Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


88 năm phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh Quảng Trị

Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 (1929 – 2017), Website Công đoàn Quảng Trị trân trọng giới thiệu sơ lược lịch sử 88 năm phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Quảng Trị.
88 năm qua, phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVC, LĐ) và hoạt động Công đoàn Quảng Trị luôn gắn liền với từng giai đoạn lịch sử phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam và lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà. Cùng với tổ chức Công hội đỏ Việt Nam được thành lập ngày 28 tháng 7 năm 1929, trong những năm 1930 - 1931, thực hiện các chủ trương của Đảng, tổ chức Công hội Đỏ tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi công nhân, lao động (CNLĐ) tích cực tham gia các phong trào rải truyền đơn, treo cờ Đảng trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, kêu gọi đồng bào biểu tỉnh phản đối khủng bố trắng của thực dân Pháp và ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Sự kiện ngày 01 tháng 5 năm 1930 của CNLĐ và tổ chức Công đoàn Quảng Trị đã ghi vào lịch sử, đánh dấu bước ngoặt chuyển từ phong trào đấu tranh tự phát sang tự giác có tổ chức, có sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Quảng Trị.
Từ Đại hội Công đoàn tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất (1946) đến nay, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và hơn 40 năm xây dựng quê hương sau ngày giải phóng cũng như trong công cuộc đổi mới, Công đoàn Quảng Trị đã qua 11 kỳ Đại hội, trong đó có 2 kỳ Đại hội trong thời kỳ Quảng Trị cùng với cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1946, 1950), 4 kỳ Đại hội tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất (1977, 1981, 1983, 1988) và 5 kỳ Đại hội sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại (1993, 1998, 2003, 2008, 2013).
Dù trong ngút ngàn bom lửa của chiến tranh hay trong gian khổ của thời kỳ đổi mới xây dựng quê hương, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Quảng Trị đã không ngừng phát triển và trưởng thành, giữ vững, phát huy được truyền thống của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, phát huy được truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, truyền thống của quê hương Quảng Trị anh hùng; luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống tổ chức công đoàn Quảng Trị đến nay đã từng bước kiện toàn và đổi mới, toàn tỉnh hiện có 1.125 CĐCS, trong đó: có 924 CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp, 201 CĐCS khu vực doanh nghiệp; có 9 LĐLĐ huyện, thị xã, 6 công đoàn ngành địa phương; 01 công đoàn Viên chức tỉnh và bộ máy hoạt động của Cơ quan LĐLĐ tỉnh; tập hợp trên 37.000 đoàn viên công đoàn trong trong tổng số hơn  6 vạn lao động trong các thành phần kinh tế.
Với những thành tích đóng góp quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng, phát triển đội ngũ CNVC,LĐ và sự nghiệp giải phóng quê hương, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà qua các thời kỳ, Công đoàn Quảng Trị vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1984, Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 1994, Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 1998, Huân Chương Độc lập hạng Ba năm 2003, Huân Chương Độc lập Hạng Nhì năm 2008; 2 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Cờ “Đơn vị có phong trào thi đua xuất sắc toàn diện” trong 3 nhiệm kỳ liên tục, từ Đại hội IX đến Đại hội XI; được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua 5 năm 2003-2008... và nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, một niềm vui mới, một vinh dự lớn lao cho toàn thể cán bộ, đoàn viên, CNVC,LĐ và Công đoàn Quảng Trị được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc Lập Hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Nhà nước dành cho CNVC,LĐ và Công đoàn Quảng Trị.
Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Biểu dương CNVCLĐ tiêu biểu lần thứ I
* Công đoàn Quảng Trị qua các kỳ Đại hội
+ Đại hội lần thứ I họp vào tháng 8 năm 1946 tại Thị xã Quảng Trị. Tham dự Đại hội có 122 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 25 đồng chí; Đồng chí Trần Tiềm được Đại hội bầu làm Thư ký
+ Đại hội lần thứ II họp vào ngày 15 tháng 1 năm 1950 tại Phong An, huyện Triệu Phong. Tham dự Đại hội có 300 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 25 đồng chí; Đồng chí Trần Đăng Hằng được bầu làm Thư ký. Sau đó, đồng chí Nguyễn Tiếp được cử làm quyền Thư ký thay đồng chí Trần Đăng Hằng chuyển công tác.
Sau khi thống nhất đất nước, ngày 29.6.1976 hợp nhất Công đoàn tỉnh Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thành Liên hiệp Công đoàn Bình Trị Thiên. Ban Chấp hành lâm thời gồm 27 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Thụ làm Thư ký
+ Đại hội lần thứ III (là Đại hội lần thứ nhất sau hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên), họp từ ngày 22 đến 27 tháng 11 năm 1977 tại Thành phố Huế. Tham dự Đại hội có 412 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 39 đồng chí, Ban Thường vụ 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Thụ được bầu làm Thư ký. Sau đó đồng chí Trần Duy Kham được cử làm quyền Thư ký thay đồng chí Nguyễn Văn Thụ chuyển công tác.
+ Đại hội lần thứ IV (là Đại hội II Công đoàn Bình Trị Thiên) họp từ ngày 14 đến 16 tháng 8 năm 1981 tại Thành phố Huế. Tham dự Đại hội có 350 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 41 đồng chí, Ban Thường vụ 11 đồng chí. Đồng chí Lê Viết Tâm được bầu làm Thư ký.
+ Đại hội lần thứ V (Là Đại hội III Công đoàn Bình Trị Thiên) họp từ ngày 26 đến 29 tháng 8 năm 1983 tại Thành phố Huế. Tham dự Đại hội có 300 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 42 đồng chí, Ban Thường vụ 13 đồng chí. Đồng chí Lê Viết Tâm được Đại hội bầu tái cử chức danh Thư ký.
+ Đại hội lần thứ VI (Là Đại hội IV Công đoàn Bình Trị Thiên), họp từ ngày 28 đến 30 tháng 7 năm 1988 tại Thành phố Huế. Tham dự Đại hội có 280 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 41 đồng chí, Ban Thường vụ 12 đồng chí. Đồng chí Lê Viết Tâm được bầu tái cử chức danh Thư ký.
Từ ngày 01 tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập. Ngày 15 tháng 7 năm 1989 LĐLĐ tỉnh Quảng Trị được thành lập; Đồng chí Nguyễn Văn Viêm được cử làm Phó Chủ tịch. Đến tháng 5 năm 1990, đồng chí Nguyễn Văn Viêm được cử làm quyền Chủ tịch. Tháng 5 năm 1991, đồng chí Lương Trung Thông được bầu làm Chủ tịch thay đồng chí Nguyễn Văn Viêm nghỉ hưu.
+ Đại hội lần thứ VII  họp từ ngày 25 đến 26 tháng 6 năm 1993 tại Thị xã Đông Hà. Tham dự Đại hội gồm có 173 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 23 đồng chí, Ban Thường vụ 7 đồng chí. Đồng chí Lương Trung Thông được bầu làm Chủ tịch.
+ Đại hội lần thứ VIII  họp từ ngày 18 đến 21 tháng 6 năm 1998 tại Thị xã Đông Hà; tham dự Đại hội có 199 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 27 đồng chí, Ban Thường vụ 9 đồng chí. Đồng chí Lương Trung Thông được tái cử chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
+ Đại hội lần thứ IX họp từ ngày 25 đến 27 tháng 6 năm 2003 tại thị xã Đông Hà; Tham dự Đại hội có 209 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 33 đồng chí; Ban Thường vụ 11 đồng chí. Đồng chí Phan Quyết được bầu làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
+ Đại hội lần thứ X họp từ ngày 25 đến 27 tháng 6 năm 2008 tại thành phố Đông Hà. Tham dự Đại hội có 250 đại biểu. Đại hội đã bầu BCH gồm 37 đồng chí; Ban Thường vụ 12 đồng chí. Đồng chí Phan Quyết được bầu tái cử chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
+ Đại hội lần thứ XI họp từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 3 năm 2013 tại thành phố Đông Hà. Tham dự Đại hội có 266 đại biểu; Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2013-2018 gồm 39 đồng chí, Ban Thường vụ 12 đồng chí; Đồng chí Nguyễn Thế Lập được bầu giữ chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh.
*Mục tiêu, nhiệm vụ của Công đoàn Quảng Trị, nhiệm kỳ 2013 - 2018
Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trước tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đại hội XI Công đoàn Quảng Trị xác định mục tiêu, phương châm hành động và các chỉ tiêu, nhiệm vụ của hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2013-2018:
Mục tiêu, phương hướng tổng quát:
“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức để nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn. Tích cực, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức tư tưởng, chính trị, gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao địa vị chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, người lao động. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới, xây dựng các cấp công đoàn vững mạnh.  Chú trọng phát triển đoàn viên và thành lập tổ chức công đoàn trong các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV”.
Khẩu hiệu hành động:
“Vì đoàn viên và người lao động, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị giàu đẹp”.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2013-2018:
- Có trên 90% cán bộ công chức, viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, trên 50% CNLĐ trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tuyên truyền, học tập các chủ trương, đường lối của Đảng, các chế độ chính sách, pháp luật Nhà nước và Nghị quyết của tổ chức công đoàn.
- Phát triển mới 7.000 đoàn viên.
- Phấn đấu 70% doanh nghiệp, đơn vị có đủ điều kiện theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thành lập được công đoàn cơ sở và có trên 50% công nhân lao động ở các doanh nghiệp, đơn vị đó gia nhập công đoàn.
- 100% cán bộ công đoàn các cấp được bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn. 100% cán bộ công đoàn chuyên trách đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo quy định.
- Hàng năm có trên 80% CĐCS đạt tiêu chuẩn CĐCS vững mạnh, không có CĐCS yếu kém, trong đó có 20% CĐCS đạt vững mạnh xuất sắc.
- Phấn đấu trong nhiệm kỳ giới thiệu 5.000 đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp.
- Hàng năm có 100% doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp tổ chức được Đại hội CNVC, Hội nghị CBCC; trên 70% số doanh nghiệp ngoài nhà nước và đơn vị sự nghiệp dân lập (đã thành lập tổ chức Công đoàn) tổ chức Hội nghị người lao động. 100% doanh nghiệp có tổ chức CĐCS có Thỏa ước lao động tập thể và Nội quy lao động.
- Hàng năm, các công đoàn cấp trên cơ sở và LĐLĐ tỉnh phối hợp các ngành  chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động   từ 100 doanh nghiệp, đơn vị trở lên.
- Phấn đấu trong nhiệm kỳ có trên 60% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được   công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Nhiệm vụ:
- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
- Tuyên truyền giáo dục đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.
- Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động.
- Đổi mới nội dung phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh.
- Công tác vận động nữ.
- Công tác kiểm tra và hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Công tác tài chính, hoạt động kinh tế và đối ngoại của công đoàn.
 

Tác giả bài viết: TGCĐ (biên tập)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây