Tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử phong trào công nhân Việt Nam

Thứ năm - 22/07/2021 05:40 7.797 0
Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I của thực dân Pháp (1897-1914) và nhanh chóng trưởng thành trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ II (1919-1929). Do phải chịu hai tầng áp bức, bóc lột tàn bạo của chế độ thuộc địa nửa phong kiến nên đời sống giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta vô cùng cực khổ. Bởi vậy các cuộc đấu tranh của công nhân lao động ở các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền đã liên tiếp nổ ra chống lại chế độ tư bản và bọn phong kiến. Ban đầu các cuộc đấu tranh còn diễn ra lẻ tẻ, mang tính tự phát, nhưng về sau đã có sự liên kết, có tính tổ chức chặt chẽ hơn.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử phong trào công nhân Việt Nam
Từ sự ra đời của phong trào và nhu cầu của cuộc đấu tranh, nhiều nơi đã thành lập những hội nghề, nghiệp đoàn, công hội. Tiêu biểu nhất là Công hội Ba Son (Sài Gòn - Gia Định) được thành lập năm 1920 do đồng chí Tôn Đức Thắng (sau này là Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đứng đầu. Tuy phạm vi hoạt động chỉ ở cơ sở, thời gian hoạt động không lâu nhưng Công hội Ba Son đã có ảnh hưởng lớn trong phong trào công nhân Nam Bộ, để lại một dấu ấn trong lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập Công đoàn Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1923 khi viết tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã nói: “…Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có còn dưới hình thức phôi thai”.

Năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người đã chỉ rõ tính chất, nhiệm vụ của Công hội là: “Tổ chức Công hội trước là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Đứng trước sự đòi hỏi và yêu cầu của phong trào công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, thành phố Hà Nội đã tiến hành Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam). Tham dự Đại hội có đại biểu của tổng công hội các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, khu mỏ Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh).

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Tổng Công hội Đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu.

Đại hội thông qua Chính cương, Điều lệ, đồng thời quyết định ra Báo Lao Động (tiền thân của Báo Lao động ngày nay) và Tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động & Công đoàn ngày nay) làm cơ quan ngôn luận và nghiên cứu lý luận của Công hội Đỏ.

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây