NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ 01/7/2021

Thứ năm - 01/07/2021 03:34 5.721 0
Từ ngày 1/7/2021, nhiều Luật, Nghị định, Pháp lệnh, Thông tư mới có liên quan đến đời sống dân sinh như chính sách ưu đãi với người có công; chính sách về bảo hiểm y tế; quy định không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… bắt đầu có hiệu lực.
1. Chính sách Bảo hiểm y tế
Nhiều đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT do NSNN đóng.
Kể từ ngày 01/7/2021, Nghị định 20/2021/NĐ-CP bổ sung thêm nhiều đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, do đó cũng sẽ có thêm nhiều đối tượng dược cấp thẻ BHYT miễn phí. Đó là:
- Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP (gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
(So với hiện hành, bổ sung đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng).
- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
- Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
- Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Người dân được biết giá dịch vụ khi đi KCB BHYT:
Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 05/2021/TT-BYT về quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Theo đó, một trong những nội dung các bệnh viên công lập phải công khai đối với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh có thẻ BHYT đó là: Giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

so ho khau
Hình minh họa

2. Tăng mức trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội
Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/7/2021, mức trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội được điều chỉnh tăng, cụ thể như sau:
- Trẻ mồ côi dưới 04 tuổi; trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng, thay cho mức 675.000 đồng/tháng;
- Người từ đủ 60 đến đủ 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng;
- Người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp 720.000 đồng/tháng thay cho mức 540.000 đồng/tháng; người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng…
- Trợ cấp mai táng người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tối thiểu là 18 triệu đồng, trước đây chỉ là 5,4 triệu đồng, với trường hợp gia đình tổ chức mai táng…
- Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác cho hộ dân phải di dời khẩn cấp tối thiểu là 30 triệu đồng/hộ, trước đây tối đa là 20 triệu đồng/hộ…
Tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã chính thức tăng mạnh mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng/tháng (so với mức hiện hành là 270.000 đồng/tháng). Theo đó, mức trợ cấp xã hội hàng tháng được tính như sau:
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng = Mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội X Hệ số
3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức vận hành
Tại Công văn 4011/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ về việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng vận hành chính thức vào ngày 01/7/2021. Khi đó người dân ngồi ở nhà hay bất cứ đâu vẫn có thể thực hiện được các việc như:
- Đề nghị cấp đổi thẻ CCCD.
- Thủ tục khai báo tạm vắng để tránh bị xóa hộ khẩu.
- Nộp hồ sơ đăng ký cư trú…
Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ tích hợp nhiều thủ tục, tiện ích khác để phục vụ cho người dân một cách tốt nhất. Người dân có thể tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian và đặc biệt cảm thấy thoải mái và thuận tiện.
4. Người dân được đăng ký thường trú trên 63 tỉnh thành với điều kiện như nhau
Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú mới có hiệu lực, áp dụng 2 chính sách mới liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Theo đó, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bao gồm: Thủ tục đăng ký thường trú; Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Thủ tục tách hộ; Thủ tục xóa đăng ký thường trú; Thủ tục đăng ký tạm trú; Thủ tục gia hạn tạm trú; Thủ tục xóa đăng ký tạm trú. Những sổ khác, không thuộc trường hợp bị thu hồi, vẫn sử dụng bình thường.
Ngoài việc thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong nhiều trường hợp nêu trên, ngày 1/7/2021 cũng là thời điểm bắt đầu không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Đồng thời, khi các cuốn sổ này bị mất, bị hư hỏng, rách nát… cũng không còn được cấp lại. Mọi thông tin về cư trú của người dân sẽ được cập nhật và lưu tại Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Luật Cư trú cũng quy định điều kiện đăng ký thường trú ở 63 tỉnh, thành là như nhau, không phân biệt thành phố trực thuộc Trung ương như trước đây, xóa bỏ điều kiện “thời gian tạm trú”, người dân có chỗ ở hợp pháp có thể làm thủ tục đăng ký thường trú.
4. Không cần mang nhiều giấy tờ khi thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính:
Một trong những lợi ích lớn nhất cho mọi người dân chính là việc không cần mang quá nhiều giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch, cụ thể:
- Người dân không cần phải mang theo giấy xác nhận số CMND cũ vì trên mã Qr của thẻ CCCD đã chứa toàn bộ thông tin của người dân. Do đó, từ này 01/7 người dân không còn cảm thấy khó khăn khi nhiều thủ tục, giao dịch cần dùng đến loại giấy này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp mã QR không chứa thông tin số CMND cũ thì bắt buộc người dân vẫn phải dùng đến giấy xác nhận. Nhưng những trường hợp này không nhiều.
- Đối với những trường hợp đăng ký hộ khẩu, tạm trú hoặc thực hiện các thủ tục làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, tạm trú thì lần thực hiện thủ tục tiếp theo sẽ không cần mang sổ hộ khẩu. Vì:
+ Từ ngày 01/7/2021 sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên nếu người dân đăng ký hộ khẩu, tạm trú thì sẽ được quản lý bằng điện tử. Do đó, với lần thực hiện thủ tục tiếp theo sẽ không cần dùng đến sổ.
+ Từ ngày 01/7/2021, người dân thực hiện các thủ tục về cư trú làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ bị thù hồi sổ và thực hiện quản ký bằng điện tử. Do đó, với lần thực hiện thủ tục tiếp theo sẽ không cần dùng đến sổ.
Ngoài ra, việc người dân không cần nhiều giấy tờ khi giao dịch vừa tạo thuận lợi mà người dân không cần phải lo lắng vì phài giữ cẩn thận hoặc sợ giấy tờ rơi vào tay kẻ xấu.
5. Được thực hiện nhiều thủ tục hành chính tại nơi đang làm việc, học tập xa nhà:
Theo hướng dẫn tại Thông tư 59/2021/TT-BCA thì người dân có thể thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ CCCD gắn chíp tại nơi tạm trú mà không cần phải về quê.
Ngoài ra, từ ngày 01/7/2021, người dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú.
Như vậy, trong tương lai sẽ còn nhiều thủ tục người dân được thực hiện tại nơi mình đang học tập, làm việc xa nhà mà không cần phải tốn thời gian, tiền bạc để trở về nơi thường trú như trước kia.

Tác giả bài viết: Hà Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây