Tìm hiểu về Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Thứ hai - 27/06/2016 22:51 2.002 0
BBT: Để cán bộ công đoàn các cấp và người lao động nắm rõ về tiêu chuẩn lao động quốc tế được qui định thông qua các công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); đồng thời để hỗ trợ công đoàn các cấp trong quá trình tham gia xây dựng và thực thi chính sách pháp luật lao động-công đoàn, hướng tới tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế; quá trình đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong thực hiện những cam kết về công đoàn trong thực thi Hiệp định TPP ( Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương ). Ban Biên tập giới thiệu tài liệu “ Nhìn nhận của Công đoàn Việt Nam về việc tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức lao động Quốc tế tại Việt Nam”. ( Tài liệu do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát hành )
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với ILO tại Việt Nam
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với ILO tại Việt Nam
Phần I: Giới thiệu về Tổ chức Lao động Quốc tế, quan hệ của Việt Nam với tổ chức Lao động Quốc tế:
            1. Giới thiệu về Tổ chức lao động Quốc tế:
            Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được thành lập năm 1919, vào thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ I. ILO trở thành cơ quan chuyên môn đầu tiên của Liên Hiệp quốc vào năm 1946. ILO ra đời thể hiện nìêm tin rằng hoà bình lâu dài trên toàn thế giới chỉ có thể được thực hiện dựa trên công bằng xã hội. Trong lời nói đầu của Điều lệ ILO viết: “Bất kỳ  một quốc gia nào thất bại trong việc thúc đẩy điều kiện lao động nhân văn đều là trở ngại trên con đường của các quốc gia khác mong muốn cải thiện điều kiện lao động ở nước họ”.
            Mục đích hoạt động của ILO là thúc đẩy công bằng xã hội và các quyền con người và quyền của người lao động được quốc tế công nhận. ILO theo đuổi sứ mệnh ngày từ khi sáng lập. ILO quan niệm môi trường lao động hoà bình là điều thiết yếu để phát triển thịnh vượng. Mục tiêu hoạt động bao trùm của ILO là thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả mọi người để người lao động được làm việc trong điều kiện tự do, công bằng, bảo đảm và tôn trọng nhân phẩm. Hiện tại, ILO xác định bốn mục tiêu chiến lược là:
-         Thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn, các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc;
-         Tạo cơ hội cho phụ nữ và nam giới có việc làm và thu nhập bền vững;
-         Mở rộng đối tượng thụ hưởng và hiệu quả của chính sách an sinh xã hội cho tất cả mọi người;
-         Tăng cường đối thoại xã hội và cơ chế ba bên trong lĩnh vực lao động.
ILO có đặc thù về phương thức hoạt động theo cơ chế ba bên-là sự hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức của người lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động để thúc đẩy tiến bộ kinh tế-xã hội. Các đối tác ba bên gặp hàng năm vào tháng 5, tháng 6 tại Hội nghị Lao động Quốc tế ở Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sỹ để thảo luận và thiết lập các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các chính sách và chương trình hành động. Chính nhờ cơ chế ba bên của ILO, người lao động và người sử dụng lao động có tiếng nói bình đẳng với chính phủ trong các vấn đề và lĩnh vực liên quan và được tham gia đối thoại xã hội trong hành động. Cơ chế ba bên cũng tạo cơ hội cho các đối tác xã hội phản ánh quan điểm của mình trong xây dựng các tiêu chuẩn lao động, các chính sách và chương trình hành động. ILO khuyến khích cơ chế ba bên tại các nước thành viên, đặc biệt trong xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia về xã hội, kinh tế, và các lĩnh vực khác.
Với số nước thành viên hiện tại là 186 nước, ILO đã thông qua 189 công ước, 6 nghị định thư và 201 khuyến nghị, các lập tiêu chuẩn lao động quốc tế trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

               2. Quan hệ Việt Nam-ILO:
               
              Việt Nam gia nhập trở lại ILO năm 1992, từ đó đến nay quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-ILO ngày càng phát triển tốt đẹp. Văn phòng ILO được mở tại Hà Nội năm 2003. Mục đích chính của ILO tại Việt Nam là thúc đẩy các quyền tại nơi làm việc, khuyến khích các cơ hội việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội và tăng cường đối thoại về các vấn đề liên quan đến việc làm. ILO làn thành viên tham gia sáng kiến Một Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Các đối tác chính của ILO bao gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA) đại diện cho Chính phủ Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) đại diện cho người lao động; Phòng Thương mại& Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) đại diện cho người sử dụng lao động tại Việt Nam.
( Kỳ sau: Các lĩnh vực hoạt động chính của ILO tại Việt Nam; Các hoạt động hợp tác hiện nay của ILO với Công đoàn Việt Nam )
                                                                                       

Tác giả bài viết: BAN BIÊN TẬP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây