Hướng dẫn phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc cho người lao động

Thứ năm - 19/03/2020 04:20 1.219 0
Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều nước trên thế giới; tại Việt Nam đã xuất hiện những ca nhiễm mới…Trước tình hình đó, Bộ Y tế đưa ra những khuyến cáo dành cho người lao động, người sử dụng lao động để phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19 mới tại nơi làm việc.
n t
Cán bộ CĐCS phát khẩu trang cho CNLĐ
I. Trách nhiệm của người lao động
1. Hướng dẫn chung khi ở nhà
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn, thường xuyên súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng; Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã.
- Tự theo dõi sức khỏe nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì chủ động ở nhà và thông báo cho đơn vị quản lý. Gọi điện cho đường dây nóng và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
- Không được đi làm nếu đang trong thời gian cách ly y tế theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
2. Đối với người lao động làm công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao
Ngoài các khuyến cáo chung ở trên, người lao động làm công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao cần lưu ý:
- Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người dân cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn.
- Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
- Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã.
- Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.
3. Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19
Ngoài các khuyến cáo ở trên, người lao động động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cần lưu ý:
- Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác.
- Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 02 mét đối với những người đang ho hoặc hắt hơi.
- Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng tại tỉnh Quảng Trị: Sở Y tế: 0905.871.965, 0949.638.353;Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh: 0915.466.111; Bệnh viện Đa khoa tỉnh: 0905.059.313 hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228;  1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
II. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc bao gồm người sử dụng lao động, đại diện các phòng ban, bộ phận y tế, nhân sự, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động,...
2. Thiết lập đường dây nóng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng tỉnh/Sở Y tế hoặc Bộ Y tế.
3. Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc.
4. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh COVID-19 bao gồm những nội dung cần triển khai cho công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc, người chịu trách nhiệm thực hiện, người chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kinh phí đảm bảo thực hiện. 
5. Hạn chế người không có phận sự vào khu vực làm việc.
6. Nếu có thể, bố trí nhân lực tại cổng ra vào vào đầu ca làm việc để đo thân nhiệt nhanh cho người lao động và thực hiện khử khuẩn.
7. Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động tập trung đông người trừ trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch. 
8. Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng cho người lao động và khách hàng (nếu có). 
9. Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn; cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang, găng tay đúng cách cho người lao động; cung cấp các dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch.
10. Đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc/khu dịch vụ/phương tiện vận chuyển cho người lao động.
11. Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc/khu dịch vụ của người lao động. Bố trí giờ nghỉ giải lao/ăn ca lệch giờ. Tránh tập trung đông người ở căng tin trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện nhau. 
12. Thông báo, đề nghị các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (thực phẩm, cung cấp suất ăn, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…) cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
13. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
14. Tổ chức thông tin truyền thông về phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người lao động và khách hàng. 
III. Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc
1. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. 
2. Làm tốt công tác vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chung tại nơi làm việc
3. Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động.
4. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày.

Tác giả bài viết: Ban CTCS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây