Vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam

Chủ nhật - 09/07/2017 21:11 86.556 0
Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 (1929 – 2017), Ban Biên tập Website Công đoàn Quảng Trị trân trọng giới thiệu về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam
I. Vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam
1. Vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam:
Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp.
2. Vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam:
Công nhân lao động nước ta hiện nay có trên 11 triệu người, chiếm khoảng 13,5% dân số, 26,46% lực lượng lao động xã hội.. Giai cấp công nhân lao động Việt Nam ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành nghề, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận CN trí thức (có trình độ ĐH, CĐ trở lên) làm công tác quản lý, nghiên cứu và quản lý khoa học kỹ thuật gắn với sản xuất kinh doanh. Giai cấp công nhân Việt Nam chiếm tỷ lệ không lớn so với dân số cả nước nhưng hằng năm đóng góp trên 50% tổng sản phẩm xã hội và bảo đảm hơn 60% ngân sách nhà nước. Đó là những giá trị thực không thể phủ nhận. Những chuẩn mực về lối sống, tác phong của công nhân: lao động, bình đẳng, liên kết xã hội… cũng đang là mẫu số chung của xã hội hiện đại.
Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; có nhiều cố gắng để phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã đóng góp trực tiếp to lớn vào quá trình phát triển của đất nước, cùng với các giai cấp, tầng lớp và thành phần xã hội khác, giai cấp công nhân nước ta là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước.
3. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam:
Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
4. Quan điểm của Đảng về giải pháp và nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:
- Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân.
- Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho giai cấp công nhân.
- Bổ sung, sửa đổi, xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong xây dựng giai cấp công nhân.
II. Vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam:
1. Vị trí của Công đoàn Việt Nam:
Điều 10, Chương I, Hiến pháp nước CHXHCNVN: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Điều 1, Chương I, Luật Công đoàn Việt Nam 2012 : “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Vị trí của Công đoàn Việt Nam đã được xác định rõ: Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của CNVCLĐ, là thành viên trong hệ thống chính trị, là trung tâm tập hợp đoàn kết giáo dục rèn luyện, xây dựng đội ngũ CNVCLĐ, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là “cầu nối” giữa Đảng với quần chúng; là người cộng tác đắc lực của Nhà nước.
2. Vai trò của Công đoàn Việt Nam:
Trường học quản lý kinh tế: Thông qua hoạt động công đoàn, giúp cho CNVCLĐ biết sản xuất kinh doanh, biết hoạt động kinh tế; tham gia tích cực vào việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hoàn thiện các chính sách kinh tế, tác động nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và có tinh thần trách nhiệm cao trong sản xuất và công tác.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua như “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Xanh-sạch-đẹp, Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” … thu hút được đông đảo công nhân, viên chức, lao động ở các ngành nghề, địa phương, cơ sở, trong mọi thành phần kinh tế tham gia, tạo thành các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp. Chương trình “Trí tuệ Việt Nam”, “Vinh quang Việt Nam” do báo Lao động tham gia tổ chức đã góp phần tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động.
Trường học chủ nghĩa cộng sản: Công đoàn giáo dục CNVCLĐ, có thái độ lao động mới, có tác phong công nghiệp; giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật, văn hoá, nếp sống văn hoá; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNVCLĐ. Giáo dục, tổ chức vận động CNVCLĐ làm tốt nghĩa vụ của mình.
Các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công nhân, viên chức, lao động về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của công đoàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công đoàn luôn coi trọng việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, lao động để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nghiên cứu, giải quyết.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, về tổ chức công đoàn trong công nhân, viên chức, lao động và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài, được các cấp công đoàn quan tâm, giúp công nhân, viên chức, lao động và người sử dụng lao động nhận thức rõ hơn về tổ chức công đoàn.
Hàng năm, công đoàn nhiều ngành, địa phương, cơ sở đã tiến hành khảo sát trình độ của công nhân, viên chức, lao động; phối hợp với các ngành chức năng, người sử dụng lao động tổ chức phong trào tự học, mở lớp học bổ túc văn hoá, học nghề, học ngoại ngữ, tin học, thi nâng bậc, thi thợ giỏi cho hàng trăm ngàn công nhân, lao động. Kết quả tuy chưa cao nhưng thể hiện được trách nhiệm của tổ chức công đoàn trước yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động của các báo, tạp chí, bản tin, nhà xuất bản của công đoàn, chương trình truyền hình và phát thanh “Lao động và Công đoàn”, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực sự là diễn đàn của người lao động, là công cụ hữu hiệu truyền tải đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác của công đoàn đến công nhân, viên chức, lao động và xã hội, góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận về chính trị trong công nhân, viên chức, lao động và nhân dân.
Công tác đào tạo nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho CNLĐ được các ngành, địa phương quan tâm, đặc biệt trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp mở các lớp dạy nghề, bổ túc văn hoá cho CNLĐ, vận động người sử dụng lao động tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho CNLĐ ngay tại doanh nghiệp phù hợp với thực tế yêu cầu của công việc.

Tác giả bài viết: TGCĐ (biên tập)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây