Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp công tác giữa LĐLĐ tỉnh và Toà án nhân dân tỉnh

 Nguyễn Đăng Bảo
Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh
 

         Đ/c Nguyễn Thế Lập - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu tại Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác

         Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 431/CTPH-TANDTC-TLĐLĐVN ngày 30/3/2016 giữa Tòa án nhân dân tối cao và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2016-2020, ngày 21/9/2016 Tòa án nhân dân tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020. Mục đích của chương trình phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao giữa LĐLĐ tỉnh và Toà án nhân dân tỉnh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham gia đề xuất, kiến nghị xây dựng pháp luật về lao động, việc làm, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động...; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Hỗ trợ công đoàn các cấp thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo tinh thần của Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn điều 10 Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự, giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể; Thực hiện tốt việc trao đổi và cung cấp thông tin liên quan đến các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn giữa hai bên.
 
          Theo nội dung của chương trình ký kết thì trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, hai ngành có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn gửi TAND tối cao và Tổng LĐLĐ Việt Nam để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. TAND phối hợp, hỗ trợ, phản biện giúp tổ chức công đoàn đồng cấp trong việc khởi kiện các vụ, việc về pháp luật: lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn.

          Hai bên phối hợp trao đổi và cung cấp thông tin về tình hình quan hệ lao động và việc chấp hành các quy định của pháp luật về: lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, BHXH, an toàn vệ sinh lao động... đặc biệt là tình hình nợ đọng BHXH và không chấp hành việc trích nộp kinh phí công đoàn theo qui định của pháp luật trên địa bàn tỉnh; Tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, lãn công, đình công tại các doanh nghiệp trên địa bàn; Kết quả phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, Bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; các chủ trương, văn bản pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực: Lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động... Kết quả xét xử, giải quyết các vụ việc tranh chấp lao động tại TAND và kết quả tuyên truyền giáo dục đối với NLĐ, NSDLĐ hàng năm.

         Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tham gia tố tụng cho cán bộ công đoàn các cấp, hai bên thống nhất: TAND tỉnh tham gia với LĐLĐ tỉnh tổ chức ít nhất mỗi năm 01 lớp tập huấn về quy trình khởi kiện, kỹ năng tham gia tố tụng tại Tòa án và giải quyết tranh chấp lao động, đình công cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, các tư vấn viên ở các Tổ tư vấn pháp luật và cán bộ CĐCS doanh nghiệp; phối hợp tuyên truyền, phổ biến thực hiện quy định của pháp luật trong các lĩnh vực: Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự... đến đoàn viên, CNVCLĐ thuộc các cấp công đoàn trong tỉnh. LĐLĐ tỉnh tham gia với TAND tỉnh trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của công đoàn và TAND trên địa bàn tỉnh. Trong công tác giải quyết các vụ án tranh chấp liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật BHXH..., các chế độ chính sách có liên quan quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, TAND tỉnh hỗ trợ, phối hợp với LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hướng dẫn thực hiện quy trình thủ tục khởi kiện, quá trình tố tụng lao động tại Tòa án. Đối với những vụ án giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn..., TAND các cấp mời Hội thẩm nhân dân là cán bộ công đoàn tham gia giải quyết, xét xử các vụ việc. Căn cứ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, quy định về thủ tục, trình tự   tố tụng lao động tại Tòa án, LĐLĐ tỉnh hướng dẫn và chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện việc hướng dẫn người lao động, đoàn viên công đoàn khởi kiện người sử dụng lao động, từ khâu viết đơn khởi kiện đến quá trình tranh tụng tại Tòa án; đối với những vụ tranh chấp lao động mang tính phức tạp, TAND tỉnh phối hợp, tư vấn cho LĐLĐ tỉnh phương án, hỗ trợ giải quyết đảm bảo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

            Với những nội dung phối hợp tích cực của TAND tỉnh và sự triển khai chỉ đạo cụ thể của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị từ nguồn nhân lực đến việc việc tập huấn  nâng cao trình độ kỹ năng tranh tụng và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn trong việc tổ chức khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự, giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể sẽ có những hiệu quả, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Trên cơ sở chương trình đã ký kết, trước mắt các cấp công đoàn cần phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội để tổ chức khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng và nợ kéo dài BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, kiên quyết khởi kiện các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, không trích nộp kinh phí công đoàn theo qui định của Luật Công đoàn và Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH và đảm bảo cho kinh phí hoạt động của các cấp công đoàn ./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây