Ghi nhận từ Hội thảo công đoàn tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân

Thứ năm - 24/03/2016 20:54 1.175 0
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổng kết 10 năm (2006-2015) công đoàn tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân theo qui định tại Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 và lấy ý kiến tham gia với Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2005/NĐ-CP. Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân”. Hội thảo có sự tham gia chỉ đạo của đồng chí Lê Thị Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tỉnh, đại biểu lãnh đạo Thanh tra tỉnh, đại biểu công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và một số CĐCS có chỉ đạo hoạt động Ban Thanh tra nhân dân.
Đ/c Nguyễn Đăng Bảo - PCTTT LĐLĐ tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Đ/c Nguyễn Đăng Bảo - PCTTT LĐLĐ tỉnh phát biểu tại Hội thảo
          Các ý kiến tham luận tại hội thảo có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, đề cập sâu những nội dung trọng tâm của hội thảo. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao, khẳng định vai trò cần thiết về việc tổ chức, hoạt động Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân đã phát huy được quyền làm chủ, quyền giám sát của CNVCLĐ đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vai trò của người đứng đầu đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là trong giám sát việc thực hiện nghị quyết Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị người lao động, việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, CNVCLĐ, quy chế nội bộ và những vấn đề mà cán bộ, CNVCLĐ quan tâm. Thông qua hoạt động giám sát, Ban TTND đã có những kiến nghị, đề xuất xác đáng và được lãnh đạo các đơn vị tiếp thu, kịp thời rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn và có những giải pháp kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, điều hành, tạo được đồng thuận của CBCC, VC, NLĐ. Thông qua hoạt động, Ban TTND đã thường xuyên nắm bắt, tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của CBCC, VC, NLĐ về tình hình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện QCDC của lãnh đạo đơn vị, phản ảnh và kiến nghị kịp thời với cấp uỷ Đảng, người đứng đầu đơn vị và các đồng chí cán bộ chủ chốt để khắc phục những thiếu sót, xây dựng ý thức dân chủ, công khai, minh bạch, sâu sát hơn với quần chúng, hạn chế được những biểu hiện chuyên quyền, độc đoán trong quản lý, điều hành hoạt động tại đơn vị. Qua đó đã ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, làm trái pháp luật, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh.
 Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của Ban TTND trong thời gian vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Đó là công tác chỉ đạo, hướng dẫn của tổ chức công đoàn đối với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân chưa được quan tâm thường xuyên. Việc hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân hầu như chỉ do tổ chức công đoàn đảm nhận, chưa có sự vào cuộc của cơ quan thanh tra nhà nước theo đúng quy định của Luật Thanh tra và Nghị định 99. Một số lãnh đạo các đơn vị chưa có sự nhận thức đầy đủ về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân vẫn còn chung chung, chưa phát huy được hết vai trò của Ban thanh tra nhân dân như quy định. Ban thanh tra nhân dân chưa thực sự chủ động trong việc tham mưu, đề xuất kiến nghị với lãnh đạo các đơn vị và Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Một số cán bộ, CNVCLĐ được bầu làm thanh tra nhân dân chưa đủ bản lĩnh cũng như năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao, còn có tư tưởng ngại “va chạm”… Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ, CNVCLĐ tham gia Ban TTND đều hoạt động kiêm nhiệm, trong khi chế độ, chính sách chư­a đ­ược đặt ra cụ thể nên không khuyến khích, động viên đư­ợc đội ngũ cán bộ tham gia Ban TTND ở cơ sở cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của Ban TTND.
  Từ những nguyên nhân hạn chế, yếu kém, các tham luận cũng đã đề xuất những giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh vai trò của cấp ủy đảng, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các cấp, người đứng đầu và Ban Chấp hành CĐCS các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ vai trò của Ban TTND để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động để Ban TTND hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình theo quy định. Phải lựa chọn những cán bộ, CNVCLĐ có năng lực, có bản lĩnh, có uy tín, có trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung để thực hiện nhiệm vụ thanh tra nhân dân. Các ý kiến tham luận cũng đề nghị LĐLĐ tỉnh, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động Ban TTND cho các đơn vị cơ sở, đồng thời kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn về hoạt động Ban TTND cho phù hợp với tình hình mới, cần có những quy định rõ hơn về chế độ, chính sách cho cán bộ, CNVCLĐ làm công tác thanh tra nhân dân để động viên, khuyến khích họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
   Tại Hội thảo nhiều ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định 99, các tham luận đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành nghị định này nhằm khắc phục được những bất cập đang đặt ra từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Ban TTND, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động Ban TTND, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Ban TTND đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Các ý kiến tham luận cơ bản đồng tình với bố cục, những nội dung quy định của dự thảo, đồng thời cũng đã tập trung đề xuất bổ sung, sửa đổi một số quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động của Ban TTND trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, trong đó chú trọng đến quy định tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Ban TTND, nhiệm kỳ hoạt động của Ban TTND, trách nhiệm của người đứng đầu và Ban Chấp hành CĐCS, kinh phí và chế độ tài chính của Ban TTND. Một số tham luận cũng đã đề cập đến những nội dung liên quan đến hoạt động của Ban TTND xã, phường, thị trấn.
 Chủ trì Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đăng Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh ghi nhận các ý kiến tham luận của các đại biểu để tổng hợp đầy đủ, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm công đoàn tổ chức và hoạt động Ban TTND giai đoạn 2006-2015, báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng thời cũng rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban TTND trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở, thực hiện tốt vai trò đại diện của tổ chức công đoàn theo luật định.

Tác giả bài viết: Bảo Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây