Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh thăm và làm việc với các doanh nghiệp:

Thứ sáu - 22/04/2016 02:25 952 0
Để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5) và tổ chức “Tháng Công nhân” 2016 có hiệu quả, thiết thực với người lao động, trong 2 ngày 20 và 21/4/2016, đồng chí Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh trưởng đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh đến thăm và làm việc với các công ty thuộc ngành may mặc trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm CNLĐ tại các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh thăm CNLĐ tại các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn
Tại các đơn vị đoàn công tác đã nghe các doanh nghiệp thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến người lao động, như việc ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; việc thực hiện ký kết và thực hiện các nội dung ký kết thoả ước lao động tập thể, chế độ ăn ca cho người lao động; tình hình hoạt động của CĐCS, việc sử dụng và quản lý tài chính công đoàn … và những kiến nghị, đề xuất từ cơ sở.  
Theo báo cáo của 03 doanh nghiệp (Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh, Công ty May xuất khẩu Phong Phú, Công ty cồ May Quảng Trị) số liệu lao động sử dụng của 03 doanh nghiệp trên 1.200 lao động, lương bình quân 3 triệu đồng/ người/ tháng; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động chỉ đạt 50%, riêng Công ty May Xuất khẩu Phong Phú 90%; tỷ lệ công nhân, lao động tham gia tổ chức Công đoàn đạt 50%; tiền ăn ca của người lao động cao nhất là 12.000 đồng; nợ BHXH đơn vị chậm nhất là 03 tháng. Về hoạt động công đoàn, các CĐCS đã dần có nền nếp, Ban Chấp hành Công đoàn duy trì được chế độ sinh hoạt và có chương trình hoạt động tương đối cụ thể, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động để đề xuất, tham gia với doanh nghiệp; chủ động được trong nguồn kinh phí công đoàn để tổ chức hoạt động. Do điều kiện thu nhập của người lao động trong ngành may còn thấp, hầu hết các đơn vị chỉ mới đóng mức đoàn phí là 10.000 đồng/đoàn viên/ tháng…
Sau khi nghe báo cáo tình hình quan hệ lao động và hoạt động công đoàn tại cơ sở, đoàn đến thăm và tìm hiểu trực tiếp về điều kiện làm việc, bữa ăn ca của người lao động, nghe phản ảnh từ công nhân, lao động. Đồng chí Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh đã chia sẻ động viên doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn đã tích cực, năng động tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển ngành may mặc để thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động. 
Từ tình hình thực tiễn hoạt động của các đơn vị và hoạt động của CĐCS, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể hoạt động của tổ chức CĐCS cho từng đơn vị, như hình thức tổ chức hoạt động đại diện cho người lao động, kế hoạch tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2016, bổ sung thoả ước lao động tập thể, đề nghị doanh nghiệp tăng mức tiền ăn giữa ca cho người lao động cố gắng đạt mức 15.000 đồng; hướng dẫn chi tiêu tài chính của CĐCS, vận động đoàn viên tham gia Chương trình nhà ở “ Mái ấm Công đoàn” của LĐLĐ tỉnh phát động; chỉ đạo các CĐCS đặt được ít nhất 01 tờ Báo Lao động để tuyên truyền cho công nhân, lao động… hướng dẫn cụ thể hình thức tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày Quốc tế Lao động, hoạt động “Tháng Công nhân” năm 2016 cho từng cơ sở, như: tổ chức kết nạp đoàn viên công đoàn, quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị doanh nghiệp tổ chức liên hoan, gặp mặt động viên công nhân, lao động với tinh thần “Tết cho Người Lao động” nhân dịp ngày Quốc tế Lao động (01/5). Triền khai việc khám sức khoẻ miễn phí cho 400 công nhân, lao động tại các đơn vị trong dịp “Tháng Công nhân”… Đồng thời, đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ LĐLĐ các huyện, Công đoàn ngành cần tiếp tục quan tâm tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ cơ sở để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đề ra.
Về những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, như đề nghị xem xét giải quyết nợ tồn đọng BHXH, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có thu hút đông công nhân, lao động…đoàn công tác đã tiếp thu và tìm hiểu kỹ thêm để có những đề xuất cụ thể với Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh trong việc thực hiện chính sách liên quan đến doanh nghiệp và người lao động  ngành may mặc.

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây