Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình và giáo dục gia đình

Thứ hai - 27/06/2022 20:19 925 0
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt” .
bacho dongbao 07

Theo Người, con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân có ích.     

Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng. Người nhấn mạnh, gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó, mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu, chăm chỉ, cần cù trong lao động sản xuất…

Người cho rằng, trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp với yêu cầu của xã hội sẽ hạn chế nhiều kết quả giáo dục. Vì vậy, nhà trường, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Trong thư ngày 31-10-1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Người viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ, vì vậy, Người “mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp” .

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục tháng 6-1957, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ Đảng ngành này “phải nhất thiết liên hệ mật thiết với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Theo Người, trong giáo dục trẻ cần làm cho trẻ biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ làm cho chúng trở nên già cả. Để làm được điều đó, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng. Người khuyên mọi người trong gia đình phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa, thi đua với nhau vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình và đất nước.

Giáo dục trong gia đình, theo Người là mỗi người nhắc nhở, dạy bảo nhau, các cụ phụ lão thi đua, đốc thúc con cháu tham gia mọi công việc, các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ người lớn, “vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”. Người nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Trong xã hội có nhiều tệ nạn, thị phi thì gia đình chính là thành lũy kiên cố bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Cái lý tưởng đầu tiên của con trẻ về chân, thiện, mỹ được hình  thành bởi sự liên lạc giữa con trẻ và bố mẹ. Chính gia đình là nơi khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp…  

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của gia đình, thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vấn đề gia đình cũng như công tác nhà nước về gia đình. Ngày 28/6/2000, Bộ Chinh trị đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp đó, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Ngày Gia đình Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đó là dịp để các thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ em, đồng thời cũng là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc.

Tác giả bài viết: Nguồn: Tỉnh ủy Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây