KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3.2.1930-3.2.2020): Đảng của dân tộc, Đảng của giai cấp công nhân

Thứ tư - 29/01/2020 19:22 1.281 0
“Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn liền với những chặng đường vẻ vang của dân tộc. Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc, với Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong, lãnh đạo mọi thời kỳ cách mạng”.
Nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp gỡ các cán bộ Công đoàn tiêu biểu xuất sắc ngày 20.7.2019 một lần nữa khẳng định vai trò, sự phát triển của tổ chức Công đoàn luôn gắn liền với sự phát triển của Đảng, gắn với sự đi lên của đất nước và dân tộc.
tbt nguyen phu trong
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng thăm và chúc tết công nhân Công ty May Hưng Long (tỉnh Hưng Yên).
Đảng của giai cấp công nhân, của đông đảo người lao động và của dân tộc
Đồng chí Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận định:
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân Việt Nam đã luôn luôn hăng hái đi đầu trong sự nghiệp cách mạng và hoạt động đúng hướng, góp phần vào những thắng lợi trong các giai đoạn cách mạng của nước ta. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng thông qua tổ chức Công đoàn đã giác ngộ giai cấp công nhân và nhân dân lao động vạch trần chế độ hà khắc của đế quốc, phong kiến… Quá trình hoạt động cách mạng, Đảng đã cử nhiều cán bộ chủ chốt lãnh đạo phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn.
“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.
Tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trước đây tuy còn nhỏ bé nhưng đã có những đóng góp rất quan trọng vào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Trước Cách mạng tháng Tám, Tổng khởi nghĩa năm 1945, 9 năm kháng chiến chống Pháp, hơn 20 năm đấu tranh chống Mỹ và hơn 30 năm đổi mới nhưng cách mạng Việt Nam vẫn vững vàng, phát triển trong đó có vai trò không nhỏ của tổ chức Công đoàn. Ngày nay, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được nâng cao”.
PSG.TS Bùi Đình Phong - giảng viên cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - khi khái quát về vị trí, vai trò của Đảng đối với giai cấp, với dân tộc đã nhấn mạnh: Đảng ta từ lúc ra đời và suốt quá trình xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân. Những biểu hiện cụ thể là xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đi tới chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội. Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt là tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh tự giác, đoàn kết thống nhất.
Về mặt bản chất giai cấp của Đảng thì chỉ có một, đó là Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, nhưng cơ sở xã hội của Đảng là toàn dân tộc. Mọi công dân Việt Nam, chứ không phải chỉ có giai cấp công nhân, qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Đảng có trách nhiệm to lớn không chỉ đối với giai cấp công nhân, mà còn đối với nhân dân lao động và cả dân tộc. Trách nhiệm này vừa có tính chiến lược lâu dài, là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, vừa mang tính lợi ích cụ thể. Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Đó là một trong những lý do làm cho Đảng ta vĩ đại.
Đảng lãnh đạo tổ chức Công đoàn và công nhân lao động trong tình hình mới
Phát biểu khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 12, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực, bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với sự cạnh tranh về kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cũng diễn ra gay gắt. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tác động lớn tới việc làm, đời sống của người lao động, quan hệ lao động và tổ chức, hoạt động của Công đoàn.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động. Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt là, sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức Công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn”.
Gần đây, khi gặp gỡ các cán bộ Công đoàn tiêu biểu xuất sắc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục đặt ra 3 vấn đề lớn mà tổ chức Công đoàn cần quan tâm:
“Trước hết, cán bộ Công đoàn, nhất là chủ tịch Công đoàn cơ sở chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động. Giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị của công nhân, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mỗi công nhân, vì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, sự phồn vinh của đất nước.
Hai là, thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia Công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn. Chủ tịch Công đoàn cơ sở cần am hiểu pháp luật, nắm vững các chế độ, chính sách đối với người lao động. Có kỹ năng thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thoả ước lao động tập thể để chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Ba là, đối với cán bộ Công đoàn cấp trên cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động công đoàn phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới, thích ứng với tình hình thực tế nước ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt là đã và sẽ ký kết, tham gia và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết rất mới về lao động và Công đoàn theo chuẩn mực của Tổ chức Lao động Thế giới”.
Vượt qua khó khăn, thách thức, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động cả nước luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, đoàn kết, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của tổ chức Công đoàn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Nguồn tin: Báo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây