Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành giáo dục

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về nhiệm vụ năm học trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã lựa chọn những vấn đề then chốt, hệ thống giải pháp tích cực, sáng tạo phù hợp thực tiễn và đã tạo được bước chuyển biến có tính đột phá để đẩy nhanh tốc độ phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo. Những nhiệm vụ và kế hoạch đề ra về thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo ’’ và phong trào thi đua yêu nước trong ngành như phong trào thi đua “ Hai tốt”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’’ kết hợp thực hiện chủ đề trọng tâm năm học, giáo dục và đào tạo Quảng Trị đã hoàn thành xuất xuất sắc các chỉ tiêu đề ra.
 Cuộc vận động “ Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động là sự cụ thể hóa các nội dung của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào thực tiễn của ngành giáo dục. Sức hấp dẫn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành quan tâm, tích cực tham gia học tập, tìm hiểu, nghiên cứu. Lãnh đạo Sở và Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai công tác quản lí, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Cuộc vận động đã được triển khai với nhiều cách làm năng động, sáng tạo theo nhiều hình thức. Nhiều đơn vị tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với hình thức phong phú, sáng tạo, có kết quả tích cực, có sức lan toả, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút được nhiều người tham gia. Các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người đã tạo tiền đề tốt đẹp cho việc triển khai thực hiện cuộc vận động, đáp ứng được nguyện vọng và yêu cầu cấp bách của đội ngũ nhà giáo. Các đơn vị đã chú trọng tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên học tập các chuyên đề về đạo đức Hồ Chí Minh và sau khi học tập đều có bài thu hoạch về nhận thức và kế hoạch hành động.  Biết kết hợp lồng ghép với các cuộc vận động khác của ngành như: cuộc vận động "Hai không", “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”... Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thực sự đã đi vào chiều sâu, có ý nghĩa thiết thực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, lối sống của đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành.
Phong trào thi đua yêu nước mà nòng cốt là phong trào thi đua “ Hai tốt”  được xem là trọng tâm của các phong trào thi đua trong trường học. Phong trào luôn nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của đội ngũ nhà giáo trong ngành. Hàng năm có hàng nghìn lượt giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp và có hàng trăm giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Công đoàn giáo dục tỉnh luôn giành những phần thưởng cho các giáo viên đạt thành tích cao trong các hội thi. Đi đôi với phong trào thi đua “ Hai tốt” là việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động quản lý và dạy học, phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, viết sáng kiến kinh nghiệm được đẩy mạnh. Ngành giáo dục đã tổ chức tốt Hội thi giáo viên ứng dụng CNTT giỏi trong các trường học. Trong giảng dạy các môn học việc dạy học tích hợp nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân đã được quan tâm.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị đạo đức nghề nghiệp, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Cuộc vận động có ý nghĩa thiết thực cho thấy sự cần thiết phải thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục; đẩy lùi các tiêu cực trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhiều đơn vị đã có cách làm năng động, sáng tạo để vận động, cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động chủ động thực hiện với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương kịp thời, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý trong đó có 01 nhà giáo nhân dân, 18 nhà giáo ưu tú, 14 đơn vị và 05 cá nhân được tặng Huân chương lao động, 01 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 98 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh... Đó là những tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, tinh thần yêu nghề, yêu người, tận tâm với sự nghiệp trồng người.
Phát huy kết quả đã đạt được, để phong trào thi đua yêu nước và hưởng ứng các cuộc vận động tiếp tục phát huy được hiệu quả, trong thời gian tới các đơn vị cần tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch nội dung khoa học sát với thực tiễn đơn vị đồng thời tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai phong trào thi đua với việc hưởng ứng các cuộc vận động, biết lồng ghép với các hoạt động khác trong nhà trường. Cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên về mục đích ý nghĩa của các cuộc vận động. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng nhằm động viên phong trào và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong các cơ sở giáo dục. Tiếp tục làm cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành nhận thức sâu sắc nội dung và ý nghĩa của “Tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của mỗi thầy, cô giáo từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động về ý thức thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lương tâm nhà giáo; tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế.
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động trong mỗi năm học phải lồng ghép với kế hoạch chung của nhà trường, gắn liền với nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức và cá nhân trong đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền, toạ đàm, hội thảo về phẩm chất đạo đức, tự học và sáng tạo của cán bộ, nhà giáo và người lao động với các hình thức phong phú và cách làm sáng tạo; toạ đàm hội thảo về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Mỗi trường học đều có khẩu hiệu “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Việc tổ chức, triển khai cuộc vận động cần gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua “ Dạy tốt-Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và các cuộc vận động khác đang tổ chức trong đơn vị, gắn liền với việc thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện cuộc vận động, chú trọng công tác kiểm tra của thủ trưởng đơn vị và tự kiểm tra, giám sát của đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động, học sinh, sinh viên nhà trường và đơn vị. Kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động của các cấp trong ngành. Cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn giáo dục các cấp gương mẫu thực hiện cuộc vận động./.
                                                       Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch CĐGD Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây