Đẩy mạnh công tác giám sát thực hiện Luật Lao động

Thứ hai - 11/07/2016 05:41 1.321 0
Sau 3 năm triển khai Luật Lao động 2012, công tác giám sát, kiểm tra thực hiện chấp hành bộ luật này được các cấp Công đoàn chú trọng. Định kỳ hàng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) kiểm tra định kỳ tại các doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cả người sử dụng lao động và người lao động.
Đa phần người lao động tại các doanh nghiệp đều được ký kết hợp đồng với người sử dụng lao động
Đa phần người lao động tại các doanh nghiệp đều được ký kết hợp đồng với người sử dụng lao động
Theo số liệu của Sở LĐ, TB & XH, đến cuối năm 2015, Quảng Trị có khoảng 2.400 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký hoạt động với số lao động đang sử dụng khoảng 36.500 người. Với số doanh nghiệp, hợp tác xã và số lao động nói trên cùng với việc Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và các văn bản dưới luật mới được ban hành, đòi hỏi LĐLĐ tỉnh tăng cường phối hợp Sở LĐ, TB & XH chỉ đạo và hướng dẫn Công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng đàm phán để bổ sung thoả ước lao động có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Tăng cường cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp về cơ sở trợ giúp cho Công đoàn cơ sở trong tổ chức thương lượng, đối thoại với doanh nghiệp, tư vấn cho người lao động trong thực hiện hợp đồng lao động. Bình quân mỗi năm các cấp Công đoàn đã phối hợp với các cơ quan nhà nước, các ban, ngành chức năng tổ chức 323 cuộc thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động. Qua kiểm tra các cấp Công đoàn đã tiếp nhận 137 đơn thư kiến nghị, khiếu nại và nhiều ý kiến thắc mắc về các vấn đề tiền lương, tiền thưởng, BHXH, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, chế độ thôi việc, tai nạn lao động… Các cấp Công đoàn đã tích cực chủ động và phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời, thoả đáng các đơn thư, kiến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn vận động đoàn viên, CNVC, LĐ tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Hạn chế những biểu hiện chuyên quyền, độc đoán trong quản lý, điều hành hoạt động tại đơn vị, qua đó đã ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, làm trái pháp luật.
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Lao động tình hình chấp hành pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ ký kết hợp đồng lao động với số lao động làm việc từ 3 tháng trở lên tăng từ 93,5% năm 2013 lên 94,8% năm 2015, trong đó doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ lao động được ký kết hợp đồng lao động gần 99%. Hiện toàn tỉnh có 103 lượt doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động, 91 doanh nghiệp gửi thỏa ước lao động tập thể đến Sở LĐ, TB & XH. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra một số ít vụ tranh chấp lao động cá nhân, không xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công.
Có thể thấy, hiện tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp được ký kết hợp động với người sử dụng lao động đạt 94,8%, phần lớn hợp đồng lao động thực hiện đúng qui định của Luật Lao động, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức CĐCS ký kết thoả ước lao động tập thể mới chỉ đạt 35,3%. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định xã hội, thời gian tới các cấp Công đoàn và đơn vị liên quan cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật tại các doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng, nhất là các doanh nghiệp không tham gia các lớp tập huấn, không thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động...

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Mai Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây