“Cú hích” cho cải cách hành chính
Nghị quyết số 01 - NQ/TU ngày 15/4/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp phù hợp với thực tiễn tình hình, đồng thời với việc Tỉnh ủy cũng xác định chủ đề của năm 2016 là “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh” đã tạo ra “cú hích” mới cho lĩnh vực này.
Ngay trong năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/2016/NQ - HĐND về Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách về CCHC, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát triển, khuyến khích các nhà đầu tư đến làm ăn trên địa bàn. Trong đó, thể hiện rõ nhất là ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01; Kế hoạch CCHC năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN trên địa bàn tỉnh; ban hành 9 cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh về chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các DN, nhà đầu tư. Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2016 với nhiều thành công về quảng bá tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư. Cùng với những công việc trên, trong những năm tiếp theo, nhờ triển khai hiệu quả dự án Dân chấm điểm M-Score; công bố chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện; chỉ đạo xây dựng đề án nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa; xây dựng phần mềm hỗ trợ CCHC, triển khai chế độ “một cửa” tại các sở, ban, ngành, địa phương; công bố mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ hành chính. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên đi thực tế nắm bắt tình hình, gặp gỡ, tổ chức đối thoại với DN để kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Quyết sách đúng đã mang lại kết quả tích cực. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng điểm qua từng năm, từ 57,32 điểm năm 2015 lên 63,84 điểm năm 2019, được xếp trong nhóm khá của cả nước; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính luôn thuộc nhóm đầu của cả nước. Nhờ vậy, hiệu lực, hiệu quả nền hành chính được nâng cao, người dân, DN và tổ chức đã hài lòng hơn với việc giải quyết thủ tục hành chính tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thông thoáng của chính quyền.
Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư trong vào ngoài nước đều đánh giá, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị sáng tạo, chân thành, trọng thị và luôn mong muốn hướng tới hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Đây chính là điều kiện quan trọng để bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều gam màu tươi sáng. Nổi bật là năm 2016 tỉnh thu hút được 41 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 12.000 tỉ đồng; năm 2017 thu hút 48 dự án tổng vốn trên 4.789 tỉ đồng; năm 2018 thu hút 39 dự án tổng vốn 4.375 tỉ đồng; năm 2019 thu hút 80 dự án tổng vốn 41.500 tỉ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 34 dự án với tổng vốn 5.130 tỉ đồng, đưa tổng số dự án được cấp phép đầu tư tăng gấp 2,2 lần và tổng vốn đăng ký đầu tư tăng gấp 4,46 lần so với nhiệm kỳ trước. Số lượng DN được thành lập mới tăng qua các năm. Đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 DN hoạt động với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 44.827 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 44.000 lao động.
Rõ dần hình hài Khu kinh tế Đông Nam
Để xây dựng Khu kinh tế (KKT) Đông Nam tỉnh Quảng Trị trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm, mục tiêu của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngày 29/11/2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03 - NQ/TU về Xây dựng và phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các công việc quan trọng và cấp bách như tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT; tập trung lãnh đạo, triển khai ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phát triển và huy động các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư... Kết quả mang lại là ngày 11/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ - TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với 4 khu vực phát triển.
Ngay sau đó, nhiều công việc liên quan đến xây dựng quy hoạch chi tiết KKT; đầu tư cho hạ tầng giao thông, kỹ thuật, bố trí tái định cư; công tác giải phóng mặt bằng đã được triển khai và hoàn thành… Đến thời điểm này, ngoài công trình đường trung tâm trục dọc KKT Đông Nam có tổng chiều dài trên 23,5 km với mặt đường rộng 34 m bằng bê tông nhựa, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng vốn đầu tư 630 tỉ đồng đã được đưa vào sử dụng, nhiều dự án quy mô lớn về đầu tư hạ tầng khác đang được gấp rút triển khai. Đơn cử như dự án Khu tái định cư xã Hải Khê giai đoạn 1 có tổng kinh phí 252 tỉ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, đầu tư hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa và sản xuất, sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân để xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 và một số dự án kinh tế động lực tại KKT Đông Nam; dự án hệ thống cấp nước KKT Đông Nam có công suất thiết kế 270.000 m3 /ngày đêm, trong đó giai đoạn 1 là 95.000 m3 /ngày đêm với tổng mức đầu tư 928 tỉ đồng…
Tạo dựng cơ chế quản lý, môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, nhiều dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật được triển khai đã mang lại cho KKT Đông Nam không ít lợi thế trong thu hút đầu tư. Đến cuối tháng 8/2020, tại KKT Đông Nam đã có 38 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 81.000 tỉ đồng, trong đó có 14 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai xây dựng. Trong đó, có nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn như Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I với tổng mức đầu tư gần 55.100 tỉ đồng có tổng công suất thiết kế 1.320MW, sử dụng công nghệ lò trên siêu tới hạn (Upper Super Critical), đây là công nghệ hiện đại nhất của nhiệt điện đốt than, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; dự án xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư trên 14.200 tỉ đồng có quy mô 10 bến cảng, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 100.000 tấn; dự án xây dựng Bến cảng CFG Nam Cửa Việt có quy mô 4 cầu cảng dài 510 m, tổng vốn đầu tư khoảng 640 tỉ đồng; dự án Kho cảng Xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị với mức đầu tư 268 tỉ đồng có tổng sức chứa hơn 30.000m3 cùng cầu cảng xuất nhập tiếp nhận tàu có trọng tải 3.000 DWT… Bên cạnh đó, nhiều DN có thương hiệu, tiềm lực trong và ngoài nước đang nghiên cứu, thực hiện các thủ tục đầu tư tại KKT Đông Nam một số dự án quy mô lớn về điện khí, công nghiệp chế tạo, du lịch, dịch vụ, khu đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến trên 200.000 tỉ đồng.
Đây là những kết quả rất tích cực, không chỉ làm rõ dần hình hài KKT Đông Nam, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Quảng Trị trong tạo dựng nền tảng cho KKT Đông Nam phát triển mà còn mở ra triển vọng rất lớn để nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thúc đẩy “tam nông” phát triển
Ngày 20/4/2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 - NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 để thúc đẩy “tam nông” phát triển. Từ quan điểm, định hướng cùng 7 mục tiêu cụ thể và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp căn cơ của nghị quyết, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã vào cuộc tích cực. Tập trung cho tăng cường lãnh đạo, triển khai thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về nông nghiệp; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” của Tỉnh ủy …
Kết quả mang lại là đến thời điểm này, hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trên lĩnh vực nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như gạo hữu cơ, hồ tiêu, cà phê, gỗ nguyên liệu rừng trồng, dược liệu... đã hình thành được những vùng sản xuất có quy mô; có sự liên kết với DN trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Quảng Trị đã khai thác tốt thế mạnh là phát triển rừng trồng. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 173.400 ha rừng trồng, trong đó có 23.400 ha được cấp chứng chỉ FSC, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ. Quảng Trị đang dần xây dựng và khẳng định được giá trị thương hiệu nông sản hữu cơ trên bản đồ nông sản Việt Nam với nhiều sản phẩm như gạo, hồ tiêu, cà phê, cà gai leo, chè vằng… cùng với đó là nhiều sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường ngoài nước có giá trị kinh tế cao như tinh bột sắn, mủ cao su, gỗ dăm.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai hiệu quả, toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 56,4%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Huyện Cam Lộ đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đưa tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên trong 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có huyện NTM. Kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM đã tạo bước chuyển biến cơ bản về cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân được nâng cao rõ rệt. Nông dân phấn khởi ngày càng tin tưởng hơn vào chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 được xây dựng, triển khai sát với những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, mong muốn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương, vì vậy đã dễ dàng đi vào thực tiễn cuộc sống và để lại dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực. Đây là kinh nghiệm, cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để việc xây dựng, tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt được nhiều kết quả tích cực hơn”.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc