Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Để chính sách bảo hiểm xã hội phát huy hiệu quả

Trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự phát huy được vai trò của mình, giúp người lao động (NLĐ) đảm bảo, duy trì cuộc sống… Tuy nhiên, qua 12 năm triển khai thực hiện, chính sách đang bộc lộ không ít vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung để phát huy hiệu quả.
 
vvv
Đóng BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động - Ảnh: B.B
Theo quy định của Luật Việc làm, nếu NLĐ bị thất nghiệp, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới thì sẽ được hưởng trợ cấpthất nghiệp(TCTN) hằng tháng, với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, NLĐ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng, tuy nhiên, tối đa không quá 12 tháng. Đồng thời, NLĐ còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hưởng chế độ BHYT trong thời gian được nhận TCTN.
 
Đối với đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) do dịch bệnh mà buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/ tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng. Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, chính sách BHTN thực sự phát huy được vai trò của mình, giúp NLĐ đảm bảo, duy trì cuộc sống; giúp người SDLĐ không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho NLĐ.
 
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.910 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng tham gia BHTN, trong đó có 1.205 đơn vị đã tham gia BHTN. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Quảng Trị tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc cắt giảm nhân sự, giãn việc hoặc cho lao động nghỉ không lương... Chính vì vậy, số lượng lao động thất nghiệp nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng TCTN 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục gia tăng tương ứng với cùng kỳ năm 2020 khi dịch bệnh vừa mới khởi phát.
 
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận 2.253 hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, đã có 1.973 người nhận được quyết định được hưởng TCTN. Số tiền chi trả TCTN hằng tháng theo quyết định là 28,4 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số tiền hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng TCTN là 169,5 triệu đồng. Mức chi bình quân chung cho người hưởng TCTN là 2.821.000 đồng/người/tháng và số tháng hưởng bình quân là 4 tháng. Ngoài ra, đơn vị đã tư vấn cho 5.046 lượt lao động đến giao dịch, giới thiệu cho 158 lao động có việc làm, hỗ trợ học các nghề lái xe ô tô và kỹ thuật pha chế đồ uống cho 56 lao động.
 
Bên cạnh những mặt tích cực của chính sách thì vẫn còn những điểm vướng trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là việc quy định một khoảng thời gian đóng BHTN dài được hưởng cùng một thời gian hưởng TCTN là không phù hợp, NLĐ dễ lợi dụng (ví dụ như NLĐ đóng từ đủ 12 tháng đến 36 tháng đều được hưởng cùng mức 3 tháng TCTN...).
 
Đối với trợ cấp một lần thì NLĐ có việc làm hoặc đi làm nghĩa vụ quân sự được nhận trợ cấp một lần là không hợp lý, vì mục đích của chính sách BHTN là nhằm hỗ trợ hoặc bù đắp một phần thu nhập bị thiếu hụt do NLĐ mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Ngoài ra, có tình trạng nhiều doanh nghiệp đã trích tiền BHTN của NLĐ qua tiền lương nhưng không thực hiện trách nhiệm đối với họ, khi NLĐ muốn chốt sổ BHXH gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động với NLĐ dưới 12 tháng để tránh đóng BHTN…
 
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2269/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Mục tiêu là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ chủ yếu quản trị thị trường lao động.
 
Mục tiêu cụ thể của đề án chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, trong giai đoạn đến năm 2025, 100% NLĐ đang đóng BHTN bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về BHTN giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH. Trong giai đoạn đến năm 2030, 90% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 70% được giới thiệu việc làm thành công; tiếp tục tăng tỉ lệ người nộp hồ sơ hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỉ lệ NLĐ đang tham gia BHTN được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm.
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, đề án cũng đưa ra những giải pháp cụ thể, trong đó ưu tiên là sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và các chế độ, gắn BHTN với các chính sách về việc làm, quản trị thị trường lao động, thông tin, dự báo thị trường lao động và BHXH. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN bảo đảm tinh gọn, hiệu quả cũng như quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về BHTN, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BHTN.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây