Mấy vấn đề đặt ra khi sắp xếp lại công đoàn giáo dục cấp huyện

Thứ bảy - 10/06/2017 01:54 2.950 0
Hội nghị Tổng kết hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2012-2017 của Công đoàn Giáo dục huyện Hướng Hóa
Hội nghị Tổng kết hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2012-2017 của Công đoàn Giáo dục huyện Hướng Hóa
                                                                                         NGUYỄN ĐĂNG BẢO - PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC LĐLĐ TỈNH
         Vấn đề sắp xếp lại công đoàn ngành địa phương, công đoàn giáo dục cấp huyện đã trở thành chủ trương nhất quán theo Hướng dẫn số 704/HD-TLĐ ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Tổng LĐLĐ Việt Nam và đang được các cấp công đoàn triển khai hoàn thành trong quí II/2017 để tiến hành đại hội công đoàn các cấp  theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 và Kế hoạch số 52/KH-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023.

           Việc quyết định giải thể và chấm dứt hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn giáo dục cấp huyện, chuyển các công đoàn cơ sở trường học về trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động cấp huyện là việc làm thận trọng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì tác động đến hệ thống Công đoàn Giáo dục Việt Nam và đông đảo đội ngũ đoàn viên là lực lượng đội ngũ nhà giáo và người lao động có trình độ cao, đặc thù ngành nghề sâu sắc, chiếm gần 10% số lượng đoàn viên công đoàn trong cả nước. Sau nhiều năm nghiên cứu, phân tích, đánh giá mô hình tổ chức của hệ thống Công đoàn Giáo dục Việt Nam, sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động các địa phương đối với công đoàn cơ sở trong các trường học thuộc hệ phổ thông và giáo dục mầm non; trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các cấp công đoàn, kiện toàn và sắp xếp lại hệ thống tổ chức công đoàn để đáp ứng tình hình mới, bối cảnh mới, đặc biệt nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, tăng cường vai trò và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong chỉ đạo và trợ giúp hoạt động công đoàn cơ sở, giảm cấp trung gian, theo tinh thần Kết luận số 64/KL-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở" và Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị  “ Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức” thì việc giải thể và chấm dứt hoạt động của Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục cấp huyện và chuyển các công đoàn cơ sở trường học về trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động cấp huyện là phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra.

            Tuy vậy, vấn đề đặt ra là để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trường học như mong muốn, tập hợp và thu hút đội ngũ nhà giáo tham gia tích cực hoạt động công đoàn, đảm bảo được tính đặc thù nghề nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống Công đoàn Giáo dục Việt Nam hơn 65 năm qua thì vấn đề đặt ra  trong chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở trường học sắp tới cần tập trung giải quyết những vấn đề sau :
          
           - Về cán bộ chủ chốt lãnh đạo công đoàn cấp huyện ( trong Thường trực hoặc Ban Thường vụ ) phải chọn và bố trí được 01 cán bộ ( chuyên trách hoặc không chuyên trách ) có kinh nghiệm, có kiến thức trong lĩnh vực giáo dục, hiểu biết về sư phạm, mối quan hệ trong trường học, có uy tín đối với đội ngũ giáo chức để thực hiện việc tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động huyện trong chỉ đạo hoạt động công đoàn Khối trường học;

          - Hoạt động công đoàn trường học được triển khai và tổng kết theo năm học, vì vậy chương trình hoạt động của Ban Chấp hành của LĐLĐ huyện cũng phải cụ thể hoá công tác chỉ đạo, triển khai các phong trào thi đua yêu nước, vai trò đại diện của tổ chức công đoàn trong thực hiện qui chế dân chủ; xây dựng tiêu chí, đánh giá chất lượng hoạt động CĐCS trường học phải có tính riêng biệt và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng trong chỉ đạo hoạt động CĐCS  của LĐLĐ huyện;
 
          - Tăng cường và nâng cao công tác phối hợp chỉ đạo CĐCS trường học của LĐLĐ  huyện với Công đoàn Giáo dục tỉnh, để chuyển tải được các chủ trương của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Giáo dục tỉnh trong chỉ đạo CĐCS trường học  đảm bảo tính đặc thù nghề nghiệp trong hoạt động CĐCS trường học;

         - Có qui chế phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Ban Thường vụ LĐLĐ huyện và lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, gắn hoạt động CĐCS trường học với thực hiện nhiệm vụ năm học của trường học và các chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đạo tạo theo tinh thần Nghị quyết của Đảng .

           Thiết nghĩ thực hiện các vấn đề trên là các giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trường học khi chuyển các CĐCS trường học về trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động cấp huyện theo Hướng dẫn 704/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Muốn thực hiện được các vấn đề trên thì phải triển khai ngay trong Đại hội Công đoàn cấp huyện sắp đến, từ công tác chuẩn bị nhân sự cho Ban Chấp hành nhiệm kỳ tới; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho nhiệm kỳ tới phải có phần chỉ đạo CĐCS trường học …  và được bàn bạc, thảo luận kỹ trong Đại hội nhiệm kỳ của LĐLĐ huyện.

            Tin tưởng rằng, với chủ trương mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam về sắp xếp lại công đoàn giáo dục cấp huyện và tinh thần đổi mới, sáng tạo của các cấp công đoàn trong chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở trường học theo mô hình mới sẽ đáp ứng đông đảo nguyện vọng của đoàn viên trong đội ngũ nhà giáo, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đội ngũ nhà giáo trong tiến trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục sắp tới; qúa trình sắp xếp và đổi mới tổ chức nếu thực hiện có hiệu quả sẽ nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới ./.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây