Thông báo ý kiến phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI)

Thứ tư - 18/06/2014 21:51 1.622 0
Ngày 06 tháng 6 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) tại Trụ sở Tổng Liên đoàn. Sau khi nghe báo cáo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về kết quả hoạt động công đoàn 5 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014; ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị và kiến nghị của các cấp công đoàn; thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phát biểu như sau:
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
           1. Đánh giá chung
           Chính phủ đánh giá cao những kết quả hoạt động công đoàn trong 5 tháng đầu năm 2014, đã có nhiều hoạt động thiết thực, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, nổi bật là tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tổ chức "Tháng Công nhân”, các phong trào thi đua, cùng các hoạt động xã hội mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2014. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn đã cùng với các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền cho đoàn viên công đoàn và công nhân lao động về chủ trương của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã kịp thời có lời kêu gọi, vận động đoàn viên công đoàn và công nhân lao động không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, manh động, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết, phát triển sản xuất kinh doanh... Chính phủ hoan nghênh những kết quả đã đạt được trong sự phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và chính quyền trong việc thực hiện các biện pháp phù hợp để giúp đỡ người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm ổn định và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
            Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động công đoàn thời gian qua vẫn còn những hạn chế như báo cáo của Tổng Liên đoàn đã nêu. Đề nghị các cấp công đoàn quan tâm và có giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trong thời gian tới.
            2. Về nhiệm vụ trong thời gian tới
            Căn cứ vào tình hình chung của đất nước, đề nghị Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện tốt một số trọng tâm công tác sau:
           - Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và công nhân, viên chức, người lao động trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trên các công trình trọng điểm quốc gia.
          - Phối hợp với Chính phủ và các cấp chính quyền để thực hiện có hiệu quả việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong năm 2014 và những năm tới. Không để tình hình căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của đất nước.
         - Tiếp tục tham gia có hiệu quả hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới, cải cách thủ tục hành chính và hội nhập quốc tế.
          - Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động chăm lo đời sống đối với người lao động, quan tâm đến vấn đề  nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, thu nhập và các chế độ, chính sách khác của người lao động.
          - Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tập trung nhiều hơn trong xây dựng tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công đoàn ở Ban Quản lý các khu công nghiệp vững mạnh và hoạt động có hiệu quả hơn.
          3. Về một số kiến nghị của các cấp công đoàn.
          a) Về đề nghị các bộ, ngành Trung ương thông tin kịp thời các nội dung có liên quan đến ngư dân, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đảo cho ngư dân biết để thực hiện tốt trách nhiệm của công dân:
         Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ tối đa có thể cho ngư dân có điều kiện sản xuất kinh doanh và gắn với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thời gian tới, Chính phủ đang thảo luận và dự kiến sẽ ban hành sớm một số chính sách cụ thể hỗ trợ cho ngư dân như sau:
         - Chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu biển, đóng tàu mới công suất lớn, ưu tiên tàu sắt đánh bắt xa bờ theo hướng cho vay ưu đãi vốn đóng tàu thời hạn khoảng 11 năm, trong đó có 01 năm ân hạn, lãi suất ban đầu của ngân hàng cho vay là khoảng 5% trong đó ngân sách nhà nước  hỗ trợ 2%, ngư dân tối đa là 3% (hoặc địa phương 1%, ngư dân 2%);
         - Chính sách hỗ trợ ngư dân đóng  bảo hiểm cho người và tàu đánh bắt cá, theo đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 70% trở lên kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và ngư lưới cụ, 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
          b) Về đề nghị cho phép ngư dân trực tiếp được đón nhận nguồn vốn vay ưu đãi trong gói hỗ trợ ngư dân 10 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để trực tiếp đóng mới khi tàu thuyền bị cướp phá, đâm thủng:
          Thực hiện chính sách đóng và hưởng quyền lợi bảo hiểm đối với tàu đánh bắt cá.
         c) Về kiến nghị tiếp tục giải ngân vốn giai đoạn II của dự án xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (tổng số vốn là 360 tỷ đồng, mới giải ngân được 60 tỷ đồng) để dự án sớm hoàn thành, giúp ngư dân trú, tránh bão an toàn trong mùa mưa bão sắp tới:
          Giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung kế hoạch năm 2014 số tiền 100 tỷ đồng cho Dự án và tiếp tục bổ sung 100 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2015.
        d) Về đề nghị chế độ bảo hiểm xã hội cho những trường hợp lao động nữ đang mang thai nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản (là những trường hợp lao động đang làm việc ở 17 doanh nghiệp bị thiệt hại nặng phải tạm ngừng sản xuất thời gian dài tại Bình Dương sau các vụ việc ngày 13 và ngày 14 tháng 5 năm 2014) được đóng bảo hiểm xã hội tiếp (kể cả phần mình và phần của người sử dụng lao động) để đủ 6 tháng được hưởng bảo hiểm xã hội:
         Giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn giải quyết những trường hợp lao động nữ mang thai ở 17 doanh nghiệp nêu trên được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ thai sản.
          đ) Về đề nghị Ban Tổ chức Trung ương tăng thêm biên chế cho công đoàn các khu công nghiệp có đông công nhân lao động:
        Thống nhất với đề nghị nêu trên. Tổng Liên đoàn sớm làm việc với Ban Tổ chức Trung ương để xem xét biên chế tổ chức công đoàn ở các khu công nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.
           Văn phòng Chính phủ xin thông báo đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan cùng phối hợp tổ chức triển khai thực hiện./.
 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây