Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Kỷ niệm 68 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

Ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. 68 năm qua, theo tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta đã thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng, đưa tới những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Chính phủ lâm thời phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, mở chiến dịch chống nạn mù chữ để diệt giặc dốt, “mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần dân chúng bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính” và sau đó tổ chức phong trào “tuần lễ vàng”. Phong trào Nam tiến chi viện cho Nam Bộ kháng chiến chống xâm lược Pháp... Việc phát động toàn dân tham gia thực hiện các chiến dịch và phong trào này không chỉ nhanh chóng giải quyết được nạn đói, nạn dốt, tăng cường chi viện cho kháng chiến ở miền Nam mà còn nâng cao nhận thức chính trị và khẳng định trên thực tế quyền làm chủ thực sự của nhân dân đối với đất nước mới được độc lập. Phong trào thi đua đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã góp phần to lớn vào việc tăng cường sức mạnh vật chất và tinh thần của dân tộc để bảo vệ thắng lợi thành quả của cách mạng Tháng Tám.
Bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 3 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thực hành “Đời sống mới” như “một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc” trên tinh thần “người này thi đua với người khác, nhà này thi đua với nhà khác, làng này thi đua với làng khác” và yêu cầu “Các cơ quan, các bộ đội, các đoàn thể phải hăng hái thi đua nhau mà làm”. Trong thời gian này, Người cũng đề nghị “những người ái quốc và dân chủ không có đảng phái, phải lấy công tác thực tế về việc cứu quốc và kiến quốc mà thi đua nhau”. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, trong các điện thư gửi đồng bào, chiến sĩ và Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều kêu gọi tiến hành thi đua trong từng lĩnh vực cụ thể.
Để động viên toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, theo sáng kiến của Người, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chuẩn bị cho công việc trọng đại này, ngày 06/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc từ trung ương tới địa phương và Sắc lệnh số 196- SL bổ nhiệm người đứng đầu và các thành viên. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc có tổ chức ở nước ta. Từ đây, phong trào thi đua ái quốc, còn được gọi là phong trào thi đua yêu nước, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động, tổ chức thực hiện và sự phát triển của nó đã gắn liền với lịch sử và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
68 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta. Thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây