Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nữ CNVCLĐ

Thứ sáu - 31/03/2017 04:12 1.210 0
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm đến đời sống công nhân, người lao động, trong đó có lao động nữ, thể hiện qua hệ thống chính sách, pháp luật lao động ngày càng được đổi mới và hoàn thiện. Thông qua các chính sách, lao động nữ được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giúp chị em cơ hội có việc làm, tăng thu nhập và tham gia công tác xã hội, đồng thời bảo đảm thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ và chăm sóc con cái. Hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị có 19.244 nữ công nhân viên chức, lao động (CNVC, LĐ), chiếm 49% lực lượng CNVC, LĐ. Trong đó, tỷ lệ nữ khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 86,4%, khu vực sản xuất kinh doanh 13,6%; ở một số ngành nghề, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao như: Giáo dục, Y tế, Ngân hàng, Bưu điện và một số doanh nghiệp may mặc.
Khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ
Khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ
Đội ngũ cán bộ nữ ở các cấp, các ngành, các đơn vị luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, uy tín, nhiều chị giữ cương vị cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, HĐND, UBMT và đoàn thể ở các cấp, nhiều chị giữ cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh, có những đóng góp quan trọng trong quá trình lãnh đạo, điều hành ở các đơn vị và địa phương Với vai trò là tổ chức chính trị-xã hội, đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công nhân lao động, trong đó có lực lượng lao động nữ, những năm qua, Công đoàn các cấp, đặc biệt là ban nữ công quần chúng trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, tập trung tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác nữ công, tạo điều kiện để nữ CNVC, LĐ yên tâm lao động, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Công tác tuyên truyền, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Công đoàn; giáo dục, nâng cao nhận thức về giới, gia đình, xã hội, phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được đẩy mạnh. Các cấp Công đoàn đã tổ chức sinh hoạt định kỳ, nghe nói chuyện chuyên đề bình đẳng giới, kiến thức pháp luật, dân số-sức khỏe sinh sản, tổ chức giao lưu gặp mặt cán bộ nữ công, gia đình CNVC, LĐ hạnh phúc, gia đình thành đạt, trao đổi kỹ năng truyền thông nuôi con bằng sữa mẹ, tổ chức khám chuyên khoa cho nữ công nhân lao động... đã thu hút đông đảo chị em tham gia. LĐLĐ tỉnh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh và huyện xây dựng và phát sóng các phóng sự về việc làm, đời sống và việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ.
Tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 6b và Chỉ thị 03 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho lao động nữ cũng được quan tâm đúng mức. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức các hoạt động như tọa đàm, gặp mặt ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của phụ nữ thế giới nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi nấu ăn, tham quan du lịch, TDTT, thi các trò chơi dân gian…, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nữ CNVC, LĐ.
Song song với việc tuyên truyền, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực tham gia xây dựng thỏa ­­ước lao động tập thể, thuyết phục chủ doanh nghiệp ký các điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ, cao hơn so với quy định của pháp luật. Nâng cao vai trò đại diện ban nữ công quần chúng đối với lao động nữ theo quy định. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và đặc biệt là các chính sách, chế độ riêng đối với phụ nữ khi tham gia lao động.
Hàng năm LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp kiểm tra 50 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt tại 3 đơn vị có đông lao động nữ (Công ty cổ phần May và Thương mại Quảng Trị, Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh, Nhà máy may Phong Phú Quảng Trị). Qua kiểm tra cho thấy, việc thực hiện chế độ chính sách, tiền lương, thu nhập, thời gian làm việc, chính sách thai sản... của lao động nữ luôn được đảm bảo, mức sống và điều kiện lao động được cải thiện. Một số doanh nghiệp, ngoài việc thực hiện chế độ với lao động nữ theo quy định đã có những chính sách có lợi hơn cho lao động nữ như nuôi con dưới 12 tháng tuổi ngoài thời gian được nghỉ theo chế độ là 60 phút/ngày còn được hỗ trợ thêm 30% lương; có con nhỏ dưới 3 tuổi thì được hỗ trợ thêm 10% lương; tổ chức khám tầm soát ung thư cho lao động nữ, tặng quà nhân ngày 8/3, 20/10, ngày sinh nhật của đoàn viên, hỗ trợ chi phí gửi con ở nhà trẻ, mẫu giáo, nhà trọ cho công nhân lao động...
Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện một số chính sách liên quan tới lao động nữ có những khó khăn, vẫn còn một số lao động nữ thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định; làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, phương tiện trang bị phòng hộ lao động cá nhân thiếu và kém chất lượng, buồng tắm, nhà vệ sinh chưa được đảm bảo; điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí, nhà ở, phương tiện đi lại của lao động nữ còn nhiều khó khăn, chưa có nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ trong các khu công nghiệp; vẫn còn không ít nữ CNLĐ chưa được hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, chưa được khám sức khỏe định kỳ, chế độ thai sản chưa được đảm bảo. Cán bộ nữ công Công đoàn các cấp hầu hết kiêm nhiệm, kinh nghiệm tổ chức hoạt động ở một số đơn vị còn hạn chế. Việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt nữ công chưa được chú trọng thường xuyên...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nữ công, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ, các cấp Công đoàn cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ nữ, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đông đảo nữ CNVC, LĐ, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động; gắn kết các nội dung, phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đồng cấp để phối hợp chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ban nữ công gần gũi và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em; kịp thời phản ánh những trường hợp khó khăn, đột xuất với cấp ủy, chính quyền, ban chấp hành để được hỗ trợ giúp đỡ, tạo động lực cho chị em phấn đấu vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ tới người lao động, đặc biệt là nâng cao kiến thức pháp luật cho nữ CNLĐ trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là quan tâm, chăm lo tạo điều kiện cho nữ CNVC, LĐ nâng cao chất lượng đời sống, việc làm để an tâm công tác; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVC, LĐ, tư vấn, hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động đúng quy định; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tham gia quản lý và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ và có những kiến nghị, đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những trường hợp, tổ chức, đơn vị vi phạm chế độ chính sách lao động nữ.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, người phụ nữ nói chung và nữ CNVC, LĐ nói riêng gánh trên vai rất nhiều chức năng và trách nhiệm: người mẹ hiện đại, người công dân tốt, người vợ hiền - đảm đang, người cán bộ tài năng giỏi việc, đòi hỏi mỗi nữ CNVC, LĐ phải tự trang bị cho mình những kiến thức, vận dụng một cách sáng tạo, đổi mới, linh hoạt trong tổ chức hoạt động nữ công, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ, tiếp thêm niềm tin, động lực để lao động nữ vươn lên và không ngừng lao động sáng tạo.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây