Gắn việc thu nộp kinh phí công đoàn với công tác phát triển tổ chức công đoàn

Thứ năm - 22/01/2015 01:19 1.407 0
                                                                                        Nguyễn Đăng Bảo
                                                                        Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh
 
          Việc đảm bảo về tài chính cho các cấp công đoàn hoạt động cũng như trả lương, phụ cấp cho cán bộ công đoàn từ cấp công đoàn cơ sở đến trung ương được pháp luật qui định tại Điều 26-Luật Công đoàn (2012), Chính phủ hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 qui định về tài chính công đoàn. Theo đó,  nguồn kinh phí cho tổ chức công đoàn hoạt động chủ yếu là từ đoàn phí do đoàn viên đóng góp theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động đóng bằng 2% quĩ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ngoài ra, công đoàn các cấp được tạo ra các nguồn thu khác từ hoạt động dịch vụ văn hoá, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; thu từ hỗ trợ của ngân sách nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao; thu từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo qui định của pháp luật.
          Trong các nguồn thu trên, thì nguồn thu chủ yếu để đảm bảo hoạt động và trả lương cho cán bộ công đoàn là nguồn thu từ 2% quĩ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm phục vụ chủ yếu để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo pháp luật qui định. Trong đó cần chú ý những điểm mới trong qui định của Bộ Luật Lao động (2012), Luật Công đoàn (2012) qui định về vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động, đó là: Ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm của công đoàn cơ sở, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; trực tiếp tham gia thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động; qui chế trả lương, nội qui lao động, qui chế dân chủ ở doanh nghiệp; tham gia hỗ trợ tranh chấp lao động, tổ chức đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà… Vì vậy, Luật Công đoàn ( 2012 ) và Nghị định 191/2013/NĐ-CP qui định: Đối tượng đóng kinh phí công đoàn bao gồm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở ( Điều 4, Nghị định 191/2013/NĐ-CP ).
          Từ những qui định mới về việc thu nộp kinh phí công đoàn và trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo qui định của Luật Công đoàn và Bộ Luật Lao động (2012). Năm 2014, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh bước đầu thực hiện phân cấp công tác thu kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ( LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành ) để gắn với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Qua một năm triển khai thực hiện. bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tích cực tiếp cận và nắm tình hình các doanh nghiệp, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực của các chi cục thuế để tuyên truyền, phổ biến qui định của pháp luật về trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn của các doanh nghiệp; một số đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn cho tổ chức công đoàn theo qui định của pháp luật. Tuy vậy, qúa trình triển khai việc thu nộp của của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập, trước hết là khó khăn về nguồn nhân lực để thực hiện hướng dẫn thu nộp kinh phí công đoàn, hầu hết công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa có cán bộ làm chuyên trách công tác tài chính công đoàn, biên chế lại ít, các công đoàn ngành hầu hết chỉ có một biên chế chuyên trách công đoàn nên khi triển khai thực hiện gặp khó khăn, không đủ điều kiện để tiếp cận đầy đủ các doanh nghiệp; thứ đến là do đặc thù của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có qui mô nhỏ, sử dụng ít lao động, việc làm của lao động không ổn định, các doanh nghiệp này hầu như không tham gia BHXH hoặc tham gia chỉ một vài lao động nên việc tính quĩ lương trích nộp kinh phí công đoàn khó xác định; ngoài những khó khăn trên thì một số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về việc đóng nộp kinh phí công đoàn theo qui định mới của pháp luật nên cố tình né tránh, dây dưa trong việc nộp kinh phí công đoàn nhưng tổ chức công đoàn chỉ thuyết phục không đề nghị chính quyền thực hiện theo pháp luật qui định. Mặt khác, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chưa tích cực, còn ỷ lại về nguồn kinh phí công đoàn đã được công đoàn cấp trên cấp nên chưa tích cực đôn đốc thu nộp;  trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh trong hỗ trợ công đoàn cấp trên cơ sở chưa có kế hoạch cụ thể, nhất là cán bộ làm công tác tài chính chưa tích cực chỉ đạo, trợ giúp cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thưc hiện việc thu nộp kinh phí công đoàn ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
          Năm 2015, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh lần thứ 6 xác định nhiệm vụ thu nộp kinh phí công đoàn ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn là vấn đề được chỉ đạo trọng tâm. gắn việc thu nộp kinh phí công đoàn với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại các doanh nghiệp. Tổ chức phân cấp thu kinh phí công đoàn tất cả các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cũng như chưa có tổ chức công đoàn cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; vì vậy vấn đề đặt ra cho công đoàn cấp trên cơ sở là muốn thu nộp công đoàn thì phải làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tăng cường công tác khảo sát doanh nghiệp, nắm tình hình lao động để thu đạt chỉ tiêu được giao. Chỉ tiêu đặt ra trong năm 2015 là 80% doanh nghiệp có sử dụng 30 lao động trở lên phải thành lập được tổ chức công đoàn; thu kinh phí trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn ít nhất đạt trên 70% chỉ tiêu đặt ra. Việc phân cấp thu và quản lý tài chính toàn diện cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng là giải pháp để thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh thực hiện Nghị quyết 4a/NQ-TLĐ về “ Nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ững phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới” .
          Triển khai thu nộp kinh phí công đoàn theo qui định của Nghị định 191/NĐ-CP và phân cấp thu tài chính công đoàn cho công đoàn cấp trên trực tiếp là việc làm mới trong tổ chức hoạt động công đoàn, có tác động lớn đến nguồn thu tài chính công đoàn đảm bảo cho sự hoạt động của hệ thống tổ chức công đoàn. Với sự tập trung chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, sự phối hợp của các ngành hữu quan, đặc biệt là Cục Thuế tỉnh, tin tưởng rằng các cấp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thúc đẩy công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây