Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2016) Chuyện Bác Hồ thực hiện quyền công dân

Thứ tư - 18/05/2016 20:02 1.233 0
Trong hơn 16 năm sống và làm việc ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã 8 lần đi bầu cử, trong đó có 3 lần bầu đại biểu Quốc hội, 5 lần bầu Hội đồng Nhân dân thành phố và Hội đồng Nhân dân khu phố Ba Đình. Lần nào cũng vậy, Bác luôn coi mình như bao cử tri khác, bỏ phiếu để thực hiện quyền làm chủ của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa II ngày 8-5-1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa II ngày 8-5-1960
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính quyền cách mạng ra đời trong tình thế hết sức khó khăn, thù trong giặc ngoài. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố chính quyền là thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, xây dựng Hiến pháp, bầu ra Chính phủ chính thức.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”. Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bác và quyết định tổ chức tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội khóa I vào ngày 6-1-1946.
Gần đến ngày bầu cử, có 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính các cấp đưa ra một bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Bản đề nghị ấy cũng chính là nguyện vọng của đông đảo nhân dân ta khi ấy. Nhưng Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân. Bức thư viết: “Tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định...”.  
Ngày 5-1, trước ngày Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh của hơn 2 vạn cử tri Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội tại khu Việt Nam học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Thay mặt các ứng cử viên, Bác nói: “Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này… Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu…”.Hôm sau, điểm bỏ phiếu số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ) trang hoàng rực rỡ, đông đảo cử tri đã tề tựu từ sớm đợi giờ khai mạc. Giữa lúc ấy, Bác Hồ xuất hiện với bộ kaki giản dị. Bác bước vào phòng bỏ phiếu làm nghĩa vụ công dân. Bà con ùa đến đón. Bác tươi cười vẫy tay chào đồng bào. Bầu cử xong, Bác đi thăm một số điểm bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Trống, Lò Đúc, Bưởi… Hà Nội năm ấy có 194.880 cử tri, hơn 91% đã đi bỏ phiếu, Hồ Chủ tịch có số phiếu bầu cao nhất (98,4%). Cuộc Tổng tuyển cử cũng đã bầu ra 333 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; đại diện cho các dân tộc và các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Vì điều kiện chiến tranh, đến tận tháng 5-1960, ta mới có thể tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. Tiếp xúc cử tri Hà Nội ở Nhà hát Lớn thành phố tối 24-4-1960, Bác Hồ nói: “Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi, xa lạ gì mà phải ra mắt. Nói thế này mới đúng. Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta… Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, nó là dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà…”.
Đúng 7h ngày 8-5-1960, Bác đã có mặt tại phòng bỏ phiếu tổ 52 khu phố Trúc Bạch, đặt tại trường Nguyễn Trãi, phố Cửa Bắc. Bác ân cần thăm hỏi nhân dân, khen Ban Bầu cử tổ chức chu đáo và mời cụ Thạc là cử tri cao tuổi nhất bỏ lá phiếu đầu tiên, rồi mới đến mình. Sau đó, Bác đi kiểm tra một số điểm bỏ phiếu ở xã Nhật Tân và nhắc nhở phải đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, bí mật, hoàn thành đúng thời gian, an toàn.
Đến trước cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa III, Bác cho biết, bản thân Người đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm, nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được. Bác hứa: “Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà, phấn đấu cho: Nam Bắc sum họp một nhà”.
Ngày 26-4-1964, Bác Hồ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa III tại phòng bỏ phiếu A24 đặt ở Hội trường Bộ Nông nghiệp, cạnh công viên Bách thảo, phố Ngọc Hà. Bỏ phiếu xong, Bác đi thăm một số khu vực bầu cử ở khu phố Đống Đa, thôn Vệ Hồ, huyện Từ Liêm.
Trong hơn 16 năm sống và làm việc ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã 8 lần đi bầu cử, trong đó có 3 lần bầu đại biểu Quốc hội, 5 lần bầu Hội đồng Nhân dân thành phố và Hội đồng Nhân dân khu phố Ba Đình. Lần nào cũng vậy, Bác luôn coi mình là một cử tri như bao cử tri khác, bỏ phiếu để thực hiện quyền làm chủ của mình.
 

Tác giả bài viết: Vp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây