Tư tưởng của Bác Hồ về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ người dân

Thứ ba - 18/05/2021 23:30 6.226 0
Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới thì việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân chính là kim chỉ nam để Việt Nam thành công hơn trong công tác này.
2 2
Bác Hồ đến thăm các bác sĩ, y sĩ, hộ lý Trạm xá Vân Đình. Ảnh: T.L
Phòng, chống dịch từ chính mỗi người dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời khẳng định: Sức khoẻ của mỗi người dân là một bộ phận hợp thành sức khoẻ của xã hội, cho nên muốn phát triển sức khoẻ cho một xã hội nói chung thì phải bắt đầu từ việc chăm sóc sức khoẻ cho từng người dân.
Trong bài “Sức khỏe và thể dục”, Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ”. Theo Hồ Chí Minh, sức khoẻ của nhân dân là yếu tố quyết định tới sự thịnh, suy hoặc sự hưng vong của đất nước: “Dân cường thì quốc thịnh”.
Ngay từ năm 1946, khi đất nước đang trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra quan niệm về sức khoẻ rất toàn diện, Người viết: “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về sức khoẻ cũng đã kế thừa được những yếu tố cốt lõi trong các quan niệm của cha ông ta xưa về sức khoẻ. Lý luận y học cổ truyền phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng xưa nay vẫn cho rằng, sức khoẻ của mỗi người có được là nhờ sự cân bằng của các yếu tố âm dương, là sự thắng phục khắc chế theo quy luật tự nhiên bởi các yếu tố trong ngũ hành như vậy, Hồ Chí Minh kế thừa các tư tưởng quý giá của y học dân tộc và với một phương pháp tư duy khoa học, Người đã đưa ra một quan niệm đúng đắn và khoa học về sức khoẻ.
Riêng về vấn đề phòng, chống dịch bệnh Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất của việc chăm sóc sức khỏe là “phòng, chống dịch bệnh”.
Người giải thích: “Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khoẻ mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn”. Cho nên, đối với mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề đều phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Người khuyên các cháu thiếu nhi “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”, không những phải “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt” mà còn phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mọi người, không phân biệt người giàu, người nghèo, bất luận là giàu hay nghèo đều phải thực hiện thật tốt: “Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống”.
Đối với vấn đề vệ sinh, để bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng, cũng có những trường hợp phải cưỡng bách người vi phạm phải tuân theo lợi ích sức khỏe chung. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Người viết: “Trong làng nhiều ao, nhiều muỗi, thường có đau ốm, người làng biết vậy, ai cũng bằng lòng lấp ao của mình. Chỉ một hai người không chịu theo, để người làng vì muỗi mà đau ốm liên miên. Vì vệ sinh chung làng có quyền buộc một hai người kia phải lấp ao”.
Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất “đúng” và “trúng” trong bối cảnh COVID-19 hiện nay. Việc phòng, chống COVID-19 không phải trách nhiệm của riêng ai, của riêng tổ chức, cá nhân nào mà phải của mỗi người dân, toàn xã hội.
Phòng, chống COVID-19 “không phân biệt người giàu, người nghèo, bất luận là giàu hay nghèo đều phải thực hiện thật tốt”.
Virus SARS-CoV 2 không phân biệt người giàu, người nghèo và để có được cơ chế phòng vệ tốt mỗi người vì mình thì sẽ vì mọi người như thực hiện 5K và thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch khác. Chỉ một vài người lơ là là tạo kẽ hở trong phòng, chống dịch thì tác hại khôn lường.
Quan điểm của Bác Hồ về lực lượng y bác sĩ trong phòng, chống dịch bệnh
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mệnh của con người. Tính mạng và sức khỏe của người dân được phó thác cho người thầy thuốc, vì thế mà xã hội luôn có những đòi hỏi rất cao về chuyên môn và nhất là tinh thần phục vụ, về đạo đức mỗi người thầy thuốc. Thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, không những có nhiệm vụ chữa bệnh mà còn nâng cao tinh thần cho người bệnh trong khi họ đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
Theo Người, y đức của người thầy thuốc là lương tâm đạo đức, là trách nhiệm bổn phận của người thầy thuốc. Người còn phân tích, người y tá không những là một nghề nghiệp, mà còn là nghĩa vụ. Việc giữ gìn, bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả vừa “cứu chữa bệnh” vừa “nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” đòi hỏi người cán bộ y tế phải có lòng yêu ngành, yêu nghề, coi việc chăm sóc sức khỏe nhân dân là lẽ sống, là niềm vui, là hạnh phúc của chính bản thân mình.
Trong hoạt động của người thầy thuốc thì quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân là quan hệ chủ yếu và đặc biệt, đó là người bệnh luôn ở thế bị động, thế phụ thuộc vào người thầy thuốc, họ còn lo lắng về sức khỏe và việc chi phí tiền bạc để chữa bệnh, nhưng cũng có nhiều người sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền mong lấy lại sức khỏe, họ không có chuyên môn nên hoàn toàn phụ thuộc vào bác sĩ. Với vai trò là người thầy thuốc nếu họ không có lương tâm, trách nhiệm thì họ rất dễ lợi dụng tình thế này để gây khó dễ cho người bệnh, không nhiệt tình, chữa cho xong hoặc bị đồng tiền chi phối. Như vậy để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, người thầy thuốc cần hội tụ cả năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp thì mới thực hiện được sứ mệnh của mình là trị bệnh cứu người.
Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27.2.1955, Hồ Chí Minh đã gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận, về vấn đề y đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn gửi: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Người yêu cầu ngành Y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải “thật thà, đoàn kết”. Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất.
Lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện rõ nét trong “cuộc chiến” chống COVID-19. Đó là hình ảnh những y-bác sĩ không quản ngại khó khăn, nguy hiểm chi viện cho vùng có dịch. Đó là hình ảnh những chuyến hàng, trang thiết bị chống dịch được cấp tốc gửi đến những nơi bị cách ly. Đó là hình ảnh những y, bác sĩ gần như kiệt sức sau khi đã xét nghiệm hàng nghìn người ở Bắc Giang… Đó không chỉ là “thông điệp từ trái tim” mà còn là tinh thần đoàn kết coi bệnh nhân “như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 là thường xuyên, liên tục. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ người dân, chắc chắn Việt Nam sẽ dành nhiều thắng lợi lớn hơn trong cuộc chiến rất khó khăn chống lại dịch bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây