Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

Chủ nhật - 15/06/2014 19:47 2.080 0
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là cấp thứ hai trong hệ thống tổ chức gồm bốn cấp cơ bản của Công đoàn Việt Nam (gồm: công đoàn cơ sở (CĐCS), nghiệp đoàn; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, công đoàn ngành trung ương và Tổng LĐLĐ Việt Nam). Ở tỉnh ta hiện có 16 đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, gồm 09 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố; 6 công đoàn ngành địa phương và 01 công đoàn Viên chức tỉnh. Ngoài ra còn có 09 công đoàn giáo dục huyện thị xã, thành phố được xác định là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để quản lý trực tiếp CĐCS các trường học thuộc phòng giáo dục huyện, thị xã, thành phố.
         
             Vai trò và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được xác định rất quan trọng trong quá trình đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay. Bộ Luật lao động 2012 qui định: Công đoàn cấp trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hỗ trợ CĐCS thực hiện chức năng nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, qui chế trả lương, qui chế thưởng, nội qui lao động, qui chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh  chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Luật cũng qui định rõ: Ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm như trách nhiệm của công đoàn cơ sở. Ngoài việc thực hiện quyền và trách nhiệm được qui định tại Bộ Luật Lao động, hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được qui định cụ thể tại điều lệ Công đoàn Việt Nam ( Chương IV- Điều Lệ Công đoàn Việt Nam- Đại hội XI Công đoàn Việt Nam ban hành ).
            Để cụ thể hoá các qui định trên, đặc biệt là xác định quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với những nơi chưa thành lập CĐCS, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn số 305/HD-TLĐ qui định cụ thể quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trong đó hướng dẫn cụ thể về điều kiện và nội dung để thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; ngoài ra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải thực hiện triển thu kinh phí công đoàn theo qui định của Luật Công đoàn và Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ và qui định về công tác quản lý tài chính của Tổng LĐLĐ Việt Nam và công tác phân cấp thu kinh phí công đoàn của LĐLĐ tỉnh ( hiện tại LĐLĐ tỉnh đang triển khai giao toàn bộ hơn 1500 doanh nghiệp thuộc các loại hình cho công đoàn cấp trên trực tiếp thu kinh phí công đoàn )
            Với vai trò và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được qui định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam là rất quan trọng, trực tiếp và cùng với CĐCS thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.  Nhưng thực tiễn hiện nay năng lực của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở tỉnh ta còn quá nhiều bất cập. Trước hết là bộ máy biên chế cán bộ chuyên trách, nếu chỉ được biên chế như hiện nay thì không đủ sức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo qui định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Công đoàn cấp huyện, thị xã, thành phố hiện tại chỉ có từ 02 đến 04 cán bộ chuyên trách; công đoàn các ngành, công đoàn giáo dục huyện, thị xã, thành phố hầu hết chỉ có 01 cán bộ chuyên trách. Qui mô tổ chức một số công đoàn ngành chưa hợp lý, số lượng cán bộ đoàn viên và tổ chức CĐCS ít, đối tượng tập hợp các doanh nghiệp thuộc ngành nghề còn chồng chéo, không rõ ràng, khó khăn trong công tác phân công công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và triển khai thu kinh phí công đoàn; về cơ chế lãnh đạo thì không có cấp uỷ Đảng lãnh đạo trực tiếp nên rất khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng... Hiện tại trên địa bàn tỉnh, theo số liệu điều tra, thống kê của LĐLĐ tỉnh có hơn 1500 doanh nghiệp thuộc các loại hình; hiện có 128 doanh nghiệp đã có tổ chức CĐCS, có khoảng 300 doanh nghiệp đủ điều kiện để thành lập tổ chức CĐCS và đang phân cấp cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực tiếp làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
           Với cơ cấu tổ chức và năng lực của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hiện tại thì việc đảm đương vai trò trách nhiệm theo qui định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam khó thực hiện tốt được, ảnh hưởng lớn đến việc trợ giúp, chỉ đạo CĐCS hoạt động, cũng như đại diện cho người lao động ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐCS trong quan hệ lao động... Vì vậy, việc tập trung chỉ đạo thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là vấn đề cần đặt ra để có những giải pháp trong tổ chức chỉ đạo hoạt động Công đoàn hiện nay.
          Từ những bất cập trên, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có quyết định sớm về tổ chức biên chế công đoàn cấp huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các địa bàn có đông doanh nghiệp phải có biên chế đủ số lượng tối thiểu ít nhất là 05 doanh nghiệp có đông công nhân lao động đủ điều kiện thành lập CĐCS phải có 01 cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để trực tiếp trợ giúp, chỉ đạo hoạt động CĐCS và đại diện cho người lao động ở những nơi chưa có tổ chức CĐCS. Nghiên cứu về mô hình công đoàn ngành địa phương cho sát thực hơn, cần thiết các địa phương ít doanh nghiệp cho thành lập Công đoàn Khối doanh nghiệp trực thuộc LĐLĐ tỉnh để chỉ đạo thuận lợi hơn, có Đảng uỷ Khối doanh nghiệp lãnh đạo trực tiếp, tăng cường được số cán bộ chuyên trách, giảm đầu mối chỉ đạo hoạt động, khắc phục sự chồng chéo trong phân cấp giữa các công đoàn ngành địa phương ...
Trước mắt để tăng cường năng lực hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần có những giải pháp tạm thời sau:
            - Phát huy trách nhiệm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để thực hiện chức năng nhiệm vụ theo qui định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam; phân công cụ thể trách nhiệm trong Ban Chấp hành về các lĩnh vực công tác, đặc biệt là phụ trách trực tiếp các doanh nghiệp để thực hiện tốt chức năng đại diện theo Luật đinh; đặc biệt chú trọng đến công tác quan hệ lao động, tổ chức đối thoại, thực hiện qui chế dân chủ tại các đơn vị, doanh nghiệp. Phối hợp tốt với chính quyền đồng cấp để triển khai, tuyên tuyền các chủ trương Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với công nhân, lao động đối với những đơn vị, doanh nghiệp được phân cấp quản lý;
         - Tập trung làm tốt công tác khảo sát tình hình các doanh nghiệp để có kế hoạch triển khai tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; phối hợp với Chi Cục Thuế trên địa bàn để thực hiện tốt kế hoạch phối hợp thu kinh phí công đoàn theo qui định của pháp luật; gắn công tác triển khai thu kinh phí công đoàn với công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS;
         - Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường trách nhiệm công tác của các ban chuyên đề, cùng với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để tổ chức thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm công tác của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Đặc biệt là công tác thu và quản lý tài chính công đoàn, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; công tác tổ chức đối thoại doanh nghiệp… Có thể điều động cán bộ của LĐLĐ tỉnh để tăng cường có thời gian cho LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành ở những nơi cán bộ công đoàn đang còn thiếu chưa được kiện toàn, bổ sung kịp thời hoặc nhưng đơn vị năng lực tổ chức hoạt động đang còn yếu. Một số trường hợp cụ thể cần thiết xin chủ trương hợp đồng thêm cán bộ làm công tác nghiệp vụ, như công tác tài chính, kế toán, thu kinh phí công đoàn…
           - Tăng cường trách nhiệm các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ đối với những đơn vị được phụ trách chỉ đạo. Tổ chức giao ban định kỳ để kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ.
            Nâng cao năng lực hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là vấn đề quan trọng trong việc đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức công đoàn hiện nay, nhằm giảm tải, giảm áp lực cho công đoàn cơ sở trong thực hiện tốt chức năng đại diện cho CNVCLĐ của tổ chức Công đoàn không những riêng đối với Công đoàn Quảng Trị mà đây cũng là vấn đề chung của hệ thống tổ chức công đoàn; cũng là mấu chốt để nghiên cứu đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức phù hợp với qui định của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam vừa được ban hành./.
            
                                                                                                                                                                                                                                      Nguyễn Đăng Bảo  - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh
 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây