Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Chào mừng kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2015) Công hội đỏ Bắc kỳ - tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng

Phong trào yêu nước, phong trào công nhân và công hội Việt Nam, cùng với hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đầu thế kỷ 20 đã tạo ra những điều kiện tiền đề (tư tưởng lý luận và tổ chức) đầy đủ và chín muồi, để xuất hiện tổ chức Công hội đỏ có ý nghĩa toàn quốc (28-7-1929) là một sản phẩm tất yếu của lịch sử.
Báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. (Ảnh TLBTLSQG)
Dưới ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng, tư tưởng công hội đỏ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và hoạt động của tổ chức Thanh niên, từ năm 1926 phong trào công nhân Việt Nam đang tiến tới thành lập chính đảng cách mạng và tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân. Chuẩn bị cho sự ra đời của Công hội đỏ Việt Nam gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (tháng 6-1925), hay gọi tắt là tổ chức “Thanh niên”.
Ngay từ năm 1926, khi phát triển cơ sở về trong nước, tổ chức “Thanh niên” luôn coi trọng việc xây dựng Công hội đỏ, theo đúng mục đích tôn chỉ và phương thức, điều lệ của Quốc tế Công hội đỏ  đã chỉ ra. Đến năm 1927-1928 tại tất cả các khu công nghiệp, các thành phố từ Bắc tới Nam Kỳ đều có cơ sở, tiêu biểu là: Nhà máy Điện, sửa chữa ô tô AVIA (Hà Nội), Nhà máy Xi măng, sợi, Nhà máy Chai (Hải Pḥòng), Ḥòn Gai, Quảng Yên (khu mỏ Quảng Ninh): Dệt và sợi (Nam Định), Diêm, Cưa, Xe lửa Tràng Thi (Vinh)… Ở Nam Kỳ, Công hội đỏ cũng hình thành và khá mạnh, chủ yếu ở các khu công nghiệp Sài Gòn – Chợ Lớn và các đồn điền cà phê, cao su ở miền Đông Nam Bộ.
 Sau chiến thắng của công cuộc vận động vô sản hoá mùa thu năm 1928, từ tổ chức cách mạng “Thanh niên” đã dần dần hình thành các tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ (tháng 6-1929), An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ (tháng 8-1929). Tiếp theo ảnh hưởng từ hai sự kiện này, những phần tử tích cực nhất của Đảng Tân Việt cũng lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn (tháng 9-1929) ở Trung Kỳ.
Như một lô-gích lịch sử, đến lượt mình, các tổ chức cộng sản này lại đẩy nhanh quá tŕnh hình thành tổ chức cho Công hội đỏ Việt Nam, đặc biệt là Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ. Hà Nội thực sự là một trong những trung tâm mạnh nhất của phong trào Công hội đỏ dưới sự chỉ đạo của các chi bộ “Thanh niên”. Cuối năm 1928, ở Hà Nội đã ra đời Tổng Công hội đỏ do đồng chí Trần Văn Sửu (từ Trần Học Hải) phụ trách. Các nhân vật lãnh đạo chủ yếu của Tổng bộ Thanh niên Bắc Kỳ như Nguyễn Công Thu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc cũng là những người lãnh đạo trực tiếp phong trào công nhân Hà Nội.
Ngày 4-5-1929 cuộc bãi công nổi tiếng của công nhân hãng AVIA ở Hà Nội do đích thân Ngô Gia Tự chỉ đạo Công hội đỏ nhà máy tổ chức, rải truyền đơn của Tổng Công hội đỏ Hà Nội đã có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị -xã hội lúc đó. Chúng ta cũng biết rằng, với phong trào Vô sản hoá những vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân và thợ thuyền đã in đậm trong những sự kiện xã hội. Điều này tác động đến cả nhận thức của giới trung lưu, trí thức. Không chỉ bản thân báo chí cách mạng nhìn thấy vấn đề sự cần thiết phải có tổ chức công đoàn (phổ biến hơn thời đó là nghiệp đoàn), mà nhiều tờ báo công khai hợp pháp đã lên tiếng về vấn đề này. Báo Phụ nữ tân văn số 9-5-1928 viết: “Tình cảnh công nhân nước mình hễ đàn ông đáng thương chừng nào thì đàn bà đáng thương chừng ấy. Mà ai kêu cho mình? Nếu tự mình bênh vực lấy quyền lợi của mình phải có cơ quan nghiệp đoàn (Syndicat) có sức mạnh mới được. Nhưng có ai để cho mình tự do lập Hội hay không:”…
Ngay sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28-7-1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Tham dự đại hội có đại biểu các Tổng Công hội tỉnh và thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Pḥòng, khu mỏ Đông Triều, Mạo Khê. Đại hội đă bầu Ban chấp hành Trung ương lâm thời Công hội đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội cũng đã thông qua chương trình, Điều lệ của Công hội đỏ Việt Nam và quyết định cho xuất bản tờ Lao Động (số đầu ra ngày 14-8-1929 do chính Nguyễn Đức Cảnh và Trần Học Hải phụ trách). Ban Chấp hành lâm thời còn có các đồng chí Trần Hồng Vân, Trần Văn Các, Nguyễn Huy Thảo và đặc biệt có đồng chí Trần Văn Lan (tức Giáp Cóc), một công nhân ưu tú của phong trào công nhân ở Nhà máy Sợi Nam Định…
Việc ra mắt tổ chức công đoàn đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam ngay lúc đó đă thu hút sự chú ý của Quốc tế Công hội đỏ và của Đảng Cộng sản Pháp. Chào mừng sự kiện ngày 28-7-1929, báo Nhân đạo (L’Humanité), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 7-12-1929 đă viết: “Những người lao động Pháp chào mừng sự ra đời của phong trào công đoàn và cộng sản ở những nước thuộc địa Viễn Đông. Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, sự áp bức thuộc địa, sự khủng bố tàn khốc, để  giải phóng những người bị kết án tử hình, những người an nam này sẽ tìm thấy ở giai cấp công nhân Pháp đứng bên cạnh trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung”.
Có thể nói, việc thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Nó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như của phong trào yêu nước nói chung từ sau tháng 6-1925. Đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu bức thiết về mô hình tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam và đánh dấu sự hoà nhập của phong trào công nhân nước ta với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Sự kiện quan trọng này cũng được đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 1950 – 1978, đánh giá như sau:
“Trong lịch sử phong trào Công đoàn Việt Nam, Công hội đỏ là tổ chức quần chúng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, Công hội đỏ ra đời giữa lúc giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam bị áp bức bóc lột thậm tệ. Sớm được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Công hội đỏ đã luôn gắn liền việc vận động quần chúng tranh đòi quyền lợi hàng ngày với việc tổ chức công nhân đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân chống đế quốc Pháp để giải phóng dân tộc. Đồng thời, Công hội đỏ cũng góp phần đặt mối quan hệ đầu tiên giữa phong trào công nhân Việt Nam với phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là công đoàn và công nhân Pháp”.
Với những mầm mống đầu tiên gieo trên đất Pháp, nơi có truyền thống lâu đời của giai cấp công nhân, cơ sở công hội cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam xuất hiện ở Sài Gòn đầu những năm 20 của thế kỷ này, Công hội đỏ thực sự hình thành trên quy mô quốc gia vào cuối năm 1929, tại trung tâm của phong trào công nhân Việt Nam lúc đó là xứ Bắc Kỳ, cũng là nơi có phong trào cộng sản mạnh mẽ và vững chắc nhất, Công hội đỏ Việt Nam ra đời gần như trùng khít với sự hình thành những tổ chức cộng sản, đầu tiên cũng như sự thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930). Đó là một đặc điểm quan trọng của phong trào công nhân nước ta, dù đội ngũ còn non trẻ, nhưng việc xuất hiện các tổ chức công đoàn ở Việt Nam không có gì dị biệt với lịch sử phát triển chung của phong trào công nhân và công đoàn quốc tế cũng như trước hết là với các nước thuộc địa và phụ thuộc khác.
Vừa ra đời, Công hội đỏ Việt Nam đã thực hiện cuộc hoà nhập vào dòng thác của Quốc tế Công hội đỏ, được sự lãnh đạo cũng ngay từ đầu tiên cao trào 30-31, thực chất là phong trào công nông – dù lực lượng còn ít ỏi đã tỏ ra là một tổ chức có tính chiến đấu thực sự không chỉ cho quyền lợi của giai cấp mình mà còn sớm thể hiện vai trò “tự mình trở thành dân tộc”. Truyền thống cách mạng và đoàn kết quốc tế của Công hội đỏ Việt Nam có những cội nguồn lịch sử sâu xa. Tôn Đức Thắng ở Biển Đen 1919 cũng như những chiến sĩ quốc tế Việt Nam trên tuyến phòng thủ Mát-x-cơ-va sau này trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chỉ là một vạch liên tục của truyền thống thiêng liêng đó.
Là hình thức tổ chức đầu tiên của sự liên minh giai cấp trong lịch sử, Công hội đỏ ở nước ta đã bộc lộ rõ nét nhất những dấu ấn lịch sử, với những di sản xa và gần của giai cấp mình mà nó tiếp nhận. Đúng là Công hội đỏ Việt Nam không phải đụng đầu với những khuynh hướng cơ hội, cải lương, với chủ nghĩa công đoàn và tơ-rốt-kít, cũng không bị chia cắt bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan của phong trào công nhân nhiều nước phương Đông vốn là những sản phẩm của phong trào công nhân và công đoàn các nước Âu-Mỹ, nhưng tổ chức đầu tiên của phong trào công đoàn Việt Nam cũng có những vấn đề của nó. Thoát thai từ một giai cấp chưa có truyền thống xã hội chủ nghĩa, trong những di sản xa và gần, không hề có truyền thống đấu tranh công đoàn kể cả truyền thống phường hội, trừ truyền thống tương tế, ái hữu của nông dân. Chính vì thế trong lịch sử tồn tại của mình Công hội đỏ Việt Nam chưa xây dựng được những công hội nghề nghiệp, hệ thống dọc và ngang  chưa hoàn chỉnh và chưa bao giờ thực sự thống nhất toàn quốc cho tới Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nếu như tính chất chủ yếu của các công đoàn nói chung và tính quần chúng và tính giai cấp thì Công hội đỏ Việt Nam rất đậm nét tính chất sau. Với tổ chức chặt chẽ, trong điều kiện đấu tranh giai cấp và dân tộc gay gắt lại diễn ra trong hoàn cảnh chủ yếu là bất hợp pháp và bí mật, Công hội đỏ nước ta có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh dân tộc, chống đế quốc, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tranh giai cấp, nhất là đấu tranh kinh tế. Những điểm yếu đó đã dần được khắc phục từ 1934 về sau khi Đảng ta có những tổng kết đầu tiên về công tác công vận cũng như sự hoà nhập với phong trào công nhân quốc tế về mặt tổ chức tranh đấu thực tế.
Tính quần chúng còn hạn hẹp trong phong trào Công hội đỏ một phần lớn phản ánh tâm lý tiểu tư sản hẹp hòi hay như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ nhất (3-1935) gọi là “do lỗi của Đảng ta, miệt thị và không hiểu hết sự quan trọng của công nhân vận động” cũng như do chính bản thân những chiến sĩ Công hội đỏ thế hệ đầu tiên chưa thể ý thức hết tính cách độc lập của tổ chức mình, kể cả trong quan hệ với tổ chức tiên phong của nó là Đảng Cộng sản.
Công hội đỏ Việt Nam đúng là không bị chia rẽ về tư tưởng và tổ chức, ngược lại, luôn tỏ ra là một tổ chức thống nhất về chính trị và lực lượng. Tuy nhiên, do còn non trẻ, Công hội đỏ chưa thực sự là một tổ chức quần chúng đông đảo của giai cấp công nhân, nhất là công nhân nông nghiệp, nếu không nói ảnh hướng còn hạn chế của nó với các lực lượng khác.
Trên ý nghĩa đó, rõ ràng lịch sử phong trào Công hội đỏ Việt Nam là một thí dụ sinh động cho định nghĩa cổ điển của Lê-nin về công đoàn, đó là “trường học của chủ nghĩa cộng sản” trong những bước đi đầu tiên của nó. Dù có những hạn chế nhất định do lịch sử bản thân quy định, Công hội đỏ xứng đáng “là những trang quá khứ vĩ đại” của phong trào công nhân và công đoàn nước ta trong tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.
 
Trích từ tài liệu "Kỷ yếu hội thảo 85 năm CĐVN những giá trị bền vững"
Viện Công nhân và Công đoàn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây