Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Liên đoàn Lao động tỉnh: Lấy ý kiến tham gia của cán bộ, đoàn viên về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam

 Thực hiện chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về việc lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện lấy ý kiến trực tiếp đến toàn thể cán bộ công đoàn các cấp nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách và đoàn viên công đoàn tham gia ý kiến vào nhiều nội dung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI. Qua tập hợp ý kiến đoàn viên, cán bộ công đoàn của 7 huyện, thị xã, thành phố; 6 công đoàn ngành, công đoàn Viên chức tỉnh và cán bộ chuyên trách của các ban cơ quan LĐLĐ tỉnh thể hiện nhiều nội dung tham gia sâu sắc, sát thực tiễn và đã đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên công đoàn tỉnh Quảng Trị, thể hiện các nội dung cơ bản sau:
I. Tham gia ý kiến vào nội dung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI:
1) Về đổi tên tổ chức công đoàn.
 - Đa số ý kiến để thống nhất tên gọi trong toàn hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, đề nghị đổi tên Tổng LĐLĐ Việt Nam thành Công đoàn Việt Nam; LĐLĐ cấp tỉnh, LĐLĐ cấp huyện thành Công đoàn tỉnh…., Công đoàn huyện…..
- Có ý kiến đề nghị đổi tên Tổng LĐLĐ Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam.
- Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như Điều lệ hiện hành. Lý do: Tại Điều 7 của Luật Công đoàn 2012 đã quy định : Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng LĐLĐ Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Dùng thuật ngữ LĐLĐ ở công đoàn tương đương cấp hành chính nhà nước để liên kết, tập hợp công đoàn cơ sở do người lao động tự nguyện thành lập tại các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trên địa bàn ( phù hợp với hình thức liên kết cấp công đoàn cơ sở khi luật pháp cho phép người lao động được tự do chọn đại diện theo công ước của tổ chức lao động Quốc tế (ILO).
- Về Huy hiệu Công đoàn Việt Nam có dòng chữ “TLĐ” đề nghị đổi thành “CĐVN” cho phù hợp với tên gọi của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
 2) Về đối tượng tập hợp của Công đoàn Việt Nam; của các công đoàn ngành nghề, công đoàn địa phương; công đoàn các khu công nghiệp. Đối tượng không được gia nhập công đoàn.
Đa số ý kiến thống nhất giữ nguyên như Điều lệ hiện hành.
Riêng về đối tượng không được gia nhập công đoàn có một số ý kiến cho rằng:
- Nên kết nạp vào tổ chức Công đoàn đối với đối tượng là người lao động có quốc tịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:
+ Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực từ 24 tháng trở lên.
+ Nơi người làm việc có tổ chức Công đoàn.
+ Tự nguyện làm đơn xin gia nhập công đoàn.
+ Được CĐCS tại nơi làm việc làm thủ tục kết nạp.
- Có ý kiến đề nghị: Đối với chủ doanh nghiệp, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc nếu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì nên kết nạp vào tổ chức công đoàn và cho rằng nên kết nạp đối tượng này vào công đoàn nếu có nguyện vọng. Thực tế hiện nay, có nhiều chủ doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị… là Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ trực tiếp chỉ đạo hoạt động công đoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động, vì vậy nên kết nạp đối tượng này vào tổ chức công đoàn.
- Có ý kiến đề nghị: Nên xem xét đối tượng tập hợp của tổ chức công đoàn trong loại hình HTX nông nghiệp, vì hiện nay theo luật HTX năm 2013 đã chuyển đổi mô hình hoạt động và 1 số HTX đã đóng BHXH cho người lao động và chi trả các chế độ cho người lao động đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước, vì vậy đề nghị xem xét nên đưa các đối tượng này vào tổ chức công đoàn.
3) Về mô hình tổ chức công đoàn.
- Một số ý kiến tham gia tại Điều 9: Tổng LĐLĐ Việt Nam là tổ chức thống nhất có các cấp cơ bản sau đây, đề nghị sửa lại như sau: Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất có các cấp cơ bản sau đây.
4) Các quy định về bầu cử BCH, BTV, UBKT và các chức danh cán bộ công đoàn.
- Có ý kiến tham gia bổ sung tại Điều 13. Ban Chấp hành công đoàn các cấp, đề nghị bổ sung điều kiện để bầu Ban Thường vụ đối với Công đoàn cơ sở: CĐCS có bao nhiêu đoàn viên hoặc Ban Chấp hành có bao nhiêu ủy viên thì được bầu Ban thường vụ.
5) Về kỷ luật cán bộ công đoàn và đoàn viên công đoàn; quy định bãi miễn nhiệm cán bộ công đoàn.
- Đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên như Điều lệ hiện hành.
- Có ý kiến tham gia Điều 44, tại điểm d, khoản 2: “Đối với cán bộ công đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Quy định như vậy không đúng với quy định pháp luật.
Theo Luật Công đoàn và Điều lệ CĐVN thì cán bộ công đoàn gồm cán bộ không chuyên trách và cán bộ công đoàn chuyên trách. Thực tế cán bộ công đoàn chuyên trách ở các cấp công đoàn là cán bộ, công chức, được điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản pháp luật khác của nhà nước. Tại Điều 78 và 79 của Luật CBCC quy định rõ: Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ như sau: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức; d) Bãi nhiệm. Các hình thức kỷ luật đối với công chức như sau:  a) Khiển trách; b) Cảnh cáo c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức. Như vậy, nếu cán bộ công đoàn là cán bộ công chức, khi vi phạm kỷ luật thì áp dụng Luật cán bộ, công chức hay Điều lệ CĐVN để xử lý. 
Đề nghị sửa đổi: “Hình thức xử lý kỷ luật: Đối với cán bộ công đoàn chuyên trách thực hiện theo quy định của pháp luật”.
6) Việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của công đoàn các cấp.
- Có ý kiến tham gia đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của CĐCS: Trực tiếp hoặc uỷ quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự, giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể …  
Công đoàn cấp trên cơ sở: Nhận uỷ quyền của CĐCS để khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự, giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể …
- Có ý kiến cho rằng hiện nay tổ chức công đoàn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị không liên quan đến chức năng trung tâm của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, nhất là các chương trình phối hợp liên tịch mà thực sự cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở vẫn chưa thể đảm đương được chứ chưa nói đến cán bộ công đoàn không chuyên trách. Vì vậy đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam lựa chọn để quy định nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP.
7) Về công đoàn giáo dục cấp huyện.
- Đa số ý kiến đề nghị giải thể công đoàn giáo dục huyện, chuyển CĐCS trường học về trực thuộc Liên đoàn lao động cấp huyện. Vấn đề tổ chức, chỉ đạo của công đoàn giáo dục huyện đã được nhiều lần thảo luận tại các kỳ Đại hội, trong quá trình chỉ đạo thấy mô hình công đoàn giáo dục là một cấp trung gian khâu nối các công đoàn trường học.
- Có ý kiến đề nghị giải thể công đoàn giáo dục huyện, chuyển CĐCS trường học về trực thuộc Công đoàn ngành giáo dục tỉnh quản lý, chỉ đạo hoạt động.
- Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như Điều lệ hiện hành.
  8) Về công đoàn ngành địa phương.
- Đa số các ý kiến đề nghị quy định riêng một điều về Công đoàn Viên chức Việt Nam, trong đó quy định phạm vi, đối tượng tập hợp, mô hình tổ chức, chỉ đạo, nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Viên chức Việt Nam và đề nghị đổi tên gọi Công đoàn Viên chức thành “Công đoàn Công chức, Viên chức” hoặc Công đoàn Khối các cơ quan từ trung ương đến địa phương cho phù hợp với đối tượng tập hợp. Thực tế đối tượng tập hợp, mô hình tổ chức không thể hiện rõ mang tính ngành nghề mà rất đa dạng, đối tượng tập hợp và một số nhiệm vụ mang tính đặc thù.
- Đa số các ý kiến tham gia đề nghị đối với một số công đoàn ngành địa phương có tính ngành nghề ổn định thì giữ lại, cụ thể là: Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn ngành Y tế và Công đoàn ngành Viên chức tỉnh, còn các công đoàn ngành địa phương khác thì nên chăng quy định là Công đoàn doanh nghiệp (vì ở tỉnh, thành có Đảng ủy khối doanh nghiệp) hoặc các CĐCS doanh nghiệp chuyển giao về cấp huyện quản lý theo địa bàn, các đơn vị thuộc sở chuyên về Công đoàn Viên chức quản lý, sẽ giảm đầu mối, giảm cán bộ chuyên trách.
9) Về công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn các tập đoàn kinh tế nhà nước, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Đa số ý kiến thống nhất giữ nguyên như Điều lệ hiện hành
- Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung Điều lệ quy định việc thành lập Công đoàn khối doanh nghiệp trung ương; Công đoàn khối doanh nghiệp địa phương để đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng theo tiêu chí “Đảng ở đâu lãnh đạo công đoàn ở đó”; Căn cứ vào số lượng đoàn viên, đầu mối CĐCS và mức độ phức tạp của loại hình Công đoàn doanh nghiệp để bố trí cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở cho phù hợp. Giao quyền cho Công đoàn quyết định ý kiến thông qua Cấp ủy.
10) Về điều kiện thành lập công đoàn cơ sở; CĐCS có đông đoàn viên; doanh nghiệp có nhiều chi nhánh đóng tại nhiều tỉnh, thành phố.
- Có ý kiến đề nghị đối với CĐCS có đông đoàn viên; doanh nghiệp có nhiều chi nhánh đóng tại nhiều tỉnh, thành phố nên giữ CĐCS thành viên theo ngành dọc và có quy chế phối hợp chỉ đạo với LĐLĐ địa phương nơi chi nhánh đó đóng.
- Đa số ý kiến đề nghị quy định điều kiện thành lập CĐCS ở khu vực hành chính sự nghiệp là 5 đoàn viên hoặc người lao động, doanh nghiệp là 10 đoàn viên hoặc người lao động.
Lý do: Vì quá trình thực hiện đối với doanh nghiệp nhỏ việc làm không ổn định, nếu có 5 đoàn viên hoặc người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn thì rất khó hoạt động và khó bến vững. Tối thiểu phải có 10 đoàn viên để phù hợp với việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động như vấn đề xây dựng nội quy lao động, tổ chức thực hiện QCDC tại nơi làm việc (đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết TULĐTT).
- Có ý kiến thống nhất về số lượng đoàn viên khi thành lập CĐCS như Điều lệ hiện hành, vì nó phù hợp với tình hình lao động trong các doanh nghiệp hiện nay; nếu thành lập được CĐCS trong các doanh nghiệp này thì sẽ thuận lợi hơn trong thu KPCĐ. 
11) Về tổ chức, bộ máy cơ quan công đoàn các cấp.
- Cơ bản thống nhất giữ nguyên như Điều lệ hiện hành, riêng Điều 14 có một số ý kiến tham gia về quy định thẩm quyền của công đoàn trong việc quyết định tổ chức bộ máy, cán bộ, nhưng thực tế không thực hiện được, vì công tác tổ chức cán bộ là của cấp ủy Đảng quản lý, mà không phân cấp cho tổ chức công đoàn thì không có quyền thực hiện. Đề nghị nên chỉnh sửa nội dung điều này để khi triển khai thực hiện khỏi vướng, vì quy định báo cáo với cấp ủy đảng cùng cấp (nếu có) nhưng thực tế cấp ủy đảng toàn quyền quyết định.
12) Các quy định khác cần bổ sung sửa đổi.
- Có ý kiến tham gia: hiện nay mô hình tổ chức công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp) chưa thống nhất, có nơi công đoàn các KCN quản lý theo mô hình tổ chức của Ban quản lý các KCN, có nơi chỉ quản lý một số KCN, còn lại LĐLĐ cấp huyện quản lý…, việc tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hiện nay có sự chồng chéo giữa công đoàn các khu công nghiệp và công đoàn ngành (địa phương và trung ương). Vì vậy, đề nghị quy định mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao có đủ điều kiện thì thành lập một công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và quy định ở những nơi có công đoàn các khu công nghiệp thống nhất quản lý toàn bộ CĐCS trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (không phân biệt cơ quan chủ quản).
- Có ý kiến tham gia về quyền của đoàn viên: Cần làm rõ hơn các quyền lợi để phân biệt sự khác biệt giữa đoàn viên công đoàn và người lao động chưa gia nhập công đoàn. Có như vậy người lao động mới thấy được quyền khi được gia nhập tổ chức công đoàn.
II. Tham gia ý kiến vào nội dung Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI:
 1) Đa số ý kiến tham gia về các cấp công đoàn theo Điều 9, tại khoản 7.3 (trang 13) đề nghị bỏ Công đoàn giáo dục quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là công đoàn giáo dục huyện).
 2) Có ý kiến đề nghị sửa đổi khoản 8.15 (trang 30): Bầu đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên: “…Số lượng đại biểu dự khuyết do đại hội, hội nghị quyết định; có thể bầu riêng đại biểu dự khuyết, hoặc xin ý kiến đại hội, hội nghị lấy đại biểu dự khuyết là người có số phiếu quá ½ liền kề với người có số phiếu thấp nhất đã trúng cử đại biểu chính thức”.
Nên sửa lại là: “Số lượng đại biểu dự khuyết do đại hội, hội nghị quyết định; có thể bầu riêng đại biểu dự khuyết, hoặc xin ý kiến đại hội, hội nghị lấy đại biểu dự khuyết là người có số phiếu liền kề với người có số phiếu thấp nhất đã trúng cử đại biểu chính thức”( không cần quá ½). Thực hiện điều này sẽ bớt thời gian để Đại hội tập trung vào những công việc chính, tránh những thủ tục mang tính hình thức.
3) Có ý kiến tham gia sửa đổi khoản 8.14 (trang 29) Kết quả bầu cử: “Người trúng cử phải có số phiếu đạt quá ½ so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về... Trường hợp có nhiều người có số phiếu quá ½ ngang nhau mà chỉ cần lấy 1 hoặc một số người cho đủ số lượng cần bầu, thì phải xin ý kiến đại hội quyết định bầu tiếp trong số những người có số phiếu ngang nhau để chọn người có số phiếu cao hơn, trong trường hợp này không cần phải đạt số phiếu bầu quá ½ so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về”.
Đề xuất sửa lại là: “Người trúng cử phải có số phiếu đạt quá ½ so với tổng số phiếu ban bầu cử thu về... Trường hợp có nhiều người có số phiếu quá ½ ngang nhau mà chỉ cần lấy 1 hoặc một số người cho đủ số lượng cần bầu, thì phải xin ý kiến đại hội quyết định không bầu nữa hoặc bầu tiếp trong số những người có số phiếu ngang nhau để chọn người có số phiếu cao hơn”. Có thể bầu bổ sung ủy viên Ban chấp hành còn khuyết sau khi đại hội, tránh việc kéo dài thời gian đại hội do phải bầu lại lần thứ hai hoặc lần thứ ba.
 4) Có ý kiến tham gia đề nghị bổ sung, sửa đổi như sau:
+ Ở khoản 9.2 (trang 31) đề nghị quy định thêm một nội dung: Số lượng ủy viên Ban chấp hành công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận và Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở thành viên không quá 1/3 số đoàn viên. Những nơi có dưới 9 đoàn viên thì bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch. Vì qua thực tế nếu không quy định nội dung này khó thực hiện, có nơi chỉ 6, 7 đoàn viên cũng đề nghị bầu Ban chấp hành thấy không hợp lý nhưng vì hướng dẫn chỉ nói bầu Ban chấp hành, chứ không ràng buộc điều kiện.
+ Ở điểm b, khoản 3, Điều 13 Điều lệ quy định: Trường hợp đặc biệt cần bổ sung mà số ủy viên ban chấp hành bầu bổ sung đã vượt quá số lượng quy định tại điểm a, khoản 3 Điều này, hoặc vượt quá số lượng Đại hội đã thông qua, thì phải được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam….
Nhưng Hướng dẫn thi hành Điều lệ không hướng dẫn nội dung này mà chỉ quy định ở mục 8.3(trang 16) Đại hội bất thường đối với các cấp công đoàn, có nội dung khi số ủy viên ban chấp hành khuyết trên năm mươi phần trăm (50%), (như vậy là kể cả các cấp công đoàn). Tại khoản 9.3 (trang 32) Chỉ định ban chấp hành lâm thời công đoàn, nội dung cuối của điểm a:  Khi khuyết số lượng ban chấp hành quá một phần ba (1/3) đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên, quá một phần hai (1/2) đối với công đoàn cơ sở, mà không tổ chức được đại hội bất thường theo quy định tại mục 8.3, Chương II của Hướng dẫn này. (Ý đầu không phù hợp với quy định tại mục 8.3).
Nếu theo các nội dung này khi thực hiện còn mâu thuẩn. Còn Điểm b, khoản 3, Điều 13 nêu trên chưa có quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đề nghị cần hướng dẫn thêm nội dung này. 
5) Có ý kiến tham gia: khoản 13. Trình tự thành lập công đoàn cơ sở theo Điều 17 tại mục 13.2 (trang 42) Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở:
Đề nghị có quy định bao nhiêu đoàn viên, người lao động thì được tổ chức Hội nghị đại biểu. Vì thực tế có nơi đông người lao động, quy trình sản xuất của nhà máy không thể ngừng hoạt động để tổ chức Hội nghị thành lập công đoàn cơ sở. Do đó có nơi đã thực hiện sai quy định, tổ chức bầu cử ở các tổ, đội sản xuất, tại hội nghị chỉ dự một số ít người nhưng vẫn công bố kết quả bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.
- Có ý kiến cho rằng về trình tự thành lập công đoàn cơ sở theo Điều 17 còn nhiều bất cập so với thực tế. Vì hiện nay đối với các doanh nghiệp nhỏ sử dụng dưới 10 lao động việc tiếp cận vận động người người lao động khó khăn và mất nhiều thời gian vì người lao động thường xuyên biến động hoặc hoạt động bên ngoài ít ở tại doanh nghiệp. Nên việc vận động phát triển đoàn viên thành lập CĐCS tại các loại hình doanh nghiệp này thường vận động thông qua chủ sử dụng lao động thuận lợi hơn. Vì vậy cần có quy định lại điều 17 cho phù hợp với thực tiễn hơn. Có thể bổ sung thêm phương án vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp...
6) Có ý kiến đề nghị sửa lại nội dung:
+ Tại khoản 15 (trang 46). Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước theo Điều 19 gồm: Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ. Quy định như vậy là không phù hợp, vì Luật doanh nghiệp năm 2013 quy định Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đề nghị sửa lại như sau: Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp…nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
+ Tại khoản 16 (trang 46). Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước theo Điều 20 gồm: Công đoàn cơ sở trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân … không có vốn sở hữu nhà nước hoặc vốn sở hữu nhà nước chiếm từ 50% trở xuống. Đề nghị sửa lại như sau: Công đoàn cơ sở trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty hợp danh…vốn sở hữu nhà nước chiếm dưới 100% vốn điều lệ
III. Những kiến nghị, đề xuất:
- Để cán bộ công đoàn các cấp thực sự do đoàn viên và người lao động lựa chọn qua bầu cử, xứng đáng là thủ lĩnh của người lao động, có bản lĩnh và đại diện cho ý chí nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; người lao động gửi gắm niềm tin và sẵn sàng đóng đoàn phí để phục vụ cho hoạt động cũng như trả lương cho cán bộ công đoàn thì Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu thay đổi hình thức tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn theo hướng trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; tập trung bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ CĐCS ở khu vực ngoài nhà nước
- Cần tăng cường nguồn nhân lực cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm giảm bớt những khó khăn, vướng mắc của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong hoạt động công đoàn hiện nay.
- Công đoàn cũng là tổ chức chính trị - xã hội nên phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị hơn là nhiệm vụ của công đoàn, dẫn đến chất lượng hoạt động chưa cao, chưa tập trung thực hiện chức năng bẩm sinh của Công đoàn Việt Nam
Vì vậy, để thể hiện vai trò của Công đoàn Việt Nam với chức năng “bẩm sinh” nhất là trong điều kiện Việt Nam ký kết hiệp định TPP thì trong công tác chỉ đạo cần chọn lọc những nội dung công việc trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện những nội dung liên quan chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, các vấn đề về quan hệ lao động.
- Nên quy định lại nhiệm vụ quyền hạn cho hai loại hình công đoàn: Khu vực hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Mặc dầu trong một thời gian ngắn, nhưng với sự chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, hầu hết các cấp công đoàn đều có ý kiến tham gia với nội dung chất lượng tốt, phản ảnh được tình hình thực tiễn trong quá trình thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI; mong rằng tại Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam tới đây sẽ tập trung trí tuệ nghiên cứu tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng của cán bộ đoàn viên tỉnh nhà./.
Cáp Xuân Banh, UVTV, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây