Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Công đoàn Quảng Trị: Kết quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước

Thực hiện Quyết định 399-QĐ/TU ngày 18/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành “Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Đề án 399). Trong 5 năm qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS khu vực ngoài nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án.
bai viet chanh
Đồng chí Nguyễn Thế Lập – TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà cho công nhân lao động khó khăn tại Lễ công bố thành lập CĐCS Công ty TNHH Cát Thạch anh cao cấp VICO-NSG

Trước khi Đề án ban hành, tình hình phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đa số doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình, sử dụng ít lao động (chiếm trên 70%), hoạt động không ổn định. Một số doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động đông, ổn định nhưng người sử dụng lao động chưa quan tâm, tạo điều kiện để thành lập công đoàn cơ sở. Một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn nên chưa mong muốn gia nhập tổ chức Công đoàn. Hoạt động của một số CĐCS khu vực ngoài nhà nước chưa hiệu quả. 
Căn cứ tình hình thực tiễn, để góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 399, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện. Các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng Kế hoạch của đơn vị và tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong đó, phân công trách nhiệm rất cụ thể cho các thành viên. 
Hằng năm, LĐLĐ tỉnh khảo sát, thống kê, nắm tình hình doanh nghiệp và công nhân lao động trên địa bàn để giao chỉ tiêu và ký cam kết về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS với LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành; xem đây là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua khen thưởng. Phân công cán bộ tại cơ quan LĐLĐ tỉnh tăng cường cùng với huyện, ngành đến với doanh nghiệp vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Định kỳ tổ chức Hội nghị giao ban để rút kinh nghiệm chỉ đạo, đôn đốc triển khai, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đề ra giải pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn phát động các đợt thi đua cao điểm vào dịp “Tháng Công nhân”, kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7) hàng năm để tạo động lực cho các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. 
Cùng với những giải pháp, đổi mới trong công tác chỉ đạo, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước thông qua thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tổ chức được các chương trình có sức lan tỏa sâu rộng như Tết Sum vầy, Tháng Công nhân, Mái ấm công đoàn.... Hỗ trợ cho hàng ngàn đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Ký kết các chương trình phúc lợi cho đoàn viên nhằm lấy việc chăm lo lợi ích cho đoàn viên để thu hút người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn. Phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, động viên người lao động ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển doanh nghiệp. Trong những giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, công đoàn đã vận động người lao động chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. 
Bằng những giải pháp cụ thể, những việc làm thiết thực, với quyết tâm, sự kiên trì, nỗ lực của các cấp công đoàn, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tính từ cuối năm 2015, trong tổng số 2.024 DN ngoài nhà nước ở Quảng Trị chỉ có 166 CĐCS với 7.584 đoàn viên công đoàn. Sau 5 năm, đã thành lập thêm được 167 CĐCS, kết nạp 7.561 đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước vào tổ chức công đoàn. Đến nay, toàn tỉnh có 286 CĐCS với 11.217 đoàn viên trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn được quan tâm thực hiện tốt. 5 năm qua đã kết nạp được 193 đoàn viên (là CNLĐ trực tiếp) vào Đảng. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, số lượng công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… 
Do đó, thời gian tới, các cấp công đoàn cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, đổi mới, sáng tạo các phương thức vận động, mô hình tập hợp phù hợp với tình hình mới. Chú trọng tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đồng cấp; chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng liên quan để nắm bắt, khảo sát, điều tra, dự báo tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, để xây dựng kế hoạch vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng CĐCS. Tập trung làm tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, nhằm lấy lợi ích làm điểm thu hút, tập hợp đoàn viên; đẩy mạnh tuyên truyền sâu về tổ chức Công đoàn bằng việc lan tỏa những việc làm thiết thực, hiệu quả; tăng cường công tác tư vấn pháp luật cho người lao động, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; vận động người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước... Đặc biệt, cần huy động người lao động chưa phải là đoàn viên tham gia vào các phong trào, hoạt động của tổ chức Công đoàn, qua đó giúp người lao động hiểu biết hơn về tổ chức Công đoàn, mong muốn gia nhập công đoàn./.

Tác giả bài viết: Mỹ Hạnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây