là điều đáng khen.
Chế độ thực dân phong kiến nó coi khinh phụ nữ. Từ ngày ta tiếp quản, phụ nữ đã được chú ý cất nhắc. Trong các ban quản đốc, đã có 2 phụ nữ. Đó là tốt, nhưng còn ít, chưa đủ. Phải cất nhắc nhiều hơn nữa. ở các nước bạn ta như Liên Xô, Trung Quốc thường thường giám đốc là phụ nữ vì nhà máy dệt thuộc về công nghệ nhẹ. Bây giờ phụ nữ ta có dám làm như thế không? Cố học thêm thì làm được, nhưng giao cho các cô ngay, chắc chưa làm được đâu. Nay nước ta đã được độc lập, nam nữ được bình quyền, việc lớn, việc nhỏ đều cần cất nhắc phụ nữ, nên phụ nữ phải cố gắng. Khi tiến bộ thì làm được, thế thì cố mà làm.
Trong nhà máy, công tác chính trị, vǎn hoá, vệ sinh, mỹ thuật phần đông có tiến bộ, nhưng chưa đủ, cần cố gắng nữa. Thí dụ: khi Bác vào thǎm nhà máy thấy bụi bông bay nhiều. Công nhân hút phải nhiều bụi, như thế không hợp vệ sinh. Bác có hỏi: Sao không làm vải che mồm? Đồng chí phó giám đốc trả lời: đã làm, nhưng chị em phụ nữ không thích đeo vì sợ mất duyên dáng và không ǎn trầu được. Như thế là không đúng, không giữ được vệ sinh, sẽ mắc bệnh, phải đi bệnh viện, tốn thuốc lại bỏ sản xuất.
Điều đáng được khen nữa là Bác được nghe báo cáo cả nǎm ngoái nhà máy bầu được 94 chiến sĩ. Nǎm nay, mấy tháng đầu nǎm đã bầu được 1.334 lao động xuất sắc. Như thế là tốt nhưng chưa đủ, vì một vạn công nhân mà mới có hơn nghìn lao động xuất sắc, còn ít quá. Các cô, các chú phải cố gắng nữa cho đại đa số công nhân là xuất sắc thì nhà máy mới là nhà máy tiến bộ, nhà máy xuất sắc. Các cô, các chú có cố gắng không? Lần sau có tiến bộ Bác sẽ về thǎm, không tiến bộ Bác không về thǎm.
Tóm lại, nhà máy đã cố gắng: giữ được máy móc, bảo đảm sản xuất, có nhiều chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc, công tác vǎn hoá xã hội cũng khá. Đó là những điểm đáng khen.
Sau đây là phê bình:
Nhà máy này trước đây là nhà máy của ai? Của thực dân Pháp; nó làm có lãi không? Lãi ai ǎn? Thực dân Pháp nó hưởng, thế là nó làm chủ. Dân tộc ta trước làm nô lệ cho thực dân Pháp thì công nhân cũng làm nô lệ cho thực dân Pháp, nhưng công nhân làm trong nhà máy còn làm nô lệ cho tư bản Pháp nữa. Như vậy là công nhân chịu hai tầng nô lệ. Nay nhờ nhân dân, bộ đội kháng chiến anh dũng, đánh đuổi thực dân Pháp, nhà máy hiện nay là của nhân dân, nhân dân giao cho Đảng, Chính phủ, Đảng và Chính phủ lại giao cho công nhân trực tiếp làm chủ.
Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy.
Ngày nay miền Bắc nước ta đang khôi phục kinh tế, phát triển vǎn hoá, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Các cô, các chú có tán thành tiến lên chủ nghĩa xã hội không ? Tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có, mà phải làm thế nào cho nó tiến lên, tức là phải lao động, lao động thiết thực. Tất cả mọi người phải lao động. Có lao động thì mới có ǎn. Không lao động thì không có ǎn. Lao động nhiều hưởng nhiều, lao động ít hưởng ít.
Công nhân trong nhà máy, lao động trí óc và chân tay đều có lương bổng. Lương bổng theo sức lao động của mình, tuỳ theo mức sản xuất, chất lượng sản xuất. Làm tốt, làm nhiều: hưởng nhiều, làm xấu, làm ít: hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ngồi ǎn không .
Bác lấy thí dụ: nhà máy hơn một vạn công nhân, trực tiếp sản xuất có 8.000 người, không trực tiếp sản xuất hơn 2.000 người. Thế là nhiều, không đúng với xã hội chủ nghĩa vì xã hội xã hội chủ nghĩa người sản xuất phải thật nhiều, người gián tiếp phải thật ít. Số vải nhà máy dệt ra phải bán, mà phải bán có lãi. Người trực tiếp dệt nhiều chừng nào, lãi nhiều chừng ấy.
Gián tiếp sản xuất cũng cần. Phải có người làm bàn giấy, tính toán, đánh máy, v.v. mới phục vụ cho người trực tiếp sản xuất, nhưng nhiều quá có bao nhiêu lãi chén hết. Bây giờ nhà máy số gián tiếp sản xuất còn nhiều quá.
Một điều nữa là một ngày có từ 12 đến 15% công nhân không đi làm. Thế là không tốt. 100 người mà từ 12 đến 15 người bỏ sản xuất thì ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải khắc phục điểm đó.
Thường thường còn một số công nhân, đến 2 giờ mới đổi kíp, nhưng 1 giờ 45 phút hay 1 giờ 40 phút đã nghỉ việc. Như vậy là ǎn bớt của Nhà nước, của công nhân, của nhà máy mất 10 phút, 15 phút. Nếu mỗi người nghỉ trước 6 phút thì 10 người là 1 tiếng, cứ thế tính cho nhiều người thì ảnh hưởng không tốt đến sản xuất. Như vậy là chưa phải thái độ làm chủ. Các nước anh em người ta làm sức máy phải chạy 100% từ lúc bắt đầu cho máy chạy đến khi khoá máy lại, không có giờ chết. Sản xuất 100% là đưa lại lợi cho Nhà nước 100%. Nhưng ta chạy có 70%, thế là 30% máy phải chết. Máy chết như vậy là hại trực tiếp đến nhà máy, đến các cô, các chú. Các cô, các chú phải cố gắng mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.
Một điểm nữa là trong các lớp học sản xuất, tiết kiệm, nhiều nhất là 70% công nhân tham gia, còn 30% công nhân không tham gia. Số người tham gia còn ít quá. Công nhân không tham gia không phải chỉ khuyết điểm ở công nhân mà còn khuyết điểm ở chỗ tổ chức hướng dẫn học tập nữa. Khai hội nhiều, học nhiều làm công nhân mệt mỏi là hại sản xuất, cả hai cần phải sửa chữa. Về phía cán bộ, cần tổ chức học tập cho tốt, nhẹ nhàng, có ích. Về phía công nhân cần tham gia, không tham gia là không tiến bộ.
Bác phê bình thêm một điểm nữa: nhà máy đang có hiện tượng tham ô lãng phí, mà nhất là lãng phí. Như vậy là thiệt cho ai? Thiệt cho công nhân, thiệt cho Nhà nước, thiệt cho nhân dân. Nếu chỉ giám đốc và cán bộ chống tham ô lãng phí, có làm nổi không? Phải có công nhân cùng làm. Các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô, lãng phí thì sẽ hết được.
Một điểm nữa cũng cần nói thêm: khi lao động có tiến bộ ít nhiều, là tốt, nhưng tiến bộ thì phải đề phòng tự mãn, chủ quan: dệt 15 mét vải, thấy làm được 18 mét, 20 mét thì cho là ổn rồi. Mình tiến bộ là tốt, nhưng so với các nước bạn thì còn kém xa.
Bác kể hai câu chuyện:
1. ở Liên Xô khi bắt đầu khôi phục kinh tế, chưa có ai giúp. ở nhà máy, công nhân vừa làm vừa học. Có một nữ công nhân thấy làm thế này thì hại sức khoẻ, vừa chậm vừa sản xuất được ít, phải làm sao Tổ quốc giàu mạnh, nước nhà tiến lên được chủ nghĩa xã hội, đời sống công nhân được cải thiện. Sau ít tháng, chị đề nghị tổ chức sắp xếp từ coi 2 máy đến 4 máy lên 6 máy, sau coi cả vòng máy và lúc đó chị được bầu là anh hùng. Tên chị là Vinôtơracôva. Kinh nghiệm này được phổ biến khắp nhà máy dệt Liên Xô, làm cho sức sản xuất tǎng hàng triệu thước trong tất cả mọi nhà máy Liên Xô.
2. ở Trung Quốc có nữ công nhân 18 tuổi cũng học kinh nghiệm nước bạn, áp dụng cho hợp hoàn cảnh mình, hôm sau mức tǎng lên. Kinh nghiệm được truyền khắp các nhà máy, số vải tǎng hàng triệu thước. Tên chị là Hách Kiến Tú.
Các nước bạn như Liên Xô có Vinôtơracôva, Trung Quốc có Hách Kiến Tú, phụ nữ ta có làm được không? Ta có Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ. Nước bạn làm được, ta cũng làm được. Phải cố gắng cho nước ta có nhiều Vinôtơracôva và Hách Kiến Tú.
Đối với cán bộ:
Đây không nói riêng gì giám đốc, mà nói chung cán bộ đều tích cực, cố gắng, nhưng cũng có khuyết điểm.
- Một là không gần gũi anh chị em công nhân. Thế là quan liêu.
- Thấy nhà máy có thành tích thì chủ quan, tự mãn, không nhận rõ thành tích là của chung, cán bộ có góp một phần, nhưng công nhân nhiều hơn.
- Anh chị em công nhân phê bình góp ý kiến, cán bộ tiếp thu khó khǎn, miễn cưỡng.
- Trong cán bộ phê bình và tự phê bình cũng kém. Cán bộ với công nhân, công nhân với công nhân, phê bình, tự phê bình cũng kém.
Đảng Lao động Việt Nam sở dĩ trưởng thành là nhờ có sự phê bình và tự phê bình. Phê bình và tự phê bình là một cách giúp nhau tiến bộ. Không phê bình và tự phê bình là không tiến bộ, không dân chủ.
- Có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài nǎng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên.
Bây giờ sang nhiệm vụ chung của Đảng, Chính phủ và của nhân dân, cán bộ, của tất cả chúng ta là cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước 1957. Trong kế hoạch có nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, v.v.. Nhưng ở đây là nói thiết thực, trách nhiệm của giai cấp công nhân phải làm gì?
Các cô, các chú muốn hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước thì phải: tǎng nǎng suất, tǎng chất lượng, đồng thời phải hạ giá thành. Tóm lại: phải làm mau, làm tốt, làm rẻ, làm nhiều. Dệt vải ít mà tốt không đủ cho nhân dân dùng, nhà máy ít lãi; làm tốt rồi lại phải nhiều, nhưng nếu giá thành cao, nhân dân ít tiền mua thì được ít lãi, nên phải rẻ, làm rẻ nhưng xấu thì không có ích. Nên phải bảo đảm cả bốn điểm trên.
Muốn thực hành bốn điểm trên phải tiết kiệm, tiết kiệm thì giờ, nguyên vật liệu, máy móc. Phải nâng cao kỷ luật lao động. Tình trạng muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi, nghỉ sớm, không ốm cũng cáo ốm để nghỉ, đều là thiếu kỷ luật lao động. Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua; nhà máy không có kỷ luật lao động, không phải là nhà máy tốt. Kỷ luật lao động không phải Bác đưa ra hay ở đâu đưa đến, mà chính là các cô, các chú bàn bạc, thông qua, tự giác thi hành. Thông qua rồi, ai không theo không được.
Lại phải có chế độ trách nhiệm: giữ máy cho bền, cho sạch, phải lau chùi, không để máy chết. Tinh thần người chủ phụ trách việc gì phải làm cho tốt, cho đẹp việc ấy.
Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng. Công nhân sản xuất ra nhiều vải, cố gắng nhiều, hưởng được nhiều; làm khoán tốt thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay. Nếu người công nhân nào thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kỷ luật lao động thì làm cho mau nhưng không tốt; như vậy là không đúng và làm khoán phải nâng cao số lượng, nhưng luôn luôn phải giữ chất lượng.
Cán bộ công nhân phải đoàn kết. Điều đó rất cần. Ta làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công, lúc ấy nhân dân và bộ đội ta lực lượng còn yếu, không súng, không tiền mà đánh thắng cũng là nhờ có đoàn kết. Khó như cách mạng, khó như kháng chiến mà đoàn kết còn thắng lợi, thì làm cho nhà máy tiến bộ có khó bằng cách mạng, bằng kháng chiến không? Công nhân già trẻ, nam nữ, Hoa kiều, Bắc Nam đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ. Công nhân, cán bộ đoàn kết chịu trách nhiệm trước Đảng, cán bộ tốt, công nhân cũng tốt; cán bộ không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến công nhân.
Cán bộ kỹ thuật và hành chính phải đoàn kết, học hỏi lẫn nhau; cán bộ hành chính không biết kỹ thuật thì không làm tròn nhiệm vụ; ngược lại, cán bộ kỹ thuật không học chính trị cũng không làm tròn nhiệm vụ, không giúp đỡ cho công nhân được tốt, nhất là dưới chế độ dân chủ, người cán bộ nào cũng phải am hiểu chính trị.
Muốn nhà máy tiến bộ, muốn thật là đoàn kết phải dân chủ. Dân chủ là dân chủ chân chính, xây dựng, thật thà phê bình. Công nhân có quyền phê bình cán bộ, phê bình lẫn nhau. Thật thà phê bình là dân chủ chân chính, chứ không phải dân chủ quá trớn.
Ở nhà máy có hơn 400 đảng viên Đảng Lao động Việt Nam; trên một vạn công nhân có 400 đảng viên. Như vậy cũng chưa nhiều, nhưng cũng không ít. Nếu những đảng viên làm tròn trách nhiệm của mình thì giúp cho sự tiến bộ nhà máy rất nhiều.
Nhà máy cũng có 400 đoàn viên thanh niên lao động, cũng còn ít. Nếu những đoàn viên thanh niên lao động làm tròn nhiệm vụ, cộng với 400 đảng viên tức 800 người thì giúp ích rất nhiều cho tiến bộ của nhà máy.
Nhà máy có một số bộ đội phục viên. Lúc kháng chiến, các cô, các chú đi đánh giặc, có truyền thống của quân đội ta là anh dũng xung phong, gan dạ, không sợ khổ, sợ khó, khắc phục mọi gian khổ như: Điện Biên Phủ, Hoà Bình và rất nhiều trận khác. Bây giờ các cô, các chú chuyển ngành, song phải giữ truyền thống anh dũng đó, cộng với đảng viên, thanh niên lao động, sẽ giúp cho nhà máy tiến bộ.
Nhà máy lại có một số anh chị em miền Nam là con em của Thành đồng Tổ quốc. Khi ở miền Nam, các cô, các chú không sợ giặc, không sợ gian khổ, bây giờ các cô, các chú phải giữ danh dự Thành đồng Tổ quốc, vì các cô, các chú là một bộ phận của Thành đồng Tổ quốc, phải phát huy truyền thống anh dũng đó trong sản xuất.
Nhà máy còn có công đoàn. Công đoàn là trường học tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Công đoàn sẽ giáo dục cho công nhân nam nữ biết quản lý nhà máy của mình. Chúng ta có hơn 7.000 đoàn viên công đoàn. Nếu các cô, các chú làm hết nhiệm vụ sẽ đẩy mạnh đà tiến lên của nhà máy.
Nói tóm lại: đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, đoàn viên công đoàn, bộ đội phục viên, cán bộ công nhân miền Nam là những chiến sĩ cần phải gương mẫu, cần đẩy mạnh sự tiến bộ của nhà máy, cần làm đầu tàu trong sản xuất, tiết kiệm. Làm được như vậy sẽ hoàn thành tốt vượt mức kế hoạch Nhà nước nǎm nay, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc củng cố miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Chúc các cô, các chú giữ đúng lời hứa và nhờ các cô, các chú chuyển lời Bác hỏi thǎm anh chị em bận sản xuất không đến đây được.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
NÓI CHUYỆN VỚI CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO
TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (18-7-1969)
Tài liệu của Tổng Công đoàn Việt Nam.
 
Bác đã nhiều lần gặp công đoàn, hôm nay lại gặp các chú. Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo. Khác hẳn với trước kia, công nhân bây giờ là người chủ đất nước, chủ xã hội, chủ cuộc sống. Bởi vậy mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc ý thức làm chủ tập thể và đạo đức cách mạng “mình vì mọi người”.
Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho nǎng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ.
Mỗi người công nhân, viên chức là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm. Nước ta nghèo, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, phải ra sức sản xuất, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Cán bộ, công nhân, viên chức đã hiểu như vậy cho nên đã cố gắng làm việc tốt.
Nhưng vẫn còn một số chưa hiểu đúng như thế cho nên lười biếng lao động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy trên bàn một tập báo đã cắt sẵn, đưa cho một đồng chí xem và nói tiếp:
Bác xem báo Lao động , có bài viết về chuyện một số công nhân nào đó mỗi ngày chỉ làm rất ít giờ. Bác rất đau lòng. Luật Nhà nước quy định mỗi công nhân, viên chức phải làm việc 8 giờ. Nếu có người chỉ làm việc ít giờ thì rõ ràng người đó không làm tròn trách nhiệm với Nhà nước, với nhân dân.
Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, v.v., nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân. Trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước còn có những người như vậy là họ chưa giác ngộ quyền lợi giai cấp và rõ ràng công tác vận động công nhân chưa tốt.
Cán bộ công đoàn phải thấy hết trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội và đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mà tự rèn luyện nâng cao ý chí cách mạng tiến công và tinh thần trách nhiệm. Có thế mới xây dựng được một đội ngũ công nhân có giác ngộ cao, có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn, có tinh thần làm chủ tập thể, thực sự có trình độ vǎn hoá và khoa học, kỹ thuật để đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về tình hình làm việc của công nhân cảng Hải Phòng. Một đồng chí báo cáo, có những việc làm rất tốt, nhưng cũng có việc như bảo quản hàng hoá thì còn có chỗ chưa tốt. Người tỏ vẻ không hài lòng và nói :
Như thế là các cô, các chú công nhân ở đây cũng có người chưa thấy hết trách nhiệm của mình và ý nghĩa việc mình làm. Hàng hoá đó đều là do giai cấp công nhân làm ra giúp ta để đánh Mỹ xâm lược và xây dựng kinh tế, cho nên chúng ta không được phéplàm mất mát, hư hỏng. Nếu cứ để như thế thì một số hàng viện trợ ấy không sử dụng được vào mục đích đánh Mỹ và xây dựng kinh tế, như vậy cũng là không làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với bạn.
Các cô, các chú công đoàn ở cảng chưa làm tròn nhiệm vụ, chưa thấy hết trách nhiệm, chưa giáo dục công nhân, viên chức nhận rõ ý nghĩa chính trị và nhiệm vụ của việc bảo vệ hàng hoá trong khi bốc dỡ và vận chuyển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về tình hình giáo dục công nhân và nhận xét:
Công đoàn làm công tác giáo dục nhiều nơi còn chung chung, chính trị suông, chưa biết nắm công tác chính trị thúc đẩy sản xuất, động viên mọi người làm tròn trách nhiệm trong lao động sản xuất. Làm chung chung thì dễ, làm cụ thể phải chịu khó. Việc tự phê bình thế là tốt nhưng kết quả sửa thế nào mới là quan trọng. Trong công tác giáo dục phải gắn liền với nhiệm vụ cụ thể. Ví như nói giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, thì cụ thể là phải gương mẫu trong sản xuất, gương mẫu trong đời sống. Nói lãnh đạo mà không gương mẫu thì lãnh đạo làm sao được?
Hiện nay trong hàng ngũ công nhân, có người – nhất là một số thợ mới vào nghề – còn thái độ lao động chưa tốt. Một con sâu làm rầu nồi canh, một số người không tốt làm ảnh hưởng tới cả giai cấp công nhân. Cho nên công đoàn phải giáo dục công nhân có tinh thần kiên quyết đấu tranh cho độc lập, tự do và xây dựng, phát triển kinh tế, đó là cái lớn. Đồng thời cũng phải kiên quyết phê bình người làm sai. Dù ai làm sai cũng thẳng thắn phê bình giúp đỡ nhau sửa chữa được tốt. Phải kiên quyết thực hiện đấu tranh trong nội bộ công nhân, viên chức để gạt bỏ những thói hư tật xấu của giai cấp bóc lột cũ còn rớt lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cho mọi người xem một bài báo cắt trong báo Hà Nội mới, ra ngày 16-2-1969, viết về việc công đoàn cửa hàng thực phẩm Chợ Hôm (Hà Nội) thành lập Ban kiểm tra quản lý vật tư hàng hoá và đã phát hiện một số khuyết điểm. Người nói:
Công nhân phải nâng cao vai trò làm chủ tập thể, phải mạnh dạn đấu tranh. Lập ban kiểm tra là đúng, nhưng ban kiểm tra phải dựa vào quần chúng mà tiến hành công tác. Giai cấp công nhân có quyền bầu ra thì cũng có quyền bãi miễn họ, nếu họ không chịu sửa chữa khuyết điểm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cho mọi người xem thêm một bài in trên báo Nhân dân, ra ngày 16-7-1969, viết về việc công nhân mỏ phê bình một số cửa hàng bách hoá Mạo Khê. Người nói:
Các báo đǎng bài của công nhân phê bình, thế là tốt. Báo Lao động nên mở rộng mục này cho quần chúng phê bình trên báo. Như vậy, vừa bảo đảm quyền dân chủ của công nhân, vừa nâng cao tính chiến đấu của tờ báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về đời sống của công nhân, viên chức. Được biết hiện đang gặp khó khǎn, Người nói:
Quần chúng rất thông cảm với hoàn cảnh thiếu hàng, quần chúng chỉ phàn nàn việc phân phối không công bằng. Vẫn còn một số cán bộ lạm dụng chức quyền, quan liêu, xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm trước quần chúng. Ngay trong công đoàn cũng có cán bộ mắc thiếu sót trên, làm cho đời sống quần chúng thêm khó khǎn. Một số cán bộ còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự quan tâm đến đời sống của quần chúng.
Trong tình hình cả nước có chiến tranh, Nhà nước đã có những cố gắng lớn để ổn định đời sống nhân dân. Bác có tiếp một số khách nước ngoài, họ đều công nhận đó là một thắng lợi.
Ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khǎn còn nhiều và lâu dài. Cán bộ, công nhân, viên chức, nhất là cán bộ công đoàn, phải thấy hết tình hình khách quan đó, mà ra sức vận động công nhân, viên chức cố gắng lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, cùng nhau vượt mọi khó khǎn để chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh những điều công đoàn phải thực hiện. Người nói:
Vai trò của công nhân tham gia quản lý, đó là biểu hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong mọi mặt hoạt động của xí nghiệp. Quyền lợi của công nhân, viên chức gắn liền với sự phát triển của xí nghiệp và kinh doanh có lãi. Từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động.
Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, vǎn hoá.
Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống, v.v..
Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ.
Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và vǎn hoá của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân.
Về vai trò của tổ chức công đoàn:
Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật.
Lênin đã dạy: “Công đoàn, nói chung, là trường học chủ nghĩa cộng sản, thì nói riêng phải là trường học quản lý công nghiệp xã hội chủ nghĩa (rồi dần dần quản lý nông nghiệp) cho tất cả quần chúng công nhân, rồi cho tất cả những người lao động”1).
Như vậy là công đoàn phải vận động quần chúng lao động tham gia ngày càng rộng rãi vào toàn bộ sự nghiệp xây dựng nền kinh tế quốc dân, vào các kế hoạch kinh tế sản xuất, phân phối.
Trong xí nghiệp, công đoàn phải làm cho công nhân hiểu rõ trách nhiệm nâng cao nǎng suất lao động là nguồn của cải to lớn nhất; phải làm cho họ hiểu tình hình kinh doanh lỗ lãi, việc sử dụng công suất máy móc, việc tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, v.v., dần dần hướng họ tham gia vào mọi hoạt động của xí nghiệp, làm cho xí nghiệp ngày càng phát triển. Bởi vậy, cán bộ công đoàn chẳng những phải giỏi về chính trị, mà còn phải thạo về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung. Phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng, tạo điều kiện cho họ nắm được những hiểu biết khoa học, kỹ thuật. Nếu cán bộ công đoàn không hiểu việc họ làm, không hiểu bằng họ, thì làm sao mà lãnh đạo được.
Ví dụ: trước khi các chú lãnh đạo thợ thuyền đấu tranh đình công, biểu tình, ít ra các chú cũng phải biết cách vận động, tổ chức một cuộc biểu tình, thì mới lãnh đạo được. Bây giờ, công nhân ngày càng phát triển, lại có trình độ cả về tư tưởng, vǎn hoá, kỹ thuật…
Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được?
Bản chất của giai cấp công nhân là đoàn kết đấu tranh, cán bộ công đoàn lại không đoàn kết, thì đoàn kết sao được công nhân? Bác nghe nói, một số cán bộ công đoàn còn chưa đoàn kết tốt, thế là không đúng.
Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn. Phải kiên quyết làm cho đến nơi đến chốn. Những phần tử nào biến chất, giáo dục không được, thì kiên quyết đưa ra. Vì lợi ích của giai cấp, của cách mạng mà làm, không được vì tình cảm cá nhân mà do dự. Tất nhiên phải kiên trì, phải có kế hoạch.
Trong nội bộ tổ chức công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có
kế hoạch làm cho thiết thực.
Về việc bồi dưỡng lực lượng công nhân trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:
Các chú phải nhớ công nhân trẻ tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin tưởng vào họ, thông qua những việc làm cụ thể mà giáo dục, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất, đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân, bồi dưỡng vǎn hoá, khoa học, kỹ thuật và kiến thức quản lý xí nghiệp cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa “hồng” vừa “chuyên”; đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài nữa.
Các chú nhớ là phải làm cho cán bộ thật đoàn kết nhất trí, không xa rời quần chúng. Phải thấy trách nhiệm vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích cách mạng mà làm, chứ không phải vì cá nhân. Phải làm đúng như lời dạy của Lênin vĩ đại: giữ gìn sự thống nhất của Đảng như con ngươi của mắt. Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ.
BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây