Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng: Nội dung tuyên truyền phải sát thực và phù hợp với cơ sở

Chủ nhật - 21/02/2016 21:59 2.265 0
Trước thềm năm mới, PV Tạp chí Lao động & Công đoàn có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng về những định hướng trong công tác năm 2016. BBT Trang Thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh Quảng Trị trích đăng nội dung cuộc phỏng vấn gửi đến bạn đọc
PV: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là một thành viên đã được ký kết. Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng đã chính thức được thành lập. Kinh tế Việt Nam có sự hội nhập sâu rộng. Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn cũng cần phải có sự thay đổi trong cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới. Với tư cách là Phó Chủ tịch phụ trách công tác tuyên truyền, đồng chí có thể nêu về một số định hướng tuyên truyền trong năm 2016?
Đồng chí Nguyễn Văn Ngàng: Việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã có những tác động không nhỏ tới cách thức hoạt động của tổ chức Công đoàn. Muốn phát triển được, Công đoàn phải có sự đổi mới để đáp ứng được yêu cầu do thực tế đặt ra. Việc đổi mới nội dung và cách thức hoạt động đã được Công đoàn Việt Nam thực hiện từ nhiều nhiệm kỳ trước, đặc biệt là từ Đại hội X, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đến nay. Các hoạt động công đoàn đã hướng đến NLĐ, hướng về cơ sở nhiều hơn, nhất là các CĐCS ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp FDI. Cuối năm 2015, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tham gia TPP tạo ra nhiều cơ hội, thách chức cho tổ chức Công đoàn, cùng với đó, bắt đầu từ ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành, ASEAN sẽ trở thành một thị trường thống nhất, doanh nghiệp có thể tự do thành lập ở bất kỳ đâu trong ASEAN. Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn càng phải nỗ lực hơn nữa trong việc thể hiện vai trò của mình thì mới kéo NLĐ về với Công đoàn và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn. Để làm được việc đó, công tác tuyên truyền rất quan trọng.
Năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam lấy làm “Năm phát triển đoàn viên, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐCS”. Để thực hiện chủ trương này của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, công tác tuyên giáo cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Một là, tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng đến đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, trong đó trọng tâm là học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam và Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tuyên truyền, quán triệt về thời cơ, thách thức của lao động và công đoàn khi Việt Nam tham gia TPP...
Hai là, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ, đặc biệt là CNLĐ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chú trọng tổ chức tốt các hoạt động như: “Ngày pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Ngày hội tư vấn pháp luật trong CNLĐ…    
Ba là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, CNVCLĐ. Chủ động phối hợp với các trung tâm chính trị, trường chính trị quận, huyện… xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp bồi dưỡng lư luận chính trị cho CNLĐ.
 Bốn là, sơ kết nửa nhiệm kỳ Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và NLĐ”. Triển khai có hiệu quả quyết định 231/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ”. Phát động và tổ chức sâu rộng trong CNVCLĐ phong trào học tập nhằm nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện để CNVCLĐ được tham gia học tập, nâng cao trình độ.
PV: Lâu nay, trong công tác tuyên truyền, cấp dưới thường sao chép văn bản của cấp trên, do đó nhiều khi các nội dung tuyền truyền đưa xuống cơ sở thường không còn phù hợp. Làm thế nào để khắc phục được tình trạng này, thưa Phó Chủ tịch?
Đồng chí Nguyễn Văn Ngàng: Đây là một vấn đề còn tồn tại của tổ chức Công đoàn được nhiều người nói đến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn còn hạn chế, thêm vào đó là trách nhiệm đối với tổ chức Công đoàn của cán bộ làm công tác tuyên giáo công đoàn chưa cao, chưa tâm huyết nên chưa cụ thể hóa chủ trương của cấp trên cho phù hợp với cấp mình, lười tư duy nên thường sao chép văn bản cho nhanh, do đó dẫn đến tình trạng đưa văn bản xuống cơ sở triển khai thì cơ sở không biết thực hiện cái gì, vì có nhiều nội dung, mà các nội dung đó lại không phù hợp với đơn vị của họ. Hệ quả là, nếu đơn vị nào triển khai thì nội dung hoạt động rất chung chung, làm cho có, rất hình thức, hiệu quả không cao. Với cách làm như vậy, cho nên nhiều khi chủ trương của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam có đúng đến mấy cũng không đến được cơ sở.
Để khắc phục được tình trạng này thì cần có đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, giáo dục đội ngũ cán bộ công đoàn hãy làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, vì sự phát triển của tổ chức Công đoàn; thứ hai, tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn làm công tác tuyên giáo học tập nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động để họ có đầy đủ tri thức, kỹ năng trong việc triển khai nhiệm vụ của mình, để làm sao truyền tải được chủ trương của lãnh đạo cấp trên xuống cơ sở một cách khoa học, cụ thể, được NLĐ tiếp nhận, triển khai có hiệu quả. Thứ ba, nội dung tuyên truyền cần có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, chung chung, cần chú trọng đến những nội dung mà NLĐ cần, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Nội dung tuyên truyền ở cơ sở phải đảm bảo hai yếu tố, đó là truyền tải được quan điểm chỉ đạo, định hướng của cấp trên và phù hợp với NLĐ ở cơ sở. Muốn phù hợp với cơ sở thì cần chú ý đến việc lựa chọn nội dung, nếu không lựa chọn nội dung thì sẽ dẫn đến hệ quả cơ sở không có đủ thời gian để làm và có làm thì không sâu. Một lần nữa tôi cho rằng, lựa chọn nội dung tuyên truyền ngắn gọn, sát thực là rất cần thiết. Làm được như vậy thì tuyên truyền mới hiệu quả. Thứ tư, trong sự chỉ đạo, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền để làm sao chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam đến được với NLĐ, giúp NLĐ ngày càng được nâng cao nhận thức, bản lĩnh, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong việc triển khai chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đóng góp sức mình vào việc xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, đời sống nhân dân được ấm lo.
Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch!
                                                                                       Nguồn Website TLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây