Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị

https://congdoan.quangtri.gov.vn


Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ trong tình hình mới

Công tác tuyên truyền, vận động trong CNVCLĐ giữ vai trò hết sức quan trọng, là một trong những chức năng của tổ chức công đoàn Việt Nam. Trong mục tiêu xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam, những năm qua, Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Công đoàn đã quan tâm đẩy mạnh và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động trong CNVCLĐ. Nhiều nghị quyết của Trung ương, các chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách, giải pháp lãnh đạo và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ ngày càng đầy đủ và cụ thể hơn. Tổ chức, bộ máy làm công tác tuyên giáo được xây dựng, quan tâm bồi dưỡng về các mặt chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, trong thời gian qua, chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục được nâng lên rõ rệt, đã có bước chuyển biến trong nhận thức và hành động của CNVCLĐ. Đại đa số CNVCLĐ giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn khởi trước những thành tựu của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.
Cán bộ công đoàn tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục chưa phù hợp: còn nặng về lí luận, chưa sát với yêu cầu cụ thể đa dạng của từng loại hình cơ sở, về cơ bản mới tập trung chủ yếu ở cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và khu vực kinh tế nhà nước. Việc tuyên truyền, giáo dục chủ yếu mới chỉ đến cán bộ công đoàn cơ sở, chưa đầu tư đúng mức cho công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật lao động, về tổ chức công đoàn cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nên kết quả còn nhiều hạn chế, công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn chỉ với tới những việc dễ, những nơi dễ thâm nhập, dễ thành công. Do công tác tuyên truyền, giáo dục còn những hạn chế như vậy nên một bộ phận công nhân viên chức lao động chưa hiểu rõ vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn, chưa gia nhập và gắn bó với công đoàn. Người sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa ủng hộ công đoàn, né tránh việc thành lập công đoàn...  
Với thực trạng như vậy đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục cần phải đổi mới về nội dung và phương pháp nhằm phát huy những ưu điểm mà giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn đã đạt được, đặc biệt là góp phần tháo gỡ những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
 
Trước tiên, cần gắn công tác tuyên truyền, vận động với bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, rèn luyện đạo đức lối sống cho CNVCLĐ. Phải hướng mục tiêu của công tác tuyên truyền giáo dục nhằm tạo ra những chuyển biến về mặt tư tưởng để CNVCLĐ nhận thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhận thức được vị trí của tổ chức của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Trên cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trư­ơng, đ­ường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà n­ước, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của tổ chức Công đoàn, Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về “ Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ CNH, HĐH đất n­ước ”; Tổ chức có hiệu quả và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về việc thực hiện việc  Học tập và làm theo tấm g­ương đạo đức Hồ Chí Minh  trong CNVCLĐ. Tuyên truyền sâu rộng những vấn đề cơ bản của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm thất nghiệp trong CNLĐ. Triển khai quán triệt và tham gia thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, cần đối mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động đối với CNVCLĐ. Chú trọng những hình thức tuyên truyền vận động phù hợp, có ảnh hưởng sâu sắc đối với công nhân như: coi trọng công tác tuyên truyền miệng, công tác nêu gương người tốt việc tốt hoặc lồng ghép vào các hội nghị, hội họp , giao ban trong cơ quan và hình thức hội thi, thi tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề, vui chơi hái hoa dân chủ...tổ chức tốt ngày pháp luật hàng tháng, xây dựng và sử dụng tủ sách pháp luật, thông qua các buổi đối thoại...
Việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở, sát hợp từng loại đối tượng. Đặc biệt đối với đoàn viên CNVCLĐ trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho họ hiểu hơn về các chế độ chính sách, những quyền lợi mà họ được hưởng, nghĩa vụ mà họ phải đóng góp, phải thực hiện cho xã hội, cho doanh nghiệp từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hào hòa, ổn định, tiến bộ theo tinh thần chỉ thị 22 của Ban Bí thư trung ương Đảng. LĐLĐ tỉnh cần  phối hợp với Sở LĐTB-XH, Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến pháp luật của tỉnh để tuyên truyền rộng rãi đến người sử dụng LĐ về Bộ luật lao động, Luật Công đoàn năm 2012.
Cần đặc biệt quan tâm về việc soạn thảo, phát hành thông tin tài liệu đến CNVCLĐ với nội dung thiết thực, cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung công tác tuyên truyền  phải bám sát thực tiễn đời sống CNVCLĐ, chú trọng tập trung những vấn đề thiết yếu mà xã hội nói chung, CNVCLĐ nói riêng đang quan tâm.
Việc tuyên truyền thông qua trang thông tin điện tử, chuyên mục công đoàn trên Báo và đài Phát thanh-truyền hình Quảng Trị không chỉ là kênh thông tin - truyền thông quan trọng cung cấp thông tin, kiến thức, mà còn là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm phong phú nhằm nâng cao trình độ, hiểu biết cho CNVCLĐ.
Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất l­ượng hoạt động các báo cáo viên công đoàn. Quan tâm, phát hiện, đào tạo, bỗi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền vận động. Đây phải là những hạt nhân có phẩm chất đạo đức lối sống lành mạnh, tâm huyết, nhiệt tình, phải thực sự là những người có năng lực, hiểu biết về kiến thức pháp luật, có phương pháp tuyên truyền sinh động; Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, kịp thời giải quyết, uốn nắn các biểu hiện sai lệch về tư tưởng đạo đức và lối sống.
                                                                   Nguyễn Thị Hoài Lê
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây