Đối thoại với người lao động: Doanh nghiệp không mặn mà

Thứ hai - 30/05/2016 03:26 2.383 0
Nghị định số 60/2013/NĐ-CP về Thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2013 yêu cầu: Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại định kỳ với người lao động tại nơi làm việc 3 tháng/ lần; doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên phải tổ chức hội nghị người lao động 1 năm/lần. Tuy nhiên sau 3 năm triển khai, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa mặn mà thực hiện việc đối thoại định kỳ.
Doanh nghiệp cần tổ chức đối thoại định kỳ để phát huy tinh thần làm việc của công nhân
Doanh nghiệp cần tổ chức đối thoại định kỳ để phát huy tinh thần làm việc của công nhân
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 2.300 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa triển khai việc đối thoại định kỳ với người lao động, một số doanh nghiệp có thực hiện đối thoại nhưng chưa thật sự bài bản chỉ mới ở dạng “sơ khai” chuyển từ cuộc họp thông thường sang đối thoại theo kiểu trao đổi, giải đáp một số thắc mắc, yêu cầu của người lao động. Theo anh Dương Anh Tài, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Việt Hồng Chinh, từ năm 2015 đến nay doanh nghiệp có tổ chức đối thoại với người lao động tuy nhiên vì tâm lý sợ chủ lao động không hài lòng nên công nhân rất ngại đặt câu hỏi, chất vấn các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình. Vì vậy, nội dung các cuộc đối thoại diễn cứ chung chung không khác cuộc họp bình thường là mấy. 

Chủ doanh nghiệp không mặn mà triển khai; người lao động ngại đề xuất ý kiến; vai trò của Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp mờ nhạt vì hầu hết cán bộ công đoàn đều là người làm thuê khiến việc đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động chủ yếu diễn ra hình thức, qua loa, chiếu lệ. Nhiều nơi không bầu thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại. Một trong những nguyên nhân là do nhiều cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức vấn đề này còn giản đơn, chưa thực sự hiểu rõ giá trị của việc đối thoại mà cho rằng hàng tuần, hàng tháng doanh nghiệp đã có tổ chức giao ban từ các phòng, ban, tổ sản xuất… nên không tổ chức đối thoại hàng quý theo quy định của Nghị định 60, sợ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, dù số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng số doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên có tính ổn định rất ít, đa số có quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là buôn bán thương mại, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản chủ yếu đăng ký để đấu thầu công trình, dự án, sau đó thuê lại nhân công nên quản lý lao động lỏng lẻo trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự vào cuộc trong hướng dẫn, giám sát doanh nghiệp thực thi các văn bản pháp luật. 

Có thể nói, việc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc không chỉ hướng tới mục đích người sử dụng lao động tôn trọng, bảo đảm các quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc, quyền dân chủ được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật thông qua quy chế dân chủ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện công khai, minh bạch quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước. Điều này có nghĩa mục tiêu của đối thoại không chỉ mang lại quyền lợi cho người lao động mà qua đó giúp lãnh đạo doanh nghiệp tìm hiểu, thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh, tạo môi trường làm việc công bằng, thân thiện nhằm phát huy hiệu quả tinh thần làm việc của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động; giảm tranh chấp, giảm tỷ lệ bỏ việc trong doanh nghiệp. Điều này có nghĩa đối thoại định kỳ tại nơi làm việc mang lại quyền lợi cả cho người lao động và người sử dụng lao động. 

Vì vậy, để duy trì được các cuộc đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp chất lượng, cần xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người sử dụng lao động phải hiểu rõ nghĩa vụ đứng ra tổ chức đối thoại theo quy định. Với người lao động, cần biết thông qua tổ chức Công đoàn để thực hiện quyền của mình trong việc yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức đối thoại và phải đối thoại ra sao cho đảm bảo nội dung, yêu cầu đúng với tinh thần của Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Để giải quyết được vấn đề này, thời gian tới các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động các doanh nghiệp tự giác tổ chức đối thoại và có hướng dẫn các doanh nghiệp đổi mới đối thoại theo đúng nội dung quy định. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử phạt những doanh nghiệp không thực hiện đối thoại theo quy định tại Nghị định số 60/2013/ NĐ-CP.

Tác giả bài viết: Lâm Thanh (Website Báo Quảng Trị)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây