Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


BHXH tỉnh Quảng Trị: Hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ BHXH theo luật BHXH 2014

Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc và Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 5435/BHXH-CSXH ngày 31/12/2015 về hướng dẫn tạm thời thực hiện các chế độ BHXH theo Luật BHXH 2014 từ ngày 01/01/2016. Để triển khai thực hiện đúng quy định của Luật BHXH 2014, ngày 04/02/2016 BHXH tỉnh ban hành Công văn số 143/BHXH-CĐBHXH hướng dẫn tạm thời thực hiện một số nội dung của Luật BHXH năm 2014 như sau:


1. Một số điểm mới cần lưu ý của Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006:
1.1. Chế độ ốm đau:
- Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (quy định cũ chia cho 26 ngày).
- Đối với bệnh cần chữa trị dài ngày, không quy định thời gian hưởng lặp lại hàng năm mà quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau mức 75% trong 180 ngày, sau đó nếu vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn lần lượt là 65%, 55%, 50%, thời gian hưởng tối đa bằng thời gian người lao động đã đóng BHXH.
- Bỏ quy định mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày thấp nhất tính bằng mức lương tối thiểu chung (nay là lương cơ sở).
 1.2. Chế độ thai sản:
- Lao động nam đang đóng BHXH, khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản: 05 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; 14 ngày làm việc khi vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
- Đối với lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, nếu đã đóng BHXH đủ 12 tháng trở lên thì chỉ cần điều kiện đóng BHXH đủ 03 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (quy định cũ phải đóng BHXH đủ 06 tháng).
- Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
 - Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con (quy định cũ cha chỉ được hưởng trong trường hợp mẹ chết khi sinh con).
 - Bổ sung quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và Gia đình sửa đổi.
- Mức hưởng một ngày đối với trường hợp lao động nữ đi khám thai, lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con được tính bằng mức hưởng chế độ theo tháng chia cho 24 ngày; mức hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33, Điều 37 của Luật BHXH 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày. 
1.3. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/01/2016 – 30/06/2016: Thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2014; từ ngày 01/07/2016: Thực hiện theo quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/06/2015.
1.4. Chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe (DSPHSK):
- Quy định một mức hưởng chung đối với DSPHSK sau ốm đau, thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
- DSPHSK sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
+ Từ ngày 01/01/2016 – 30/06/2016: Thực hiện theo Luật BHXH 2014, mức DSPHSK là 25% đối với trường hợp nghỉ tại gia đình và 40% đối với trường hợp nghỉ tập trung.
+ Từ ngày 01/07/2016: Thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 54, Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 , mức hưởng DSPHSK một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
2. Quy định về thủ tục hồ sơ, biễu mẫu và trình tự, thời hạn giải quyết các chế độ BHXH:
2.1. Thành phần hồ sơ và biễu mẫu, quy trình, thời hạn giải quyết hưởng các chế độ BHXH:
- Về hồ sơ: Thực hiện theo quy định tại các Điều: 100, 101, 104, 105, 108, 109, 111 của Luật BHXH 2014; Điều 5 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015; Quyết định số 01/QĐ-BHXH ngày 03/01/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH; Quyết định số 919/QĐ-BHXH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 01/QĐ-BHXH, Quyết định số 1399/QĐ-BHXH và Quyết định số 488/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.
- Về thời hạn giải quyết: Thực hiện theo quy định tại các Điều: 102, 103, 106, 107, 110, 112, 116 Luật BHXH 2014.
- Công văn số 5435/BHXH-CSXH của BHXH Việt Nam đã bãi bỏ Giấy đăng ký nhận lương hưu và nơi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-BHXH), nên đối với đơn vị sử dụng lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ hưu trí qua dịch vụ bưu điện, đề nghị đơn vị cung cấp thêm thông tin về: Họ tên, địa chỉ nơi nhận lương hưu, nơi đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, số tài khoản và tên ngân hàng (đối với người có đề nghị nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân) vào cột “Ghi chú” tại mẫu số 01 BK-BHXH của Công văn số 950/BHXH-TNQLHS ngày 12/10/2015 của BHXH tỉnh Quảng Trị.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ BHXH tỉnh hoặc BHXH huyện căn cứ mẫu số 01 BK-BHXH để nhập thông tin vào phần mềm Tiếp nhận hồ sơ 2.0, in Giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (mẫu số 01 ban hành theo Quyết định số 999/QĐ-BHXH) theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Công văn số 5435/BHXH-CSXH, gửi đơn vị sử dụng lao động 01 bản, 01 bản chuyển cùng hồ sơ cho phòng/bộ phận nghiệp vụ liên quan sau đó lưu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
2.2. Chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK:
 Đơn vị sử dụng lao động sử dụng Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu C70a-HD) và Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu C70b-HD) ban hành kèm theo Công văn số 5435/BHXH-CSXH để thay thế cho mẫu hiện đang sử dụng cho đến khi Bộ Tài Chính có quy định mới.
2.3. Thanh quyết toán chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK:
Từ ngày 01/01/2016 trở đi, các đơn vị sử dụng lao động không giữ lại tiền đóng BHXH 2% tại đơn vị để chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức PHSK như quy định của Luật BHXH 2006 mà thực hiện thanh quyết toán theo chứng từ đơn vị nộp cho cơ quan BHXH. Sau khi thẩm định xong hồ sơ do đơn vị đề nghị, cơ quan BHXH có trách nhiệm chuyển tiền, chi trả cho người lao động bằng các hình thức: Chi trả trực tiếp tại cơ quan BHXH, chi trả qua tài khoản tiền gửi cá nhân, chi trả thông qua đơn vị SĐLĐ.
Hình thức chi trả được cơ quan BHXH xác định căn cứ trên nội dung được ghi tại cột C (hình thức nhận trợ cấp), mẫu 70a-HD ban hành kèm theo Công văn số 5435/BHXH-CSXH: Nếu để trống thì được hiểu là nhận tiền mặt thông qua người sử dụng lao động; nếu nhận tiền qua tài khoản tiền gửi thì ghi số tài khoản, tên ngân hàng của người lao động; nếu nhận tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH thì ghi: BHXH.
3. Giới thiệu giám định y khoa:
Luật BHXH 2014 không quy định trách nhiệm giới thiệu đi giám định y khoa mức suy giảm khả năng lao động đối với cơ quan BHXH. Việc giám định y khoa từ ngày 01/01/2016 do người sử dụng lao động, người lao động, thân nhân người lao động thực hiện, cụ thể:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu người lao động ra Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp:
+ Bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp lần đầu;
+ Bị tai nạn lao động nhiều lần, bị bệnh bệnh nghề nghiệp nhiều lần hoặc vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
+ Nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55, Luật BHXH 2014.
- Người lao động chủ động đi giám định y khoa trong trường hợp:
+ Tái phát thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Đang bảo lưu thời gian đóng BHXH;
- Thân nhân người lao động hưởng chế độ trợ cấp tử tuất hàng tháng chủ động đi giám định y khoa trong thời hạn: Trong vòng 04 tháng kể từ khi người tham gia BHXH chết; trường hợp thân nhân là con đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì thời gian giới thiệu giám định y khoa trong vòng 04 tháng trước và sau thời điểm dừng hưởng trợ cấp theo quy định.
- Hồ sơ giám định: Trong thời gian chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, hồ sơ giám định vẫn tiếp tục thực hiện theo Thông tư 07/2010/TT-BYT ngày 05/04/2010 của Bộ Y tế về hướng dẫn việc giám định mức suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia BHXH bắt buộc nhưng bỏ các thành phần hồ sơ liên quan đến việc cơ quan BHXH giới thiệu người lao động, thân nhân người lao động ra Hội đồng Giám định y khoa.
Trường hợp thành phần hồ sơ giám định y khoa có yêu cầu các giấy tờ do BHXH tỉnh đang lưu giữ, người sử dụng lao động hoặc người lao động đề nghị cung cấp bản sao thông qua BHXH huyện hoặc đến trực tiếp tại BHXH tỉnh.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 84, Luật BHXH 2014, trường hợp giám định y khoa không do người sử dụng lao động giới thiệu mà có kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH thì chi phí giám định do cơ quan BHXH chi trả, trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng, người lao động và thân nhân người lao động có trách nhiệm lưu giữ lại chứng từ chi phí giám định, sau khi có hướng dẫn, cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh toán theo quy định.
4. Quy định chuyển tiếp:
4.1. Người lao động bị ốm đau, tai nạn rủi ro phải nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì giải quyết chế độ ốm đau, theo quy định của Luật BHXH năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4.2 Người lao động có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau của năm nào tính vào thời gian hưởng chế độ ốm đau của năm đó.
4.3. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa dài ngày do Bộ Y tế ban hành đang hưởng chế độ ốm đau dài ngày trước ngày 01/01/2016 và từ ngày 01/01/2016 trở đi vẫn đang hưởng chế độ ốm đau dài ngày thì được tiếp tục thực hiện chế độ ốm đau theo quy định của Luật BHXH 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4.4. Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi trước ngày 01/01/2016 được giải quyết theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong thời gian hưởng, nếu lao động nữ hoặc con của lao động nữ chết từ ngày 01/01/2016 trở đi thì chế độ đối với người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc chế độ đối với người mẹ được thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4.5. Chế độ nghỉ DSPHSK sau thai sản của lao động nữ sau thời gian nghỉ sinh được căn cứ vào quy định của chính sách tại thời điểm bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ DSPHSK để giải quyết, cụ thể:
- Thời điểm bắt đầu nghỉ DSPHSK từ trước ngày 01/01/2016 thì thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2006, mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ DSPHSK tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ DSPHSK tại cơ sở tập trung.
- Thời điểm bắt đầu nghỉ DSPHSK từ ngày 01/01/2016 trở đi thì thực hiện theo quy định của Luật BHXH 2014, mức hưởng chế độ DSPHSK sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Chi tiết văn bản Luật BHXH 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Công văn số 5435/BHXH-CSXH và biểu mẫu được BHXH tỉnh đăng tải tại địa chỉ website BHXH tỉnh: http://bhxh.quangtri.gov.vn/  

Tác giả bài viết: BBT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây