Công đoàn đồng hành để phát triển doanh nghiệp; vì việc làm, đời sống của người lao động.

Chủ nhật - 27/11/2016 21:58 1.936 0
Trong những năm qua, kinh tế-xã hội của tỉnh chuyển biến tích cực, mạnh mẽ khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp và doanh nhân đầu tư mở rộng sản xuất, xác định phát triển doanh nghiệp là động lực quan trong để phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.300 doanh nghiệp, có tổng vốn đăng ký gần 17.000 tỷ đồng, sử dụng trên 35.000 lao động ( trong đó khoảng 250 doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên, có 175 tổ chức công đoàn cơ sở, với số lượng gần 8.000 đoàn viên).
Hội nghị tập huấn cán bộ CĐCS khu vực doanh nghiệp năm 2016
Hội nghị tập huấn cán bộ CĐCS khu vực doanh nghiệp năm 2016
  Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hệ thống tổ chức công đoàn, đặc biệt là tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các loại hình doanh nghiệp đã phát huy vai trò, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Mặt khác doanh nghiệp cũng đánh giá cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện chức năng đại diện cho người lao động, phối hợp tích cực, chặt chẽ với doanh nghiệp tạo nên mối quan hệ lao động hài hoà, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp thông qua hoạt động của tổ chức công đoàn để xây dựng hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, điển hình như :Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quảng Trị; Công ty Điện Lực Quảng Trị; Công ty cổ phần Thiên Tân; Công ty Cao su Quảng Trị; Công ty CPTM và XNK Việt Hồng Chinh; Công ty TNHH Yên Loan … Nhiều CĐCS đã đổi mới phương pháp hoạt động, sáng tạo trong công tác vận động, tập hợp đoàn viên, người lao động, tổ chức tốt các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “ Lao động giỏi, lao động sáng tạo” để công nhân, lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm góp phần cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kinh doanh có lãi, việc làm và tiền lương của đoàn viên và người lao động được ổn định, đời sống được nâng cao. Song hành cùng doanh nghiệp để phát triển, cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp cũng được nâng cao kỹ năng về đàm phán, thương lượng, nắm vững kiến thức pháp luật về lao động và công đoàn để đại diện ký kết thoả ước lao động tập thể có nhiều khoản có lợi hơn cho người lao động, xem đó là động lực để người lao động gắn bó xây dựng và phát triển doanh nghiệp lâu dài.
 Bên cạnh, nhiều CĐCS trong các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, một số CĐCS trong doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò, vị trí của mình, chưa tạo được vị thế đối với doanh nghiệp, chưa làm cho doanh nghiệp thấy được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn nên làm cho doanh nghiệp chưa mặn mà trong tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức CĐCS hoạt động, có trường hợp doanh nghiệp xem việc thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp là việc làm để chấp hành pháp luật, nên khi thành  lập rồi thì doanh nghiệp ít quan tâm đến hoạt động của tổ chức công đoàn, có chăng thì quan tâm đến công tác khen thưởng để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp…
Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong sự phát triển của doanh nghiệp, công đoàn các cấp, đặc biệt là CĐCS trong doanh nghiệp cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Một là, đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nhận thức rõ, việc làm và thu nhập của người lao động phụ thuộc vào chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Người lao động muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao thì trước tiên phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, lao động phải có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao để doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Công đoàn tập trrung tuyên truyền thật tốt để người lao động nhận thức rõ sự đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 2062a/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP.
- Hai là, công đoàn cần chủ động xây dựng quan hệ hợp tác tin cậy với chủ doanh nghiệp; trong quan hệ phải linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo, giữ vững nguyên tắc quan hệ, đảm bảo bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để công đoàn, người sử dụng lao động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ vì quyền, lợi ích người lao động, lợi ích doanh nghiệp. Công đoàn phải bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng thiết thực, nhằm tập hợp trí tuệ công nhân, lao động tham gia với doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
- Ba là, công đoàn chủ động đề ra các nội dung, phương pháp hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, chủ động tham gia với doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách với người lao động, thường xuyên giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, đôn đốc nhắc nhỡ người lao động thực hiện tốt nội qui lao động, nghĩa vụ của người lao động trong hợp đồng lao động và thực hiện tốt nội dung thoả ước lao động tập thể.
- Bốn là, công đoàn chủ động tổ chức, phát động các phong trào thi đua sản xuất với những nội dung thiết thực, cụ thể, động viên, khơi dậy tiềm năng của người lao động để đóng góp cho doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh được trong thị trường, đó chính là đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động.
- Năm là, cùng với doanh nghiệp tuyên truyền, vận động, giúp đỡ và tạo điều kiên để người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để thực hiện tốt công việc được giao, đáp ứng với thiết bị công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp …
- Sáu là, tuyên truyền vận động người lao động tham gia tích cực hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh; đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Thực hiện tốt các nội dung trên để đồng hành phát triển doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động, ngoài sự nỗ lực của cán bộ CĐCS thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; chủ động chỉ đạo, trợ giúp CĐCS trong tổ chức các hoạt động, giúp cán bộ CĐCS nắm được các chính sách, pháp luật, nắm được nội dung phương pháp hoạt động, những nơi CĐCS mới được thành lập, cán bộ CĐCS chưa tiếp cận được với hoạt động công đoàn thì công đoàn cấp trên phải “đóng vai” làm thay để CĐCS thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo được niềm tin của người lao động, với chủ doanh nghiệp để tạo được sự đồng hành góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp ./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Bảo - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây